Triển vọng từ dòng tiền giá rẻ
Liên tiếp có diễn biến khả quan, thị trường chứng khoán trở thành kênh đầu tư thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của người dân. Số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân đã mở mới hơn 1 triệu tài khoản, cao hơn tổng số tài khoản được nhóm này mở trong 4 năm 2017 - 2020.
Từ nhân viên văn phòng, người nội trợ, đầu bếp, dân bất động sản đến sinh viên, dòng tiền từ những nhà đầu tư mới (F0) đã tạo nên sự sôi động cho thị trường trong suốt gần 1 năm qua, góp phần giúp chỉ số VN-Index liên tục vượt đỉnh lịch sử và thanh khoản tăng vọt, gấp 2 - 3 lần so với giai đoạn trước đó. Dòng tiền nhà đầu tư trong nước chiếm hơn 95% tổng giá trị giao dịch.
Ông Nguyễn Anh Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Hải Phòng cho biết, dòng tiền nội trỗi dậy mạnh mẽ không chỉ tạo dư địa cho chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, mà còn mang tới giải pháp gỡ khó cho không ít doanh nghiệp trong những tháng tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19.
Một số công ty chứng khoán, ngân hàng, công ty bảo hiểm và cả doanh nghiệp sản xuất cũng mạnh tay đầu tư chứng khoán, số lãi từ thị trường này đã giúp họ thoát lỗ, có vốn duy trì hoạt động.
Bên cạnh đó, chứng khoán trở thành kênh huy động vốn quan trọng khi nhiều doanh nghiệp phát hành thành công ra thị trường hàng triệu cổ phần. Dòng vốn huy động từ thị trường chứng khoán giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn lưu động phục vụ kế hoạch phát triển dài hạn, đón đầu cơ hội khi nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh bình thường mới.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, ngân hàng là nhóm tích cực nhất trong hoạt động huy động vốn qua thị trường chứng khoán, bên cạnh việc cân đối thêm nguồn vốn từ phát hành trái phiếu. Nguyên nhân chủ yếu là yêu cầu đến ngày 1/1/2023, các ngân hàng phải đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
VietinBank (CTG), VPBank (VPB), ABBank (ABB) đã phát hành thành công lượng lớn cổ phần thông qua việc chào bán cho các cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, hoặc phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), trong khi Sacombank (STB), VIB xây dựng xong phương án phát hành hàng triệu cổ phần ra công chúng.
Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư S-Talk, cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm được khối nhà đầu tư nước ngoài yêu thích vì yếu tố nội tại, chỉ số tài chính khả quan ở các ngân hàng đứng đầu như hệ số ROE trên 20%, P/B dưới 2,5, P/E quanh 15.
Trong bối cảnh dịch bệnh, ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay, cùng với nợ xấu tăng dẫn đến tăng trích lập dự phòng, làm giảm lợi nhuận, nhưng nhiều ngân hàng hầu như đã dự phòng trước nên không bị ảnh hưởng lớn.
Thanh khoản thị trường tốt cùng mặt bằng giá cổ phiếu tăng cũng là trợ lực cho không ít doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành khác.
Trong lĩnh vực bất động sản, sau hơn 1 tháng kể từ đợt phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu ngày 1/9/2021 với giá 10.500 đồng/cổ phiếu, thu về 315 tỷ đồng, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thăng Long (TIG) đã thông qua nghị quyết về việc phát hành 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với giá dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ dùng để đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng Vườn Vua (219 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (81 tỷ đồng).
Đại diện TIG chia sẻ, việc huy động thành công vốn qua thị trường chứng khoán sẽ giúp doanh nghiệp cơ cấu và cân bằng tốt hơn các nguồn lực tài chính phục vụ phát triển dự án, đồng thời cải thiện tình trạng chi phí vốn cao dẫn đến hiệu quả sinh lời thấp. Mặt khác, việc giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp có tính chủ động hơn trong trường hợp nguồn vay bị hạn chế hoặc gián đoạn.
Trong khi đó, đầu tháng 11/2021, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) chào bán riêng lẻ 75 triệu cổ phiếu, với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên gần 5.749 tỷ đồng.
1.500 tỷ đồng thu về từ đợt chào bán dùng để đầu tư vào dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu. Trước đó, DIG đã phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP, với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, thu về 225 tỷ đồng.
Ngoài thực hiện mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng để đảm bảo tỷ lệ đối ứng vốn đầu tư theo quy định của Nhà nước, việc tăng vốn giúp bổ sung nguồn lực khi doanh nghiệp đang đẩy mạnh triển khai đồng loạt nhiều dự án ở cả trong Nam và ngoài Bắc.
Tại Công ty cổ phần Licogi 16 (LCG), doanh nghiệp này đã lên kế hoạch phát hành 9,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 8%) và phát hành thêm 50 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 42,5%).
Ban lãnh đạo LCG cho hay, Công ty sẽ dùng 204 tỷ đồng trong 500 tỷ đồng dự kiến huy động được để thanh toán nợ vay, phần còn lại đầu tư xây dựng hạ tầng Khu dân cư Long Tân và triển khai giai đoạn 2 dự án Nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc, công suất 25 MWp.
Cơ hội đổi đời
Bên cạnh cơ hội huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trong 1 năm qua, thị trường chứng khoán ghi nhận sự trỗi dậy của không ít doanh nghiệp nhỏ sau khi tái cấu trúc như Công ty cổ phần Tập đoàn TNT (tên cũ là Công ty cổ phần Tài Nguyên, mã chứng khoán TNT).
Lẹt đẹt ở vùng giá 2.000 đồng/cổ phiếu trong vài năm trước, kể từ đầu năm 2021, cổ phiếu TNT bất ngờ tăng vài lần, với thanh khoản tăng vọt. Đi cùng với câu chuyện cổ phiếu tăng giá là sự tái xuất của ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch TNT.
Nhóm công ty do ông Long nắm quyền chi phối là Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Phăng đã mạnh tay mua cổ phiếu TNT ở vùng giá thấp, đồng thời thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp.
Sau khi đổi tên, TNT được định hướng chuyển sang mô hình Holdings, tập trung vào hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) các dự án bất động sản. Hoạt động kinh của TNT có sự cải thiện rõ rệt từ quý III/2021 khi gần như xóa sạch các khoản nợ cũ và bắt đầu báo lãi trở lại.
Tương tự, trong giai đoạn cổ phiếu tăng giá mạnh đầu năm 2021, tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và đô thị Vinaconex (Vinahud, mã chứng khoán VHD) có sự đổi chủ khi Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam thoái vốn và nhường “sân chơi” tại Vinahud cho nhóm cổ đông mới tới từ R&H Group.
Ngoài thoái vốn tại các dự án trọng điểm cũ của Vinahud không khả thi như dự án CV4.4 (góp vốn với Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí - nay là Công ty cổ phần Đầu tư Nhà Đất Việt từ năm 2007, nhưng chậm tiến độ hơn 14 năm), nhóm cổ đông mới đã lập hàng loạt kế hoạch mới cho Công ty thông qua việc tăng vốn và tìm kiếm dự án mới phù hợp với năng lực.
Trong đó, đáng chú ý là kế hoạch mua lại cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Phú Hải, chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng tại khối Hà My Đông A, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (dự án hiện được đổi tên thành Grand Mercure Hoian).
Điểm tựa trong dài hạn
Tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 292.100 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán đạt 292.100 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 24.042 tỷ đồng/phiên, tăng 224% so với bình quân năm 2020; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 10.948 tỷ đồng/phiên, tăng 5,3%.
Tổng cục Thống kê đánh giá, từ quy mô rất nhỏ, sơ khai, thị trường chứng khoán Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng, chiều sâu và trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, vốn huy động từ thị trường chứng khoán trước đây chiếm 10 - 11% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội thì nay đã tăng lên 14 - 15% và nhiều khả năng tiếp tục tăng.
Với những giải pháp đang được đẩy mạnh, thị trường sẽ thu hút thêm nhà đầu tư mới, giúp các doanh nghiệp gia tăng cơ hội huy động vốn, hiệu quả hơn sử dụng vốn vay từ ngân hàng hay các kênh khác.
Ngày 18/11, Báo Đầu tư phối hợp với Ủy ban Chứng khoán tổ chức Toạ đàm "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp - kênh đầu tư sinh lời và tích sản" tại Hà Nội và Livestream trên Fanpage Báo Đầu tư Chứng khoán https://www.facebook.com/tinnhanhchungkhoan.
Toạ đàm sẽ trao đổi về những dấu ấn trên chặng đường trưởng thành và phát triển của thị trường, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, nhận định các cơ hội trên thị trường chứng khoán, sản phẩm, công nghệ mới phục vụ nhà đầu tư, khát vọng của các thành viên thị trường trước bước ngoặt mới của ngành…
Các khách mời gồm:
1. Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
2. Ông Nguyễn Duy Thịnh, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX)
3. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDirect.
4. Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS.
5. Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital.
6. Bà Phạm Thị Thế, Cố vấn Hội đồng quản trị CTCP Xây dựng 1369.
7. Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS.
8. Ông Nguyễn Lê Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách Chi nhánh Hà Nội Dragon Capital.
9. Ông Phạm Đình Huy, Giám đốc Đầu tư Tập đoàn Nam Long.
10. Ông Phạm Vũ Thăng Long, Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô Công ty Chứng khoán HSC.