TTCK sau chuỗi ngày tăng điểm đã có 2 phiên giảm điểm mạnh vào cuối tuần. Bà có nhận xét gì về sự đảo chiều này?
Tôi cho rằng, thị trường đảo chiều trong 2 phiên cuối tuần qua không phải là điều quá ngạc nhiên. Trước hết, TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng từ thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ. Do đó, sự giảm điểm mạnh của chỉ số Down Jones trong những phiên gần đây cũng ảnh hưởng rất lớn đến VN-Index. Thứ hai, trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư chứng khoán đã đạt được kỳ vọng về lợi nhuận nên thực hiện chốt lãi. Thứ ba, tâm lý của một bộ phận NĐT cho rằng, có thể thị trường đã tăng quá nóng cũng đã làm giảm sức cầu của thị trường. Đợt tăng vừa qua khác với các lần trước ở điểm là có sự xoay vòng của luồng tiền vào các ngành khác nhau, điều này cũng là cơ sở để chúng tôi tin rằng, thị trường vẫn có tiềm năng để phát triển ổn định. Tôi cho rằng, thị trường đã có những bước lùi cần thiết để đạt được bước tiến xa hơn trong thời gian tới.
Nhiều DN đã và đang thực hiện công bố kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm. Vậy điều này sẽ tác động như nào đến thị trường, theo bà?
Thực tế, những DN đã thực hiện công bố kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm thường tập trung vào các DN có kết quả kinh doanh tốt, có thể kể đến một số nhóm ngành như cao su, dược phẩm… Tuy nhiên, điều này cũng đã được phản ánh một phần vào giá cổ phiếu của DN trong thời gian qua. Nửa cuối tháng 10, đây là thời điểm tất cả các DN đều phải công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, khi đó, thị trường sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu. Theo đó, những cổ phiếu có kết quả kinh doanh ổn định, có nhiều dự án hiệu quả sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định và ngược lại.
Trong thời gian qua, rất nhiều CTCK, đặc biệt là các CTCK lớn đã cung cấp nhiều dịch vụ tài chính giúp NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính trong hoạt động đầu tư. Theo bà, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào khi thị trường có xu hướng giảm?
Không thể phủ nhận việc NĐT thực hiện các đòn bẩy tài chính. Về nguyên tắc, khi thị trường đảo chiều theo xu hướng giảm, CTCK sẽ thực hiện bán nhóm cổ phiếu trong rổ NĐT đã ký quỹ và điều này sẽ tác động không tốt đến thị trường. Trên thực tế, sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ tạo nên sức cầu lớn khi thị trường có xu hướng đi lên và tạo áp lực bán bất thường trong xu hướng xuống. Do vậy, lo ngại về việc sẽ xảy ra tình trạng bán tháo là có cơ sở. Tuy nhiên, nền kinh tế và TTCK đang trong giai đoạn phục hồi, các CTCK cũng đã rút kinh nghiệm từ việc cho NĐT sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính trong những năm trước đó, nên hiện nay điều này không quá đáng ngại và tôi tin cả CTCK và NĐT sẽ có cách xử lý phù hợp hơn khi thị trường có biến động.
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường đang có những bước lùi để tiến xa hơn. Vậy cơ sở nào để kỳ vọng rằng, thị trường sẽ tăng trưởng ổn định vào cuối năm, theo bà?
Sau khi mạnh tay bơm tiền vào hệ thống tài chính, gói kích cầu thứ nhất đã khơi thông dòng chảy tín dụng đang bị ngưng trệ trước đó, niềm tin phục hồi trở lại. Lãi suất cơ bản được giữ nguyên 7% đã và sẽ giúp các DN có nguồn vốn giá rẻ phục vụ nhu cầu sản xuất. CPI được kiềm chế ở mức ổn định, 9 tháng đầu năm CPI mới chỉ tăng có 4% - một con số khá thấp so với CPI 9 tháng đầu năm 2008 (20,05%). Thông thường, CPI những tháng cuối năm sẽ biến động tăng, nhưng chắc chắn tốc độ tăng CPI vẫn trong tầm kiểm soát. Cùng với xu hướng phục hồi chung của kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam cũng đang bước vào thời kỳ phục hồi.
TTCK đã từng là kênh huy động vốn hữu ích cho các DN, vẫn sẽ là thị trường hút đầu tư vốn mạnh mẽ nhất so với các thị trường khác. Tôi cho rằng, TTCK giảm điểm như hiện tại chỉ là điều chỉnh nhỏ trong xu hướng tăng trưởng ổn định vào các tháng cuối năm. Trên cơ sở đó, trong ngắn hạn, VN-Index có thể sẽ xoay quanh ngưỡng 550 và đạt 650 điểm đến cuối năm.
Chỉ số chứng khoán và giá trị giao dịch giảm mạnh trong 2 phiên cuối tuần