Nền tảng vĩ mô tốt, thị trường chứng khoán rẻ
Trong nhiều talkshow do Báo Đầu tư tổ chức có nội dung về thị trường chứng khoán thường xuyên nhận được câu hỏi: thị trường đã rẻ chưa, giải ngân được chưa? Câu hỏi này hoàn toàn hợp lý khi mà các chứng sĩ chứng kiến đà giảm kéo dài gần như liên tục kể từ đầu tháng 4/2022 đến nay, khiến nỗi đau tài khoản giảm cứ như “cứa vào tim” mỗi ngày.
Tại cuộc tọa đàm ngày 14/7/2022 với chủ đề: “Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt”, ông Trần Đức Anh, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô và chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam chia sẻ góc nhìn về vấn đề “rẻ chưa” thông qua phân tích chỉ số P/E và tình hình kinh tế vĩ mô.
Theo đó, P/E trượt (trailing - 4 quý gần nhất) của VN-Index hiện khoảng 13 lần, P/E dự phóng (forward) năm 2022 khoảng 12 lần.
Tham chiếu trong 10 năm trở lại đây, P/E dưới 12 lần chỉ xuất hiện 3 lần, gồm giai đoạn trước năm 2012 - kinh tế khi đó có nhiều bất ổn về tỷ giá, lãi suất, lạm phát, nợ xấu; giai đoạn cuối năm 2015, đầu năm 2016 - lo ngại Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có động thái tăng lãi suất USD lần đầu tiên sau cuộc khủng hoảng năm 2009; giai đoạn đầu năm 2020 - dịch Covid-19 xuất hiện, thị trường chứng khoán lao dốc trong tháng 3. Cả 3 giai đoạn này, thị trường chứng khoán Việt Nam đều chịu tác động bởi yếu tố vĩ mô bên ngoài.
Hiện tại, kinh tế toàn cầu đang đối mặt với 3 thách thức lớn gồm lạm phát leo thang, tăng trưởng suy giảm và giá cả hàng hóa biến động mạnh. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như bức tranh sáng, GDP tăng trưởng bứt phá trong quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, GDP quý II tăng 7,72%, cao nhất 10 năm, nhờ khu vực sản xuất phục hồi như trước khi có dịch Covid-19. Yếu tố cầu đóng góp tốt cho tăng trưởng GDP, gồm xuất khẩu (cán cân thương mại xuất siêu 710 triệu USD trong 6 tháng đầu năm) và sức mua hồi phục tích cực (đặc biệt là ngành du lịch).
GDP tăng trưởng còn đến từ hoạt động đầu tư, gồm đầu tư công và đầu tư nước ngoài. Giải ngân vốn đầu tư công trong nửa đầu năm 2022 chưa đạt kế hoạch, thực hiện được 192.000 tỷ đồng so với kế hoạch cả năm là trên 550.000 tỷ đồng. Nhưng với nguồn vốn FDI, nửa đầu năm nay giải ngân được 10,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất kể từ năm 2018. Bên cạnh đó, vốn điều chỉnh ở các dự án có sẵn cũng tăng cao, cho thấy doanh nghiệp FDI có dự án đã đăng ký trước vẫn tiếp tục mạnh tay đầu tư và tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam.
Yếu tố đáng lưu ý là lạm phát. Lạm phát tháng 6/2022 so với cùng kỳ năm 2021 tại Mỹ là 9,1%, cao nhất trong 40 năm qua, EU là 8,6%, Việt Nam là 3,37% (bình quân 6 tháng là 2,4%). Lạm phát tại Việt Nam tuy thấp, nhưng mức chênh lệch giữa lạm phát cơ bản và lạm phát chung có xu hướng tăng lên từ tháng 4 tới nay, cho thấy các yếu tố xăng dầu, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng mà Chính phủ quản lý bắt đầu có tác động tới lạm phát chung của nền kinh tế.
Dù có những rủi ro tiềm ẩn, nhưng ông Đức Anh đánh giá, tình hình chung vẫn đang tích cực, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp tiếp tục khả quan. Quý I/2022, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng 31% so với cùng kỳ, quý II dự báo tăng 20 - 30% và cả năm nay, lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) tăng khoảng 20%.
“Với nền tảng vĩ mô tốt, EPS tăng trưởng cao, mặt bằng giá cổ phiếu thấp..., thị trường chứng khoán đang rẻ”, ông Đức Anh nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, từ năm 2013 tới nay, định giá P/E có 3 lần về mức 12 lần thì bật lên. Theo đó, kỳ vọng thị trường 6 tháng cuối năm 2022 sẽ có diễn biến tích cực, nhưng nhiều khả năng là thanh khoản không cao và giá cổ phiếu có sự phân hóa mạnh.
Một số nhóm ngành, lĩnh vực có thể xem xét đầu tư là sản xuất, nhất là thực phẩm, thức uống, điện nước, công nghệ, xuất khẩu, ngân hàng. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ dẫn dắt thị trường trong nửa cuối năm, với các yếu tố hỗ trợ như định giá P/B dự phóng năm 2022 chỉ 1,2 lần, thấp so với mức trung bình khoảng 2 lần; hạn mức tăng trưởng tín dụng dự kiến được nới trong quý III - là chất xúc tác để lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2022 có khả năng đạt 21%...
Thị trường có triển vọng dài hạn, nhưng ngắn hạn vẫn phức tạp
Tốc độ tăng trưởng vĩ mô, tăng trưởng của doanh nghiệp có duy trì được trong 1 - 2 năm tới hay không đang là băn khoăn của nhiều nhà đầu tư.
Họ nhìn thấy bức tranh quý II/2022 tốt, nhưng không tin tưởng cái tốt này sẽ được duy trì trong thời gian tới, trước các yếu tố tác động như chi phí đầu vào tăng, tỷ giá tăng, lãi suất cho vay có khả năng tăng, sức tiêu thụ giảm…
Vì thế, không ít nhà đầu tư có tâm lý cẩn trọng, dẫn tới hành động bán ra nhiều hơn mua vào, gia tăng tỷ trọng tiền mặt. Đó cũng là nguồn cơn của thanh khoản thị trường ngày càng suy giảm.
Về vấn đề này, ông Đức Anh nhận định, kinh tế Việt Nam có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng 6% trong 2 - 3 năm tới.
“Với bộ đệm tốt như vậy sẽ tạo ra tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết ở mức tích cực, khoảng 15 - 20%. Với lợi nhuận tăng trưởng, EPS tăng trưởng thì không có lý do gì P/E sẽ ở mức thấp quanh 12 lần như hiện tại”, ông Đức Anh nói.
Động lực tăng trưởng chính của thị trường trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ đến từ sức đề kháng tốt của nền kinh tế trước những áp lực gia tăng từ bên ngoài và đà tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết.
Động lực tăng trưởng chính của thị trường trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ đến từ sức đề kháng tốt của nền kinh tế trước những áp lực gia tăng từ bên ngoài và đà tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết. Kỳ vọng, thị trường trong quý III sẽ sớm bước vào nhịp hồi ngắn hạn, phản ứng với các chỉ tiêu vĩ mô tích cực được công bố, cũng như mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II, đặc biệt sau nhịp điều chỉnh sâu ở nhóm cổ phiếu tính chu kỳ cao như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và các ngành liên quan.
Mặc dù vậy, vị chuyên gia của Chứng khoán KB Việt Nam chia sẻ: “Những gì xấu nhất có thể còn ở phía trước, bức tranh vẫn phức tạp. Chúng ta vừa đón nhận thông tin CPI ở Mỹ tăng 9,1% - cao nhất trong 40 năm. Kinh tế Mỹ có nguy cơ suy thoái cùng nhiều yếu tố khác như xung đột Nga - Ukraine... có thể tác động đến thị trường trong ngắn hạn”.
Nhà đầu tư có mức độ chịu đựng rủi ro thấp, đề cao tính an toàn được khuyến nghị nên chờ đợi lạm phát tại Mỹ đạt đỉnh khi Fed cho thấy tín hiệu chậm lại tốc độ tăng lãi suất, hay rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ không ở mức cao thì mới giải ngân. Dĩ nhiên, chọn thời điểm an toàn mới giải ngân thì cổ phiếu sẽ không còn ở vùng giá tốt như hiện tại.
Theo phân tích của ông Thế Minh, kinh tế Việt Nam có triển vọng tăng trưởng cao, các yếu tố gây quan ngại như lạm phát, tỷ giá... không thực sự đáng lo ngại. Nhờ đó, thị trường chứng khoán có tiềm năng tăng trong dài hạn, nhưng không có nghĩa trong ngắn và trung hạn sẽ sớm đảo chiều đi lên, dù P/E đang thấp. Như giai đoạn 2015 - 2016, hay năm 2020, có thời điểm P/E của thị trường giảm xuống gần mức 10 lần, tức thấp hơn 10% so với thời điểm VN-Index tạo đáy gần đây.
Theo dự báo của nhiều tổ chức tài chính quốc tế, kinh tế Mỹ hiện có xác suất 38% xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới và đa số ý kiến cho rằng mức độ suy thoái sẽ diễn ra tương đối nhẹ. Ông Đức Anh nhận định, kịch bản này nếu trở thành hiện thực thì mức độ tác động đến kinh tế Việt Nam không lớn, bị ảnh hưởng chủ yếu là các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ; còn tác động đến thị trường chứng khoán càng ít hơn, nhờ nội lực của thị trường và nền kinh tế.