Kết quả kinh doanh khả quan của đa số doanh nghiệp là lực đỡ cho thị trường chứng khoán.

Kết quả kinh doanh khả quan của đa số doanh nghiệp là lực đỡ cho thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán: Dòng tiền tự tin hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhịp giảm của VN-Index trong tháng 7/2021 khá tương đồng với các đợt điều chỉnh trước đó. Dòng tiền “bắt đáy” được kích hoạt giúp chỉ số và thanh khoản dần tăng trở lại.

Góc nhìn đa chiều

Nhìn lại thị trường trong một năm qua, điểm chung trước khi xuất hiện các nhịp điều chỉnh trong tháng 6/2020, tháng 1/2021 và tháng 7/2021 là tình trạng “quá mua” kéo dài.

Áp lực chốt lời gia tăng kết hợp với dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) ở mức cao đã dẫn đến các nhịp giảm điểm của chỉ số. Trong khi đó, làn sóng lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, biện pháp phong toả, giãn cách có ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan.

Về đợt điều chỉnh gần nhất, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, với tâm lý kỳ vọng chính sách kiểm soát dịch kịp thời của Chính phủ, việc đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng và sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19, hướng tới 50% dân số được tiêm phòng vào cuối năm nay, các chỉ số trên thị trường chứng khoán đã có những phiên hồi phục, VN-Index từ 1.225 điểm lên trên 1.340 điểm và thanh khoản dần được cải thiện.

Điều đó cho thấy, thị trường có khả năng đã tạo đáy ngắn hạn. Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại, dịch bệnh vẫn đang có diễn biến phức tạp, cần thời gian để khống chế, nên thị trường có nguy cơ giảm điểm trở lại.

Ông Lã Giang Trung, Giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư Passion Investment cho biết, từ tháng 3/2020 đến nay, thị trường có 4 nhịp điều chỉnh. Ngoại trừ nhịp điều chỉnh nhanh, gây sốc cuối tháng 3/2020 thì 3 đợt điều chỉnh tháng 6/2020, tháng 1/2021 và tháng 7/2021 đều khá tương đồng.

Trong tháng 7/2021, VN-Index ghi nhận mức giảm 13% từ vùng đỉnh, nhiều khả năng chỉ số đã tạo đáy ngắn hạn. Sau mỗi nhịp điều chỉnh, chỉ số có đợt tăng khoảng 30%. Với góc nhìn này, ông Trung dự báo, VN-Index đến cuối năm có thể đạt 1.600 - 1.700 điểm.

Khi VN-Index lùi dần về mức 1.225 điểm (trong phiên 20/7/2021), không ít doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý II/2021 với lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, giúp định giá thị trường trở nên hấp dẫn hơn và thu hút dòng tiền tham gia.

Đến nay, có 2/3 số doanh nghiệp trên 3 sàn công bố kết quả kinh doanh bán niên 2021, trong đó hơn 60% doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng. Tổng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 của gần 1.000 doanh nghiệp tăng khoảng 60% so với cùng kỳ, cho thấy bức tranh chung về hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn có nhiều gam màu sáng.

Xét về mặt kỹ thuật, Công ty Chứng khoán VietinBank nhận định, VN-Index cần vượt qua mức kháng cự 1.350 điểm để xác nhận một đợt tăng mới trong trung hạn.

Tuy nhiên, trong góc nhìn của nhà đầu tư Nguyễn Hoàng Linh (Hà Nội), không dễ để khẳng định VN-Index đã đi qua vùng đáy ngắn hạn và chỉ số sẽ không giảm trở lại, bởi diễn biến dịch bệnh, sức khỏe nền kinh tế cũng như sức mạnh của dòng tiền đang ở giai đoạn “nhạy cảm”. Với nhịp hồi gần đây, nhà đầu tư dễ có tâm lý chốt lời sớm, khiến đà tăng khó kéo dài.

“Khác với các nhịp tăng trước, luôn có các nhóm ngành trụ cột như ngân hàng hay thép đồng hành và dẫn dắt, nhịp tăng lần này chủ yếu diễn ra tại một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, MSN, FPT và cổ phiếu vốn hóa trung bình thuộc nhóm bất động sản, phân đạm, hóa chất..., đồng thời thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp, nên chưa tạo được sự lan tỏa cần thiết”, ông Linh nói.

Nhà đầu tư này dự báo, trước mắt, VN-Index cần kiểm định vùng kháng cự mạnh 1.330 - 1.340 điểm. Chỉ khi nào chỉ số vượt qua vùng cản kết hợp với thanh khoản được cải thiện thì mới có thể kỳ vọng vào xu hướng tăng quay trở lại rõ nét hơn.

Đáng lưu ý, bối cảnh thị trường quốc tế hiện nay không còn nhiều yếu tố hỗ trợ. Hiện các nền kinh tế lớn đã phục hồi và không còn trong giai đoạn đầu của quá trình nới lỏng tiền tệ. Thị trường chứng khoán thế giới đã tăng cao so với trước, một số thị trường lớn tại châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc sau khi lập đỉnh mới đã hình thành xu hướng giảm dài hạn theo phân tích kỹ thuật (gãy đường MA200).

Thị trường chứng khoán phục hồi sau các đợt điều chỉnh trước đây có xuất phát điểm thấp hơn hiện nay nhiều, định giá đương nhiên hấp dẫn hơn, nên nhịp tăng hiện tại có thể không cao.

Trong nước, vĩ mô giai đoạn này đối mặt với nhiều thách thức bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, xuất hiện tại hầu hết các tỉnh, thành phố, trong đó nhiều địa phương có số lượng ca nhiễm ngoài cộng đồng lớn, dẫn đến phong tỏa, giãn cách.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phục hồi sau các nhịp điều chỉnh trước đây có xuất phát điểm thấp hơn hiện nay nhiều, định giá đương nhiên hấp dẫn hơn. Thị trường hiện tại nếu tiếp tục tăng sẽ có mức định giá cao, rủi ro lớn dần, nhất là khi dòng tiền của nhà đầu tư mới có dấu hiệu tới hạn - số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 7/2021 sụt giảm so với tháng 6 (nhưng một trong những nguyên nhân có thể là do vướng quy định giãn cách xã hội).

Thận trọng lựa chọn cổ phiếu

Anh Nguyễn Văn Bình, nhà đầu tư tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội chia sẻ, anh không quan tâm nhiều đến chỉ số VN-Index, mà tập trung tìm kiếm các doanh nghiệp tốt.

“Nếu đầu tư dài hạn thì đây là thời điểm hợp lý để nắm giữ cổ phiếu tiềm năng. Trường hợp đầu tư ngắn hạn thì nhà đầu tư nên chờ VN-Index vượt qua ngưỡng 1.350 điểm”, anh Bình khuyến nghị.

Trên thị trường, dòng tiền đang có sự dịch chuyển dịch. Nhóm cổ phiếu blue-chip có chiều hướng chững lại, thể hiện sự suy yếu của dòng tiền ngắn hạn khi hiệu quả lướt sóng ở mức thấp, hệ quả tất yếu sau một chu kỳ tăng kéo dài. Ngược lại, dòng tiền dần chảy vào nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình có yếu tố cơ bản tốt, bao gồm bất động sản, phân bón, hóa chất, cảng biển...

Nhìn chung, thị trường đã có một nhịp tăng ngắn trong nghi ngờ khi nhiều nhà đầu tư vẫn mang tâm lý thận trọng, chờ tín hiệu xác nhận xu hướng rõ ràng hơn.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc chiến lược và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhìn nhận, điểm tích cực là các phiên chốt lời T+ ghi nhận thanh khoản thấp hơn các phiên tăng, đồng thời các nhóm cổ phiếu có tính dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đã cho tín hiệu quay trở lại xu hướng tăng giá, song song với diễn biến tích cực ở các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô với tiềm năng tăng trưởng cao (dệt may, cảng biển...).

Dòng tiền gần đây có dấu hiệu quay trở lại, thanh khoản được cải thiện, nhưng thấp hơn trước.

Đây là diễn biến hợp lý khi một bộ phận nhà đầu tư vẫn còn tâm lý sợ hãi sau khi chứng kiến tài khoản bị hao hụt trong nhịp điều chỉnh tháng 7. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư có thiên hướng thận trọng hơn khi lựa chọn cổ phiếu.

Đó có thể là cổ phiếu có mức trả cổ tức cao, hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm, hoặc cổ phiếu thuộc các nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng trong giai đoạn dịch bệnh (bán lẻ, công nghệ, cảng biển...).

Tin bài liên quan