Trên thị trường chứng khoán 3 tháng qua, vốn thực và vốn vay giao dịch ký quỹ đều suy giảm. Ảnh: Dũng Minh.

Trên thị trường chứng khoán 3 tháng qua, vốn thực và vốn vay giao dịch ký quỹ đều suy giảm. Ảnh: Dũng Minh.

Thị trường chứng khoán: Dòng tiền hụt hơi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index đang dao động trong vùng đáy gần 1 năm qua, nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp. Cơ hội đầu tư được nhìn nhận chủ yếu dành cho mục tiêu trung và dài hạn.

Thanh khoản giảm vì nhiều nguyên nhân

Ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán I.P.A cho biết, thanh khoản trên sàn HOSE gần đây ở quanh mức 13.000 tỷ đồng/phiên, giảm quá nửa so với đợt cao điểm cuối năm 2021, thậm chí phiên 24/6/2022 chỉ còn hơn 10.000 tỷ đồng, tương đương giai đoạn cuối năm 2020, do thiếu hụt dòng tiền đầu cơ.

Thanh khoản thị trường trong thời gian tới dự kiến duy trì ở mức thấp, trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu bị tác động bởi nhiều yếu tố như lạm phát và lãi suất tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có khả năng tăng lãi suất thêm 3 - 4 lần trong năm nay lên mức 2,25%/năm…, tạo áp lực bán lên các tài sản có rủi ro cao như cổ phiếu.

Trong khi đó, theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM, một nguyên nhân cơ bản dẫn đến thanh khoản của thị trường sụt giảm là do nhiều nhà đầu tư thua lỗ và giảm tỷ lệ sử dụng đòn bẩy giao dịch ký quỹ (margin).

Mức giảm trên 20% của VN-Index từ đỉnh không phản ánh đầy đủ mức độ “sát thương” của đợt điều chỉnh kể từ đầu tháng 4/2022 đến nay.

Mức giảm hơn 20% của chỉ số VN-Index từ đỉnh không phản ánh đầy đủ mức độ “sát thương” của đợt điều chỉnh kể từ đầu tháng 4/2022 khi nhiều cổ phiếu có giá giảm 50 - 80%. Nếu dùng margin, không ít nhà đầu tư thua lỗ 80 - 90%. Vốn thực và vốn margin đều suy giảm.

Nhà đầu tư muốn vay margin trở lại cũng không có đủ tài sản đối ứng. Dòng tiền trên thị trường chứng khoán bị hao hụt còn do ảnh hưởng từ kênh trái phiếu doanh nghiệp. Sau một số lùm xùm, nhiều nhà đầu tư muốn rút tiền khỏi kênh đầu tư này, khiến doanh nghiệp phát hành không tìm ra nguồn cân đối, buộc phải bán ra cổ phiếu.

Giám đốc tư vấn của một công ty chứng khoán tại Hà Nội chia sẻ, cổ đông lớn tại không ít doanh nghiệp đang tìm nguồn vay thế chấp cổ phiếu, chấp nhận lãi suất cao để đáp ứng nhu cầu rút vốn trái phiếu cũng như đảm bảo nghĩa vụ thanh toán trái phiếu khi đến hạn. Theo thống kê, có khoảng 500.000 tỷ đồng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2022 - 2023, phần lớn là trái phiếu bất động sản. Nguồn tiền từ kênh trái phiếu có thể không chảy vào kênh cổ phiếu, trong khi lực cung cổ phiếu gia tăng, ảnh hưởng đến giá và thanh khoản.

Ngoài ra, một phần dòng vốn trên thị trường cổ phiếu bị rút ra sau khi thị trường có dấu hiệu điều chỉnh để chuyển sang kênh đầu tư khác, hoặc phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát.

Thích hợp đầu tư dài hạn

Trong giai đoạn thị trường gặp khó khăn về dòng tiền và xu hướng giảm điểm của chỉ số chưa có dấu hiệu kết thúc, việc bảo toàn tài sản trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, hoạt động giao dịch ngắn hạn hay trung và dài hạn tùy thuộc vào chiến lược của từng nhà đầu tư và từng loại cổ phiếu, nhưng đều đòi hỏi sự phân bổ nguồn vốn hợp lý, đặc biệt là hạn chế sử dụng margin.

Dù thị trường đi ngang và rung lắc mạnh nhiều phiên, nhưng vẫn có những nhóm cổ phiếu tăng giá, tạo cơ hội lướt sóng ngắn hạn. Với tầm nhìn dài hạn hơn, có những dòng cổ phiếu thích hợp để nắm giữ từ 6 tháng trở lên. Tuy nhiên, việc giải ngân nên được thực hiện từng phần, tận dụng các nhịp giảm điểm để tích lũy dần.

Dòng tiền đang hướng đến những nhóm ngành có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II/2022, cũng như có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới. Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán nhìn chung đối mặt với giai đoạn khó khăn. Vì thế, nhà đầu tư nên tập trung vào việc quản lý danh mục, tỷ trọng cổ phiếu duy trì ở mức vừa phải và ưu tiên cho các vị thế dài hạn hơn là ngắn hạn.

“Thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn khó khăn, tiền vào thị trường yếu và cần thời gian đủ dài để phân bổ, xử lý các vấn đề hiện nay. Vì thế, khi thị trường yếu đi, chắc chắn áp lực bán sẽ xuất hiện và nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể có động thái bán tháo, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn”, ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Ban đầu tư Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội nói.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư nên ưu tiên các khoản đầu tư trung và dài hạn, nhưng phải chọn được cổ phiếu tốt, định giá hấp dẫn. Hoạt động giao dịch ngắn hạn chủ yếu dành cho các nhà đầu tư có kinh nghiệm, hoặc tùy thuộc vào các cơ hội xuất hiện sóng hồi, sóng tăng.

Tất nhiên, nhà đầu tư vẫn phải để dành một phần tiền mặt để đón cơ hội mua được cổ phiếu giá rẻ nếu thị trường có biến động xấu, dẫn tới cổ phiếu bị bán quá đà. Một số nhóm ngành đáng quan tâm đầu tư trong thời gian tới là sắt thép, xi măng, xây dựng, bất động sản, bởi có triển vọng tích cực từ hoạt động đầu tư công được thúc đẩy.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Agribank nhìn nhận, ngành xây dựng và hạ tầng được hưởng lợi khi Chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói đầu tư công, cũng như cố gắng triển khai và hoàn thành các dự án đầu tư công trong giai đoạn 2022 - 2023.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt gần 150.000 tỷ đồng, bằng khoảng 30% kế hoạch năm. Tính riêng trong tháng 5, con số này khoảng 40.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực vào lĩnh vực này, tạo động lực cho nền kinh tế với mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay từ 6 - 6,5%.

Nhóm cổ phiếu liên quan tới giá dầu như dầu khí, hóa chất, phân bón, cao su… đã bật tăng mạnh mẽ sau khi tạo đáy ngắn hạn, nhưng vẫn được nhà đầu tư quan tâm và kỳ vọng giá tiếp tục có diễn biến khả quan, bởi giá dầu và nhiều loại hàng hóa cơ bản neo ở mức cao.

Trong bối cảnh dòng tiền èo uột với thanh khoản thấp, sự tập trung của dòng tiền vào một số nhóm ngành sẽ khiến thị trường phân hóa mạnh mẽ hơn. Trước đó, thị trường ghi nhận sự phân hoá rõ nét trong nhịp hồi của VN-Index giữa tháng 6 và đầu tháng 7/2022, các ngành tăng trưởng ổn định về kết quả kinh doanh, hoặc phục hồi mạnh như bán lẻ, công nghệ thông tin, hay các nhóm cổ phiếu giảm giá sâu như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản… thu hút dòng tiền.

“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì việc phòng vệ danh mục đầu tư cần được ưu tiên trước khi nghĩ đến việc đầu tư thế nào cho hiệu quả. Việc phòng thủ chắc chắn trước khi nghĩ tới tấn công sẽ giúp hoạt động đầu tư an toàn hơn trong trung và dài hạn”, ông Khoa nhấn mạnh.

Tin bài liên quan