Dòng tiền chưa đạt đỉnh
“Theo quan sát của chúng tôi, dòng tiền trên 3 sàn có dấu hiệu rút ra trong những phiên cuối tuần trước đó, nhưng tuần vừa rồi lại chảy vào, nghĩa là dòng tiền luân chuyển trên thị trường, trong khi tiếp tục đón nhận dòng tiền mới. Nhưng cần lưu ý, quy mô đòn bẩy trên thị trường khá lớn và dòng tiền chưa có dấu hiệu đạt đỉnh, cho thấy mức độ đầu cơ cao”, giám đốc môi giới một công ty chứng khoán tại Hà Nội chia sẻ.
Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho biết, trong tháng 4/2021 có 111.413 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới, nâng tổng số tài khoản nên con số 3,14 triệu. Dữ liệu này củng cố xu hướng nhà đầu tư mới và dòng tiền mới tiếp tục tìm kiếm cơ hội từ kênh chứng khoán khi cơ hội từ các lĩnh vực đầu tư khác kém hiệu quả.
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán liên tục lập đỉnh cao mới, từ đầu tháng 5 đến nay đạt hơn 24.000 tỷ đồng/phiên.
Thanh khoản thị trường liên tục lập đỉnh cao mới, bình quân trong tháng 4/2021 là 22.000 tỷ đồng/phiên và từ đầu tháng 5 đến nay tăng lên hơn 24.000 tỷ đồng/phiên. Dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế như ngân hàng, năng lượng, dịch vụ tài chính…
Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức độ tập trung vốn trong tuần đầu tháng 5 lên tới 46% so với mức bình quân trong tháng 4 là 33% và bình quân kể từ đầu năm là 31%.
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, yếu tố cơ bản cải thiện đang bắt kịp với mức độ tăng giá, tạo nền tảng vững chắc cho thị trường ổn định và tăng trưởng. Dù vậy, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về kiểm soát chặt chẽ hơn với các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán và mặt bằng lãi suất có dấu hiệu tăng làm thị trường “giảm nhiệt”.
Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp và theo dõi diễn biến thị trường, ông Bùi Nguyên Khoa, Phụ trách chiến lược thị trường BSC nhận định, chứng khoán vẫn còn có dư địa tăng trưởng với sự hỗ trợ của yếu tố dòng tiền.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân, nhưng các động lực tăng trưởng được cải thiện, trong khi các yếu tố ổn định vĩ mô duy trì tốt.
Thống kê của BSC cho thấy, 95% số công ty niêm yết trên HOSE và HNX đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2021, với mức tăng trưởng 60% về lợi nhuận sau thuế so cùng kỳ năm 2020. Kết quả này giúp cho P/E của VN-Index giảm từ mức 18,6 lần xuống 17,1 lần.
Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán toàn cầu đã và đang được hỗ trợ bởi “hiệu ứng tiền rẻ” và kỳ vọng hồi phục kinh tế hậu Covid-19, đặc biệt tại Việt Nam khi dịch được kiểm soát hiệu quả.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt nhìn nhận, sức mạnh dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất thấp vẫn còn, nhưng chuyển động dòng tiền mang tính phân hóa nhiều hơn, nhà đầu tư đang có xu hướng tập trung vào cổ phiếu lớn để hạn chế rủi ro.
Lãi suất duy trì mặt bằng thấp
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), tín dụng đã tăng mạnh trở lại, đạt mức 3,34% trong 4 tháng đầu năm 2021, do đó, Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều động lực trong việc điều hành giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.
Các yếu tố rủi ro hiện tại liên quan đến dòng vốn vào chứng khoán và bất động sản hiện hữu cũng sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn trong vấn đề này.
Trong khi đó, áp lực lên lãi suất bao gồm lạm phát và sức ép tỷ giá có thể sẽ tăng trong tương lai gần.
Tuy nhiên, xu hướng lãi suất trong thời gian tới nhiều khả năng giữ nguyên như hiện nay cho đến quý IV. Giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022, lãi suất có thể sẽ tăng khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn.
Đồng quan điểm, BSC cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất điều hành hiện tại nhằm ổn định vĩ mô và hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, dù giá cả hàng hóa thế giới đang tăng mạnh, tạo áp lực đến lạm phát trong nước.
Thực tế, lãi suất liên ngân hàng ở các kỳ hạn ngắn có dấu hiệu tăng do thanh khoản bớt dồi dào và mặt bằng lãi suất đã xuống đáy nên khả năng tăng trở lại cùng với đà hồi phục kinh tế là khó tránh khỏi. Nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn đang có các công cụ và mục tiêu để giữ mặt bằng lãi suất (ít nhất là lãi suất điều hành) hiện tại đủ lâu nhằm hỗ trợ nền kinh tế, giảm ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Tâm lý thị trường vững hơn
Thị trường chứng khoán đã trải qua 3 lần bùng phát dịch Covid-19, sau mỗi đợt điều chỉnh thì VN-Index lại bật tăng mạnh.
Cụ thể, trong đợt dịch lần thứ 1 vào tháng 2/2020, sau nhịp điều chỉnh, VN-Index tăng gần 40%; trong đợt dịch lần thứ 2 vào tháng 7/2020, mức tăng sau khi giảm là gần 54%; trong đợt dịch lần thứ 3 vào đầu năm 2021, mức tăng so với đáy gần nhất là gần 30% và chỉ số vượt đỉnh cũ.
Hiện tại, thị trường đang ở nhịp tăng sau đợt dịch lần thứ 4 và VN-Index đạt mức cao mới, dao động quanh mức 1.260 điểm, còn VN30 dao động quanh 1.370 điểm (+/-10 điểm).
Nhìn chung, tâm lý nhà đầu tư ngày càng bình tĩnh hơn, hiện tượng bán tháo khi dịch bệnh bùng phát đã giảm hẳn, thậm chí nhà đầu tư tăng mua trong những phiên điều chỉnh. Sự tự tin đến từ các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng của Chính phủ và ngân hàng trung ương, cũng như khả năng dập dịch nhanh chóng.
Ông Bùi Nguyên Khoa chia sẻ, ngoài các yếu tố cơ bản, sự vận động của thị trường còn phụ thuộc vào dòng tiền và tâm lý thị trường. Hai yếu tố này đang khá tích cực so với những lần bùng nổ dịch trước đây.
Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư chuyển biến rõ rệt, thoát ly khỏi ảnh hưởng từ hoạt động bán ròng của khối ngoại. Thay đổi khẩu vị đầu tư, nhận thức mới của nhà đầu tư về thị trường chứng khoán trong mối tương quan so sánh với các kênh đầu tư khác đang là nét tươi mới trên thị trường cổ phiếu.
Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội:
Nhìn chung, sức mạnh của dòng tiền hiện tại là tương đối tốt khi giá trị khớp lệnh tại sàn HOSE trong những phiên gần đây duy trì trên mức 20.000 tỷ đồng/phiên và lập kỷ lục mới trong phiên 10/5.
Tuy nhiên, mức độ tập trung vốn hiện tại là cao, do vậy các mã cổ phiếu có sự phân hóa mạnh, dẫn tới khả năng kiếm lời của các nhà đầu tư trong giai đoạn này sẽ khó khăn hơn. Dòng tiền thời gian tới khả năng vẫn sẽ tiếp tục tập trung tại các mã có vốn hóa lớn thuộc các ngành ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng.
Theo tôi, xu hướng lãi suất sẽ được duy trì ở mức thấp trong thời gian tới. Mặc dù lãi suất liên ngân hàng có nhích lên, nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay vẫn ổn định. Bên cạnh đó, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát tốt (CPI tháng 4/2021 giảm 0,04% so với tháng 3, tăng 1,27% so với tháng 12/2020), trong khi chủ trương của Chính phủ và cơ quan quản lý là giữ ổn định thị trường và giảm áp lực lên lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.
Có thể nói, tâm lý nhà đầu tư trong nước đã được cải thiện rất nhiều sau 3 lần dịch Covid-19 bùng phát trước đó, khi chỉ số phục hồi mạnh hơn sau khi điều chỉnh. Trong lần bùng dịch thứ 4 này, diễn biến dịch phức tạp hơn, nhưng các nhà đầu tư đã tích cực tận dụng những phiên điều chỉnh để mua vào, chứ không tháo chạy.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, hoạt động đầu tư giai đoạn hiện nay cần được thực hiện bình tĩnh, tránh hưng phấn, vì hiện mức độ phân hóa khá cao và xét trên góc độ kỹ thuật thì VN-Index chưa rõ ràng về mặt xu hướng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, nhà đầu tư tại Hà Nội:
Chỉ số VN-Index lẫn giá cổ phiếu trong nước gần đây chuyển động khó dự báo, không đồng pha với đà tăng mạnh giống như diễn biến của các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, một phần do thông tin dịch bệnh Covid-19 trong nước tái bùng phát.
Tôi cho rằng, diễn biến hay biến động giá cổ phiếu hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố tâm lý. Với cá nhân tôi, vì yếu tố an toàn nên vẫn tập trung nắm giữ các mã cổ phiếu trụ và không thực hiện mua thêm ở những phiên giảm. Thị trường đang ở vùng đỉnh nên việc mua thêm cổ phiếu khá rủi ro.