Thị trường chứng khoán nhận diện động lực mới để phát triển

Thị trường chứng khoán nhận diện động lực mới để phát triển

(ĐTCK) Ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà TTCK Việt Nam đã đạt được trong 16 năm qua, tuy nhiên, các thành viên thị trường, trong đó có các CTCK, đã thẳng thắn thể hiện những kỳ vọng thay đổi, cải tiến trong thời gian tới, nhằm giúp thị trường phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn. 

“Cần giải pháp quyết liệt hơn buộc DN đã cổ phần hóa lên giao dịch”

 Ông Nguyễn Băng Tâm,Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp niêm yết

So với những ngày đầu chập chững của năm 2000, 2001, khi có chưa đầy 10 công ty niêm yết, thì hiện nay, TTCK Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc. 17 năm qua, thị trường luôn cải cách không ngừng theo hướng ngày càng hoàn thiện, từ công nghệ đến cơ chế pháp lý, từ hoạt động của UBCK đến các sở giao dịch, CTCK, công ty niêm yết đều hướng đến trình độ chuyên nghiệp. Câu lạc bộ Doanh nghiệp niêm yết đánh giá cao sự phát triển vững vàng và vận hành một cách an toàn trong suốt 17 năm qua của TTCK.

Thực tế, Chính phủ, Bộ Tài Chính đã có những bước hỗ trợ cho TTCK như việc nới room, thúc đẩy cổ phần hóa công ty nhà nước và khuyến khích DN tiến hành niêm yết… Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu kỹ hơn để đưa ra thêm các sản phẩm, chính sách hỗ trợ DN. Đối với công tác tạo hàng, cần có giải pháp quyết liệt hơn để buộc các DN đã cổ phần hóa phải lên giao dịch trên 2 sàn niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Đối với nghiệp vụ hỗ trợ tính thanh khoản cho thị trường, chẳng hạn vấn đề rút ngắn thời gian giao dịch, mặc dù đã đề cập rất nhiều lần, nhưng vì một số trở ngại chưa thực hiện được, cơ quan quản lý phải sớm nghiên cứu để tìm cách khắc phục, phục vụ nhu cầu của đại đa số nhà đầu tư.

“Giảm bớt thủ tục giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài”

 Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư CTCK Maritime (MSI)

Những thành tựu mà TTCK Việt Nam đạt được trong những năm qua thật đáng khích lệ. Để TTCK ngày càng phát triển, tôi cho rằng, chúng ta cần phải có những đổi mới toàn diện và tổng thể, từ việc thúc đẩy nhanh quá trình hợp nhất 2 sở giao dịch; triển khai đồng bộ và đi vào hoạt động TTCK phái sinh; các sở và CTCK thành viên phối hợp để sớm triển khai cung cấp các sản phẩm như T+0; sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán, đưa ra các khung hình phạt mang tính răn đe đối với các trường hợp thao túng giá cổ phiếu, làm giả hoặc làm sai lệch báo cáo tài chính, bản cáo bạch…

Hoàn thiện, có thể bổ sung thêm các tiêu chí mà DN phải đáp ứng trước khi niêm yết trên HOSE, HNX hay UPCoM nhằm nâng cao niềm tin của nhà đầu tư đối với các DN niêm yết. Cuối cùng, cần giảm bớt các thủ tục giao dịch, mở tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài để khuyến khích họ tham gia thị trường trong quá trình hội nhập và phát triển.

“Đẩy nhanh việc thực hiện giao dịch trong ngày và bán chứng khoán chờ về”

Bà  Nguyễn Mai Phương, Giám đốc chuyên môn phân tích, CTCK VNDIRECT

Chỉ số VN-Index đạt mức cao nhất trong 8 năm gần đây đã giúp TTCK thu hút thêm sự quan tâm của cộng đồng nhà đầu tư. Chúng tôi nhận thấy, giới đầu tư đánh giá cao các cấp quản lý trong việc nỗ lực cải tiến sản phẩm giao dịch và môi trường đầu tư, tuy nhiên vẫn còn nhiều mong muốn về sự thay đổi để thị trường có thể phát triển tốt hơn nữa.
Theo đó, giao dịch trong ngày và bán chứng khoán đã mua nhưng chưa về tài khoản có lẽ là mong muốn hàng đầu của nhà đầu tư trong nhiều năm nay. Thông tư 203 của Bộ Tài chính cho phép thực hiện các giao dịch này có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Chúng tôi kỳ vọng, các cấp quản lý sẽ sớm đưa ra hướng dẫn và có thể triển khai những sản phẩm này trong nửa đầu năm 2017. Sản phẩm này sẽ giúp nhà đầu tư quản lý rủi ro tốt hơn, không còn tâm lý lo lắng về sự sụt giảm bất thường khi cổ phiếu chưa kịp về tài khoản và có thể tận dụng những cơ hội từ khả năng bán khống trong ngày. Điều này sẽ cải thiện mạnh thanh khoản thị trường, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới, cũng như thúc đẩy quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Coi quản trị là yêu cầu bắt buộc khi niêm yết”

Ông Vũ Quang Đông, Giám đốc CTCK Vietcombank (VCBS) 

Sau 17 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đã có một dung mạo mới. Giai đoạn hiện tại, khung pháp lý đã và đang dần được hoàn thiện; quy mô thị trường cũng lớn mạnh hơn nhiều. Bên cạnh đó, phương thức giao dịch, công nghệ đã được thay đổi rất nhiều, giúp thanh khoản thị trường gia tăng, cũng như tạo nhiều tiện ích cho nhà đầu tư. Việc quản trị rủi ro thị trường, quản lý CTCK và DN niêm yết tốt hơn khiến nhà đầu tư tổ chức và nước ngoài tham gia nhiều hơn. Kênh huy động vốn phát triển dần qua cả cổ phiếu, trái phiếu chính phủ và trái phiếu DN.

Tuy nhiên, để hỗ trợ thị trường phát triển hơn nữa, cơ quan quản lý nên chú trọng đưa ra các giải pháp như nhanh chóng hoàn thiện hướng dẫn cho việc bán hàng chờ về, giao dịch trong ngày (tương tự như bán khống), có thể theo trình độ phát triển của thị trường, chưa nhất thiết cần ngay.

Mục đích là để tăng thanh khoản và gia tăng tiện ích cho khách hàng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản trị công ty, coi đó là yêu cầu bắt buộc khi niêm yết, ràng buộc trách nhiệm của đội ngũ quản trị với sự tuân thủ và minh bạch của công ty niêm yết, từ đó nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường. Ngoài ra, có thể đơn giản hóa thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài, song song với việc nới room cho các công ty đủ điều kiện. Ngoài ra, nên chú trọng đến công tác đào tạo cho nhà đầu tư và tổ chức đối thoại với nhà đầu tư về chính sách định kỳ để tăng sự kết nối. 

Những giải pháp này ngoài không chỉ hỗ trợ công chúng đầu tư, mà còn từng bước giúp nâng hạng TTCK Việt Nam trong thời gian tới.

“Cần cơ chế thông thoáng, linh hoạt để hỗ trợ thị trường phát triển”

Ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) 

Tuy hiện tại, quy mô TTCK Việt Nam còn nhỏ và mới được xếp ở nhóm thị trường cận biên, nhưng những thành tựu đạt được trong 16 năm qua hoàn toàn đáng ghi nhận. Hành lang pháp lý được hoàn thiện hơn, nhiều quy định, chính sách mang tính hỗ trợ cho TTCK phát triển, minh bạch và gần với thông lệ quốc tế hơn. Đặc biệt, trong năm 2015, hàng loạt các chính sách trong lĩnh vực chứng khoán được ra đời như Nghị định 60/2015; Nghị định 42/2015 quy định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh; nhiều Thông tư được Bộ Tài chính ban hành cũng đã bắt đầu được triển khai, như Thông tư 155 hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam; Thông tư 203 có hiệu lực ngày 1/7/2016 ban hành cơ chế mở đường cho triển khai hai nghiệp vụ T+0 và bán chứng khoán chờ về….

Những nền tảng và giải pháp mà các cơ quan quản lý đang nỗ lực thực hiện sẽ giúp TTCK hấp dẫn hơn, gia tăng thanh khoản, thu hút hơn nữa dòng tiền của cả NĐT trong nước và nước ngoài, qua đó, giúp TTCK phát triển bền vững. Để sớm đạt được mục tiêu trên, quyết tâm và cơ chế thông thoáng, linh hoạt của cơ quan quản lý là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của thị trường.

Một trong những nỗ lực được cộng đồng NĐT đánh giá cao đó là chủ động làm cầu nối đưa các chuyên gia quốc tế đến Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm với NĐT, giúp DN Việt Nam nâng cao chuẩn mực quản trị để hội nhập thành công.

“Cần những chính sách tháo gỡ cho mảng trái phiếu doanh nghiệp”

 Ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc CTCK Công Thương (VietinBankSc)

Qua 17 năm, TTCK Việt Nam đã tăng trưởng mạnh về quy mô, dần trở thành một kênh huy động vốn thiết yếu cho doanh nghiệp.
Chúng tôi mong muốn hoạt động ngân hàng đầu tư nói chung sẽ đi vào thực chất hơn, nhằm hỗ trợ DN thu xếp vốn tốt hơn. Hiện nay, kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp qua TTCK mới chỉ dừng lại chủ yếu ở hình thức phát hành thêm cổ phần.
Mảng trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; cần có những chính sách tháo gỡ như điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp cần được lỏng hơn (hiện nay chỉ kinh doanh có lãi mới được phát hành, báo cáo kiểm toán không ngoại trừ…); thuế thu nhập cá nhân là 5% cho nhà đầu tư cá nhân đầu tư trái phiếu khi nhận trái tức, trong khi gửi tiết kiệm là 0%; các loại trái phiếu khác nhau như trái phiếu kỳ hạn không hưởng lãi định kỳ chưa có khung pháp lý để triển khai… Đồng thời, chúng tôi cũng kiến nghị chế tài cho các DN niêm yết cần siết chặt hơn để các hàng hóa trên thị trường là các mặt hàng đã được kiểm định chặt chẽ.

Một vấn đề bất cập nữa là cơ chế chính sách hoa hồng trong lĩnh vực chứng khoán, từ hoạt động môi giới, tư vấn tài chính doanh nghiệp, tự doanh cho tới các hoạt động phức tạp hơn như tư vấn M&A, thu xếp vốn, hiện chưa có văn bản chính thức nào hướng dẫn vấn đề này.

Mặt khác, cần điều chỉnh lại hoạt động môi giới. Nên gắn chặt quyền lợi môi giới với kết quả đầu tư của nhà đầu tư. CTCK lúc đó đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ giao dịch, và phân chia quyền lợi giữa nhà đầu tư và môi giới.

Tin bài liên quan