Năm 2022 là một năm đầy lo lắng cho các nhà đầu tư cổ phiếu, từ xung đột địa chính trị, dịch COVID-19 cho đến lạm phát.
Một số chuyên gia cho rằng sự kết hợp của các vấn đề kinh tế vĩ mô và địa chính trị lớn sẽ khó có thể giúp thị trường chứng khoán kết thúc năm 2022 trong vùng khả quan.
David Spika, Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư của công ty quản lý đầu tư GuideStone Capital Management cho rằng có quá nhiều “trận gió ngược” để mong đợi lợi nhuận khả quan cho thị trường chứng khoán trong năm nay. Từ đầu năm đến nay, chỉ số Dow Jones giảm gần 7%, chỉ số S&P 500 giảm khoảng 10%, còn chỉ số Nasdaq giảm hơn 15%.
Theo các nhà quan sát, có ba vấn đề đang đè nặng lên thị trường cổ phiếu. Trước tiên là căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine. Thứ hai là vấn đề lạm phát tăng cao và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay để ứng phó tình trạng này. Thứ ba là dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, với sự gia tăng đột biến các ca mắc gần đây tại Trung Quốc.
Ông Spika cho biết không nhận thấy giải pháp nào giúp thu được lợi nhuận tích cực từ thị trường cổ phiếu, đồng thời lưu ý sẽ là "một chiến thắng" nếu giá cổ phiếu chỉ giảm ở mức một con số trong năm nay.
[Chứng khoán châu Á tiếp tục phục hồi sau khi Fed tăng lãi suất]
Theo ông Spika, kể cả khi cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sớm kết thúc, giá cổ phiếu vẫn quá cao trong bối cảnh lãi suất trên đà đi lên. Ông nhận định đà tăng mạnh mẽ của chứng khoán những năm qua được thúc đẩy nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng. Song, cơn gió thuận chiều này sắp biến thành "trận gió ngược."
Stephanie Lang, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản Homrich Berg, có trụ sở tại Mỹ cũng cho rằng "thời đại kiếm tiền dễ dàng đã qua."
Trong khi đó, Louise Goudy Willnough, một đối tác tại công ty tư vấn Crewe Advisors, có trụ sở tại Mỹ, cho rằng vẫn còn quá sớm để từ bỏ hy vọng về đà phục hồi của thị trường chứng khoán vào cuối năm nay, khi giờ chỉ là tháng Ba.
Theo bà Willnough, nếu mối lo ngại về căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu và các vấn đề chuỗi cung ứng dịu bớt, tăng trưởng thu nhập có thể trở lại mức bình thường, qua đó thúc đẩy giá cổ phiếu.