Lỗi hẹn sản phẩm mới
Nếu đúng hẹn, 2018 lẽ ra là một năm “được mùa” sản phẩm mới như: Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, Chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant - CW)…
Tuy nhiên, thực tế đã ghi nhận một trạng thái ngược lại, khi các sản phẩm này cũng như một loạt sản phẩm, nghiệp vụ mới được kỳ vọng như quỹ hưu trí tự nguyện, bán chứng khoán chờ về, giao dịch trong ngày… chưa được mắt thị trường, dù chỉ còn 1 tuần nữa là kết thúc năm.
Với sản phẩm phái sinh thứ hai - Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, dù ở thời điểm cách đây 2 tháng và cũng như hiện tại, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đều khẳng định đã sẵn sàng hệ thống, quy trình, quy chế cho vận hành sản phẩm này, nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu từ nhà quản lý về việc “bấm nút” triển khai trong những ngày cuối cùng của năm 2018 sau nhiều lần lỗi hẹn.
Một sản phẩm mới khác do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) xây dựng là Chứng quyền có đảm bảo, dù mọi công việc chuẩn bị về hệ thống giao dịch, quy trình, quy chế, kiểm tra sản phẩm đã hoàn tất và sẵn sàng đưa vào giao dịch, nhưng theo cập nhật của Báo Đầu tư Chứng khoán từ lãnh đạo HOSE, cũng chưa thể triển khai trong năm nay.
Ngoài các sản phẩm trên, một loạt sản phẩm mới sau nhiều năm lỗi hẹn bất chấp quy định pháp lý đã mở ra từ lâu như quỹ hưu trí, bán chứng khoán chờ về, giao dịch trong ngày…, cũng chưa ra mắt thị trường như kỳ vọng của công chúng đầu tư. Thời điểm triển khai các sản phẩm này trong tương lai cũng chưa được định đoạt.
Vì đâu lỗi hẹn?
Thời gian qua, nhà quản lý đã nỗ lực đưa ra nhiều sản phẩm mới, nhưng đáng tiếc là mới chỉ dừng lại ở “sản phẩm trên giấy”. Điều này ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, cũng như các thành viên khác trên thị trường.
Với tư cách là các đơn vị đã sẵn sàng đưa sản phẩm mới vào giao dịch, ý kiến từ các sở giao dịch chứng khoán cho rằng, bản thân sở không có quyền tự quyết, mà chỉ có thể đề xuất phương án triển khai sản phẩm mới. Càng vào những tháng cuối năm, thị trường diễn biến theo chiều hướng không thuận.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu điều hành của nhà quản lý là ưu tiên giữ ổn định cho thị trường hơn là mạo hiểm triển khai các sản phẩm mới.
Điều này nhằm tránh những tác động không tích cực lên thị trường, nhất là trong bối cảnh việc tìm kiếm sức cầu cho các sản phẩm mới đang gặp nhiều thách thức, khi kênh đầu tư bất động sản trong năm 2018 được nhìn nhận là có nhiều điểm sáng, nên hấp dẫn các dòng vốn đầu tư; đồng thời, càng vào cuối năm, các dòng vốn tập trung nhiều hơn vào khu vực sản xuất.
Theo đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), với cơ sở nhà đầu tư tính đến thời điểm hiện tại, dường như chỉ các ngân hàng thương mại giao dịch với nhau.
Chưa đến 10 ngân hàng tham gia vào thị trường trái phiếu chính phủ khiến cho mua, bán trên thị trường khó đa dạng, bởi giao dịch của các ngân hàng nhiều khả năng chỉ diễn ra một chiều.
Đó là khi lãi suất tăng, ngân hàng nào cũng muốn mua vào Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ để phòng vệ rủi ro cho danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ mà họ đang nắm giữ (hiện giá trị danh mục trái phiếu chính phủ mà khối ngân hàng sở hữu khoảng 800.000- 900.000 tỷ đồng).
Vậy ai bán ra để họ mua? Trên thị trường cơ sở, hiện nhà đầu tư ngoại nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ không đáng kể, nên cũng khó phát sinh nhu cầu giao dịch Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ để phòng vệ rủi ro.
Cơ sở nhà đầu tư quá hạn chế như vậy và khi chủ yếu phụ thuộc vào khối ngân hàng thương mại, đang là một trong những thách thức lớn khi triển khai Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ.
Ngoài bối cảnh thị trường chưa thuận, còn một nguyên nhân khác, theo ý kiến của những người trong cuộc, khiến cho việc triển khai các sản phẩm mới gặp khó khăn, đó là thiếu các cơ chế, chính sách tiếp sức cho triển khai các sản phẩm như: Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, quỹ hưu trí… trong thời gian ban đầu, đặc biệt là cơ chế khuyến khích, ưu đãi về thuế, phí, nên nhiều sản phẩm chưa thể đưa ra thị trường.
Nếu những hạn chế trên không sớm được nhà quản lý khắc phục, việc triển khai các sản phẩm mới có nguy cơ còn trễ hẹn dài dài, không chỉ là trong năm 2018, mà rất có thể 2019 và xa hơn.
Cần thúc đẩy triển khai sản phẩm mới theo hướng khả thi, bền vững…
Khi quy định pháp lý cũng như trong thông điệp của nhà quản lý “bật đèn xanh” cho triển khai các sản phẩm mới, thì thường mang lại kỳ vọng mới cho thị trường, nhà đầu tư. Lý do là bởi họ trông đợi sẽ mang lại những cơ hội đầu tư mới trong bối cảnh tiềm năng cho triển khai các sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn lớn, vì hiện đa phần mới là các sản phẩm cơ bản được đưa vào giao dịch. Thực tế hiện nay cho thấy việc triển khai các sản phẩm mới là cần thiết đối với sự phát triển của thị trường.
Việc triển khai các sản phẩm mới cần được cơ quan quản lý thúc đẩy trong thời gian tới theo hướng ưu tiên đưa vào giao dịch các sản phẩm đáp ứng trúng nhu cầu của nhà đầu tư, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường.
Ông Tô Thành Vinh, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG)
Đừng lỗi hẹn thêm nữa
Việc triển khai các sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán cần được thúc đẩy trong thời gian tới. Theo đó, cần ưu tiên triển khai các sản phẩm có tính khả thi và đáp ứng được mong đợi của thị trường. Trước mắt, nên thúc đẩy triển khai các sản phẩm như: bán chứng khoán chờ về, giao dịch trong ngày, quỹ hưu trí tự nguyện.
Với bán chứng khoán chờ về, giao dịch trong ngày, đây là điều nhà đầu tư, thị trường chờ đợi từ nhiều năm qua, nhưng đến nay chưa biết đến bao giờ mới được triển khai mặc dù xét về mặt hệ thống công nghệ không có gì phức tạp. Một khi nghiệp vụ này được triển khai sớm, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, đồng thời tăng vòng quay của thị trường, qua đó cải thiện thanh khoản, cũng như sức hấp dẫn của thị trường.
Quỹ hưu trí cũng là sản phẩm thị trường chứng khoán Việt Nam chờ đợi từ nhiều năm nay, nhưng hiện chưa biết đến bao giờ mới có quỹ đầu tiên xuất hiện khi thiếu vắng các cơ chế hỗ trợ về phí, thuế với doanh nghiệp, nhà đầu tư khi tham gia vào quỹ…
Để hình thành hệ thống quỹ hưu trí, cần nhiều thời gian và quan trọng là phải vất vả trong thay đổi tư duy, thói quen cũ của cả cơ quan quản lý lẫn nhà đầu tư. Điều đó đòi hỏi những nỗ lực lớn cả từ phía nhà quản lý, lẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong khắc phục các khó khăn, để dần hình thành loại hình quỹ mới này.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Nhà đầu tư tại Hà Nội