VN-Index cần thời gian “suy xét”
Chỉ số VN-Index vừa ghi nhận tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp, đóng cửa ở mức 1.021,49 điểm.
Dòng tiền vẫn là một trong những yếu tố quyết định xu hướng tăng của thị trường. Thanh khoản trên sàn HOSE tuần qua đạt mức bình quân trên 10.000 tỷ đồng, tiếp tục tăng so với tuần trước và cũng là mức cao nhất kể từ đầu năm cho tới nay.
Thông tin xuất hiện ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng vào đầu tuần trước chỉ tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường trong một thời gian rất ngắn ngủi.
Nhà đầu tư đã rút kinh nghiệm từ những lần bùng phát dịch bệnh trước đây nên nhanh chóng lấy lại sự ổn định cần thiết, giúp thị trường giữ vững được vị thế tăng trong tuần qua.
Cho đến thời điểm hiện tại, theo giới chuyên gia, vẫn chưa xuất hiện những tín hiệu có thể ảnh hưởng tới xu hướng của thị trường.
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Sacombank cho rằng, dòng tiền vẫn liên tục xoay vòng tại các nhóm ngành để tìm kiếm cơ hội và chưa có động thái rút ra.
Điều này có thể thấy rõ qua khối lượng và giá trị khớp lệnh luôn duy trì ở ngưỡng rất cao trong thời gian gần đây. Bởi lẽ, chứng khoán vẫn đang là một trong những số ít kênh đầu tư cho khả năng sinh lời khá hấp dẫn trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Tuy vậy, theo ông Linh, nhà đầu tư cũng nên lưu ý, dư nợ margin trên thị trường chứng khoán hiện đang ở ngưỡng rất cao. Tháng cuối năm là thời điểm các công ty chứng khoán phải cơ cấu lại nguồn vốn, đồng thời siết chặt hoạt động cho vay.
Dự báo xu hướng thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cho rằng, chỉ số VN-Index có thể cán mốc 1.030 điểm, hoặc cao hơn một chút với dòng tiền vẫn duy trì như hiện nay.
Chỉ số VN-Index có thể cán mốc 1.030 điểm, hoặc cao hơn một chút với dòng tiền vẫn duy trì như hiện nay
Ở mức giá này của VN-Index, trên các diễn đàn liên quan đến chứng khoán, một số nhà đầu tư bày tỏ băn khoăn giữa việc bám trụ lại để tìm cơ hội trên thị trường với việc chốt lãi để bảo toàn lợi nhuận.
Dù vậy, nhìn trên bình diện chung, nhà đầu tư có xu hướng chốt lãi không phải để chuyển sang các đầu tư kênh khác, mà chuyển sang nắm giữ nhóm cổ phiếu khác nhiều hơn.
Dưới góc nhìn của ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt, dòng tiền trong nước vẫn đang chiếm vị thế chủ đạo, cả cá nhân và tổ chức. Trong đó, dòng tiền margin cũng đang rất mạnh, tiếp thêm cho thanh khoản thị trường.
Đặc biệt, các mã nóng đang thu hút dòng tiền lớn, ngoài yếu tố thị trường, còn yếu tố là các cổ đông lớn đang chuyền cổ phiếu cho nhau, hoặc mua lại hàng từ cổ đông ngoại như trường hợp của MSN hay của HPG gần đây.
Khối lượng giao dịch và thanh khoản thị trường năm 2020 đã cao hơn hẳn so với năm 2019.
Dòng tiền liên tục dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu mặc dù nền kinh tế có mức tăng trưởng kém do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 cho thấy dư địa tăng trưởng của thị trường vẫn còn cao khi dự kiến dịch bệnh có thể được kiểm soát hoàn toàn kể từ giữa năm 2021.
Các nước Đông Nam Á dự báo sẽ tăng trưởng mạnh do thu hút nguồn vốn đầu tư chảy từ Trung Quốc sang, đặc biệt là Hiệp định thương mại RCEP mới được ký kết.
Chỉ số VN-Index đã vượt qua vùng kháng cự 1.000 điểm, “lừ lừ” đi lên trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu đang tăng tốc vượt các vùng kháng cự mạnh là một tín hiệu rất tích cực về mặt tâm lý.
Mặc dù áp lực chốt lời đang gia tăng, nhưng dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân vẫn tham gia rất tích cực và đặc biệt là cơ hội mua vẫn xuất hiện ở nhiều nhóm cổ phiếu.
Phiên cuối tuần qua, áp lực bán gia tăng vào cuối phiên khiến thị trường tiếp tục rung lắc, tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ khá tích cực của một số cổ phiếu blue-chip, VN-Index đã thoát hiểm trong gang tấc.
Cơ hội có còn cho người đến sau?
Trong kịch bản thị trường vẫn giữ được đà tăng điểm từ nay tới cuối năm, nhóm cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là còn dư địa tăng tốt.
Đây cũng là nhóm ngành được dự báo có kết quả kinh doanh tích cực, giữ được đà tăng trưởng tốt trong bối cảnh kinh tế trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Ngoài ra, cổ phiếu của các công ty chứng khoán cũng được nhận định sẽ hưởng lợi lớn từ đà phục hồi mạnh mẽ của thị trường cổ phiếu về giá và thanh khoản.
Từ cuối năm nay sang đầu năm sau, thông tin về vắc-xin phòng dịch Covid-19 phổ biến trong một vài tháng tới hứa hẹn sẽ giúp các ngành mắc kẹt vì Covid-19 dần được hưởng lợi.
Giá dầu đang đi lên chậm mà chắc, các ngành như năng lượng, công nghệ, hàng tiêu dùng, vận tải, thậm chí là du lịch có thể đón đầu xu thế trên.
Nhưng, liệu những cổ phiếu đã tăng mạnh, thậm chí vượt qua mức định giá khuyến nghị của các công ty chứng khoán có còn cơ hội tăng?
Theo ông Hoàng Thạch Lân, hiện không có nhiều kỳ vọng như trước cho những mã cổ phiếu đã đạt mức định giá khuyến nghị của các công ty chứng khoán, trừ phi việc định giá đã quá lâu (ví dụ quá 6 tháng).
Tuy nhiên, thị trường vẫn còn rất nhiều mã chưa đạt mức định giá khuyến nghị, chưa nói đến những cổ phiếu mới chưa được định giá.
Chưa kể, tăng trưởng giá cổ phiếu sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ tăng trưởng hoạt động kinh doanh trong quý tới.
Trong khi đó, bản thân các cổ phiếu duy trì được đà tăng giá tốt trong thời gian vừa qua được xem là những cổ phiếu nổi trội vượt bậc so với các cổ phiếu khác, cho nên nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong ngắn và trung hạn. Các cổ phiếu này vẫn có cơ hội cho các nhà đầu tư đến sau.
Không chỉ nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhiều bluechips thuộc các nhóm ngành khác như năng lượng (GAS, PLX), bất động sản (VHM, VIC), hàng tiêu dùng (MSN, SAB, VNM), công nghệ (FPT)... cũng đang hỗ trợ cho xu hướng tăng của thị trường trong ngắn hạn.