Các nhà đầu tư trao đổi bên lề hội nghị VinaCapital 2016

Các nhà đầu tư trao đổi bên lề hội nghị VinaCapital 2016

Thị trường chứng khoán còn nhiều dư địa tăng trưởng

(ĐTCK) Thông tin tại Hội nghị thường niên các nhà đầu tư VinaCapital năm 2016 ngày 13/10 cho thấy, nhà đầu tư quốc tế đang quan tâm tới các TTCK châu Á, trong đó tập trung vào Việt Nam.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho biết, TTCK Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, chương trình cổ phần hóa gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch có những bước tiến mới, nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đã và đang thực hiện nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) cho khối ngoại.

Tính đến tháng 9/2016, có 9 doanh nghiệp niêm yết nới room lên 100%, trong đó có VNM - doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường và DMC - công ty hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Diễn biến này tạo thêm niềm tin trên thị trường về việc mở room sẽ thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Đối với chương trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, đáng lưu ý là kế hoạch bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như VNM, BMP, FPT đã được công bố. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn như Sabeco, Habeco, MobiFone, Satra và Bến Thành Group được kỳ vọng sẽ niêm yết, đăng ký giao dịch trong vòng 12 tháng tới.

Hiện nay, tổng giá trị vốn hóa trên hai Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM và Hà Nội đã đạt trên 70 tỷ USD, khi các doanh nghiệp nêu trên lên sàn sẽ giúp tăng giá trị thị trường thêm khoảng 10 tỷ USD.

"VN-Index đang ở vùng điểm cao nhất trong nhiều năm qua nhưng định giá P/E hiện là 16,3 lần, vẫn hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực"

- bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Quỹ VVF.

Đối với yếu tố kinh tế vĩ mô, VinaCapital dự báo, tăng trưởng GDP năm 2016 đạt 6%, năm 2017 đạt 6,5%. Ở lĩnh vực sản xuất, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng lên 52,9 điểm vào tháng 9/2016, cao nhất 16 tháng qua, báo hiệu sự cải thiện mạnh mẽ của lĩnh vực này cũng như điều kiện kinh doanh.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 7,4%, doanh số bán lẻ tăng 9,5% theo giá trị danh nghĩa và tăng 7,7% theo giá trị thực tế. Mặc dù tiêu dùng tăng nhưng lạm phát trung bình không tăng mạnh, ở mức dưới 4%. VinaCapital nhận định, lạm phát ở mức 4% cho năm 2016 và 4,5% cho năm 2017.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn giải ngân trong 9 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư VinaCapital kỳ vọng, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng.

Một yếu tố khác được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao là tỷ giá ổn định nhờ kim ngạch xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, chênh lệch gần 3 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm; dự trữ ngoại hối đạt gần 40 tỷ USD. Dự báo, trong 6 tháng tới, tỷ giá vẫn ổn định. Tuy nhiên, lãi suất và nợ xấu là hai yếu tố mà Việt Nam cần chú ý.

Trong bối cảnh tiền đồng ổn định, lãi suất nên xem xét giảm thêm. Mặt khác, khi lãi suất thấp, Chính phủ có thể phát hành thêm trái phiếu với chi phí thấp và các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn cũng như sử dụng vốn vay sẽ tiết kiệm được chi phí. Về nợ xấu, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình xử lý.

Nhận định về TTCK Việt Nam, bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Quỹ VVF thuộc VinaCapital cho rằng, VN-Index đang ở vùng điểm cao nhất trong nhiều năm qua nhưng định giá P/E hiện là 16,3 lần, vẫn hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực; tỷ lệ chi trả cổ tức của doanh nghiệp Việt Nam cao so với thị trường khác; tỷ lệ lợi nhuận trên vốn cổ phần (ROE) ở mức cao nhất. Kỳ vọng, với động thái mạnh mẽ của Nhà nước trong việc thoái vốn, giúp TTCK mở rộng cả quy mô và chiều sâu, từ đó thu hẹp khoảng cách với các thị trường trong khu vực.

Chẳng hạn, với P/E từ 16 lần tăng lên mức 18 - 20 lần thì cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam có dư địa tăng giá hàng chục phần trăm.

Ngoài ra, TTCK Việt Nam đã trải qua nhiều chu kỳ lập đỉnh và tạo đáy, hiện VN-Index gần 680 điểm chỉ mới bằng phân nửa mốc đỉnh năm 2007, trong khi nền kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP cao, lạm phát được kiềm chế, tiền đồng ổn định (3 - 5 năm qua, đồng tiền của nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia mất giá 30 - 50%, trong khi VND chỉ mất giá 6 - 7%). Tính thanh khoản TTCK cũng được cải thiện mạnh mẽ, hiện giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày hơn 100 triệu USD. Theo đó, TTCK Việt Nam có nhiều dư địa để tăng trưởng.

Trong tháng 11 tới, VinaCapital sẽ huy động thêm một quỹ mới, đó là Quỹ VSAF. Đây là quỹ nội địa thứ hai dành cho nhà đầu tư nước ngoài, với giá trị đầu tư khởi điểm từ 5 triệu USD. VSAF sẽ xem xét đầu tư vào các công ty vốn hóa dưới 50 triệu USD và các công ty trên UPCoM.

Tin bài liên quan