Lãi suất tăng đã được chiết khấu vào giá
Chính sách tiền tệ ở hầu hết quốc gia lớn đang theo hướng thắt chặt và USD tăng giá gây áp lực lên tỷ giá. Lạm phát trong nước được kiềm chế so với mức tăng vọt trên thế giới, nhưng có dấu hiệu nhích lên. Do đó, việc nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động là xu hướng hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh ngành này cần chuẩn bị nguồn để đáp ứng nhu cầu vay vốn mùa kinh doanh cuối năm, cũng như triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Lãi suất tăng không phải là điều tốt đối với kênh đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường đã chiết khấu nhiều kể từ đỉnh và định giá được đa số chuyên gia nhìn nhận ở mức hấp dẫn.
“Giá chứng khoán đã chiết khấu phần nào xu hướng tăng lãi suất. Định giá thị trường hiện tại vẫn hấp dẫn, với P/E cơ bản khoảng 13,6 lần, P/E dự phóng năm 2022 quanh 12 - 12,5 lần. Mức E/P chung khoảng 7,5 - 8%, tương đương với lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay, chưa kể đến việc chắt lọc kỹ càng từng cổ phiếu sẽ chọn ra được các mã có E/P cao”, một chuyên gia phân tích nói.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc chiến lược thị trường và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận xét, diễn biến tăng của mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế là một trong những yếu tố chính khiến thanh khoản trên thị trường chứng khoán suy giảm đáng kể so với giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022, vì kênh tiền gửi ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn. Đồng thời, lãi suất tăng góp phần làm cho giá cổ phiếu giảm, dẫn tới định giá toàn thị trường xét theo P/E giảm xuống dưới mức 14 lần so với mức trung bình 5 năm là 16,5 lần. Về cơ bản, lãi suất khó có khả năng đảo chiều giảm trong các tháng cuối năm, thậm chí có thể tăng thêm, đây vẫn là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
“Mặc dù vậy, dư địa tăng của mặt bằng lãi suất từ mức nền hiện tại không nhiều, trong khi các yếu tố vĩ mô về tăng trưởng vẫn đang phát đi tín hiệu tích cực. Các tác động tiêu cực từ lãi suất tăng là không đáng ngại, nếu không kết hợp thêm các cú sốc về tỷ giá và lạm phát”, ông Đức Anh nhấn mạnh.
Dòng tiền luân chuyển tìm cơ hội
Rất khó lượng hóa được dòng tiền từ kênh chứng khoán chảy sang kênh tiết kiệm, nhưng con số có thể nhìn thấy là số dư tiền gửi trong tài khoản chứng khoán tại các công ty chứng khoán ở thời điểm hiện tại không có nhiều biến động so với thời điểm cuối quý II/2022, theo như chia sẻ của lãnh đạo một số công ty chứng khoán lớn. Điều này cho thấy, dòng tiền đang neo lại kênh chứng khoán, sẵn sàng chờ cơ hội giải ngân.
Tuần qua, sau kỳ nghỉ lễ, giao dịch chứng khoán có diễn biến giằng co, chỉ số tăng giảm đan xen, trong đó một số phiên giảm điểm mạnh. Dòng tiền sau khi tập trung vào nhóm ngành tài chính (ngân hàng, chứng khoán) có dấu hiệu chuyển sang các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ sự phục hồi của giá hàng hóa cơ bản như hóa chất, bán lẻ, điện nước… Sự chuyển dịch này diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu ngành ngân hàng có nhịp tăng nóng nhưng thiếu thông tin hỗ trợ đủ mạnh và thanh khoản thị trường ở mức thấp ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của khối công ty chứng khoán.
Dòng tiền chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, vốn có tỷ trọng thấp trong các chỉ số, nên VN-Index “loay hoay” trước ngưỡng kháng cự 1.300 điểm. Tâm lý nhà đầu tư dần trở nên thận trọng dẫn tới phiên sụt giảm hơn 34 điểm ngày 7/9, VN-Index xuống 1.243,17 điểm.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán TP.HCM cho rằng, có thể còn một cú sốc nữa đối với thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt trong giai đoạn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cuối năm 2022 nhằm kiềm chế lạm phát. Việc Fed và nhiều ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất nhanh và mạnh có nguy cơ gây ra các cú sốc cho nền kinh tế và những số liệu kinh tế từ nay đến cuối năm sẽ cho thấy mức độ rủi ro suy thoái của kinh tế toàn cầu. Nếu trải qua được các bài “kiểm tra” đó, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều cơ hội rõ ràng hơn.
Theo ông Huy, trước những biến động toàn cầu, dòng tiền trở nên dè dặt trong các phiên giao dịch gần đây, dù thanh khoản được cải thiện mỗi khi giá cổ phiếu sụt giảm. Vì thế, khó có thể kỳ vọng dòng tiền sẽ nhanh chóng mạnh lên. Nhưng với nền tảng vĩ mô đang ổn định, chỉ cần lạm phát được kiềm chế thì lãi suất có tăng thêm vẫn luôn có những cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Số dư tiền gửi của nhà đầu tư trong nước ở nhiều công ty chứng khoán hiện tại chỉ biến động nhẹ so với cuối quý II/2022.
Về chuyển động ngành, trong thời gian vừa qua, nhóm cổ phiếu dầu khí, phân đạm được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, vì kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp biến động mạnh theo diễn biến giá hàng hoá, nguyên nhiên vật liệu như dầu, khí. Nhóm này đang chịu ảnh hưởng bởi tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - 2 quốc gia chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu dầu, khí và phân bón toàn cầu. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như chính sách về sản lượng dầu của OPEC, nhu cầu tiêu thụ, các quy định về xuất khẩu phân bón của Trung Quốc, Nga…
Gần đây, giá dầu và urê tăng khi OPEC quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu kể từ đầu tháng 10 tới, còn một số nhà máy sản xuất phân bón tại EU phải đóng cửa trong bối cảnh giá khí đầu vào tăng cao. Diễn biến này đem lại cơ hội đầu tư ngắn hạn ở nhóm cổ phiếu dầu khí, phân đạm, nhưng triển vọng đầu tư trong dài hạn là không chắc chắn, vì có những yếu tố bất định, chưa thể dự đoán, nhất là khi các dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu trở nên rõ ràng hơn.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét, thị trường chứng khoán trong nước phản ứng không quá tiêu cực trong bối cảnh nhiều thị trường trên thế giới giảm mạnh do lo ngại Fed tiếp tục tăng nhanh lãi suất. Dòng tiền đang luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Như chia sẻ của ông Bùi Anh Quân, một nhà đầu tư tại Hà Nội có nhiều năm bám sàn chứng khoán, ở giai đoạn hiện tại, dù không có nhiều tiền mới, nhưng lượng tiền sẵn có trong thị trường ở mức khả quan. Dòng tiền không rút ra thì kênh đầu tư chứng khoán vẫn hấp dẫn.
Đánh giá rủi ro tổng thể của thị trường tạm lắng xuống, nhưng không chắc là đã hoàn toàn qua đi, nên ông Quân khuyến nghị, nhà đầu tư nên thực hiện chiến lược “lướt sóng”, luân chuyển nhanh giữa các nhóm cổ phiếu, chấp nhận tỷ suất lợi nhuận thấp và chốt lời ngay khi đạt mục tiêu.
“Cần chú ý các mốc thời gian với những sự kiện quan trọng trong tháng 9 để cập nhật các kịch bản cho thị trường, qua đó có hướng hành động phù hợp”, ông Quân nói.
Theo Công ty Chứng khoán DSC, một số nhóm ngành đang có yếu tố hưởng lợi và nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân thăm dò như hàng không, bởi lĩnh vực du lịch được đẩy mạnh với nhiều chính sách hỗ trợ, chi phí nhiên liệu giảm dần, nhu cầu du lịch gia tăng sau khi bị dồn nén trong 2 năm dịch bệnh Covid-19… Nhóm đầu tư công cũng đáng quan tâm bởi các dự án lớn được thúc đẩy triển khai. Nếu số liệu giải ngân đầu tư công tích cực có thể giúp giá cổ phiếu nhóm ngành này (HHV, C4G, HBC, FCN…) thu hút dòng tiền.