“Chiếc neo” giữ niềm tin
Trong Luật Chứng khoán năm 2006, nguyên tắc minh bạch xếp vị trí thứ hai trong số 5 nguyên tắc của hoạt động chứng khoán và TTCK. Điều đó cho thấy, cũng giống như thông lệ quốc tế, với Việt Nam, minh bạch là nguyên tắc hàng đầu trong suốt 14 năm xây dựng và phát triển của TTCK.
Từ nguyên tắc như vậy, hệ thống văn bản dưới luật đã và sắp ban hành đều cụ thể hóa thành các quy định như: chuẩn mực công bố thông tin trên TTCK, quản trị công ty tốt theo thông lệ quốc tế… Cùng với đó, để đảm bảo nguyên tắc minh bạch được gìn giữ và tôn trọng như là một trong những “chiếc neo” duy trì niềm tin cho thị trường, hệ thống chế tài xử lý các hành vi vi phạm cả về hành chính lẫn hình sự đều “mạnh tay” đối với các hành vi vi phạm nguyên tắc minh bạch của thị trường.
Với thị trường sống bằng niềm tin như TTCK, thì cấp độ minh bạch càng được cải thiện cũng đồng nghĩa gia tăng niềm tin, sức sống cho thị trường. Bởi vậy, trong định hướng quản lý, điều hành thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) luôn chỉ đạo các đơn vị liên quan nỗ lực triển khai các bước cải cách, để đạt được một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu là nâng cao hơn nữa tính minh bạch, công bằng cho thị trường.
Nằm trong định hướng này, trong kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm 2014, ngoài tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát về tính minh bạch các thông tin trong báo cáo tài chính (BCTC) của các công ty đại chúng, UBCK còn xây dựng dự thảo Thông tư, sửa đổi bổ sung Thông tư 52/2012 hướng dẫn về công bố thông tin trên TTCK theo thông lệ quốc tế, để khi đưa ra vào áp dụng, sẽ góp phần cải thiện tính minh bạch cho thị trường.
Minh bạch tạo hiệu ứng lan tỏa
Sau nhiều năm tính minh bạch trên TTCK không chỉ được lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành thường nhắc đến như là hình mẫu, chuẩn mực minh bạch cho các lĩnh vực, ngành kinh tế khác học hỏi, mà những thông điệp về vấn đề này đang dần gia tăng hiệu ứng tác động tích cực ra nền kinh tế, nhất là khối DNNN, khu vực DN hiện nắm trong tay lượng tài sản, vốn rất lớn của nền kinh tế.
Theo đó, trong quá trình cải cảch hệ thống pháp lý nhằm tạo bước đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, cũng như hiệu quả làm ăn của khu vực DNNN, nhiều chuẩn mực về minh bạch trên TTCK đã và đang được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp lý quan trọng.
Đơn cử như mới đây nhất, tại Nghị định 69/2014 về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước, được Chính phủ ban hành trong tháng 7 này, khi đề cập về cơ chế minh bạch thông tin, ngoài buộc các loại hình DN này phải định kỳ công bố các loại thông tin: BCTC, báo cáo quản trị bán niên và cả năm; báo cáo thường niên..., văn bản này còn quy định: đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ hoạt động dưới hình thức CTCP, ngoài thực hiện quy định chung về minh bạch thông tin như trên, còn phải thực hiện công bố thông tin theo hướng dẫn về công bố thông tin trên TTCK…
Hiệu ứng minh bạch trên TTCK không chỉ lan tỏa tích cực đến các văn bản pháp lý vừa ban hành, mà còn ở nhiều văn bản luật quan trọng sắp ban hành. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, rất nhiều quy định trong dự thảo Luật, nhất là chương quy định về DNNN, mà cụ thể là các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, đang Ban soạn thảo hoàn thiện theo hướng buộc các DN này phải minh bạch hoạt động, công bố thông tin theo các chuẩn mực tương tự như DN trên TTCK.
Theo đó, Dự thảo quy định, DNNN phải công bố định kỳ trên website của công ty và của cơ quan chủ sở hữu các loại thông tin: BCTC bán niên và năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập; báo cáo thực trạng quản trị công ty...
Đặc biệt, DNNN còn phải công bố nhiều loại thông tin bất thường tương tự chuẩn mực minh bạch trên TTCK như: khi tài khoản của DN tại ngân hàng bị phong tỏa; tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh; có quyết định kỷ luật, khởi tố, có bản án, quyết định của tòa án đối với một trong số các cán bộ quản lý chủ chốt của DN…