“Năm tới, fpt có cơ hội tăng trưởng hơn nữa"
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc FPT
Tôi cho rằng, NĐT nên nhìn vào hoạt động của DN và nền tảng kinh tế vĩ mô trước khi ra quyết định bán hay mua cổ phiếu. Với FPT, đến thời điểm này, mọi hoạt động đều diễn biến tích cực.
Kết thúc 11 tháng, FPT đạt doanh thu 30.857 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ, đạt 110% kế hoạch lũy kế 11 tháng, chủ yếu nhờ các lĩnh vực xuất khẩu phần mềm (tăng 37%), dịch vụ viễn thông (tăng 19%), phân phối (tăng 22%) và bán lẻ (tăng 80%). Đặc biệt, sự kiện iPhone 6 và iPhone 6 Plus được FPT phân phối từ ngày 14/11 giúp doanh thu phân phối iPhone của FPT Trading tăng vọt lên 655 tỷ đồng riêng trong tháng 11, cao xấp xỉ 5 lần so với doanh số trung bình các tháng trước đó.
Sau 11 tháng, lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn đạt 2.269 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ, đạt 93% kế hoạch lũy kế. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng 7%, đạt 1.487 tỷ đồng. EPS đạt 4.323 đồng, tăng 7%.
Thị trường nước ngoài tiếp tục đóng góp tích cực về cả doanh thu và lợi nhuận nhờ nỗ lực mở rộng thị trường và chiến lược M&A. Lũy kế 11 tháng, doanh thu từ hoạt động toàn cầu hóa của Tập đoàn đạt 3.216 tỷ đồng, tương đương 152 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế từ hoạt động toàn cầu hóa đạt 527 tỷ đồng, tăng 14%.
Chúng tôi tin năm tới, DN sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội để tăng trưởng hơn nữa, cả thị trường trong và ngoài nước.
“TTCK Việt Nam đang ở vùng giá hấp dẫn”
Ông Vũ Đức Tiến ,Tổng giám đốc CTCK SHS
Tôi cho rằng tâm lý NĐT đang có nhiều biến động chủ yếu mang tính ngắn hạn. Năm 2014 là năm kinh tế vĩ mô có chuyển biến tích cực, lạm phát được kiềm chế tốt, lãi suất ngân hàng liên tục giảm, tỷ giá ổn định…, nhưng TTCK lại có nhiều biến động. Sự kiện biển Đông đã làm TTCK chao đảo và phải đến nửa cuối quý III, thị trường mới bình ổn trở lại, tích lũy tốt.
Tuy nhiên, khi Thông tư 36 được ban hành, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, ảnh hưởng của nó trong ngắn hạn đến TTCK là không nhỏ, tác động trực tiếp đến dòng tiền vào thị trường và tâm lý giới đầu tư. Trong bối cảnh đó, nhiều NĐT có tâm lý bất an và buộc phải sắp xếp lại việc đầu tư cho an toàn. Tác động chính sách chưa qua, thị trường lại chịu tác động từ cú sốc giá dầu và khối NĐT nước ngoài chuyển xu hướng từ mua ròng sang bán ròng. Cộng hưởng các yếu tố bất lợi trên, khi nguồn tiền mới vào thị trường bị hạn chế, có thể hiểu về tâm lý hoảng loạn và bán quá của các NĐT trong những ngày qua khi kỳ vọng tăng ngắn hạn không còn nhiều.
Bởi những cú sốc khó lường như vậy, dù nền tảng thị trường tốt, hoạt động nhiều DN đi lên, CTCK cũng khó có thể tư vấn đầu tư cho khách. Biến động trên thị trường lần này hoàn toàn khác cú sốc từ sự kiện biển Đông.
Cá nhân tôi cho rằng, TTCK Việt Nam đang vận động ở vùng giá hấp dẫn và có nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng.
“Nên nghiên cứu lùi thời hạn áp dụng thông tư 36”
Ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc CTCK ACB (ACBS)
Không phủ nhận việc giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm làm giá cổ phiếu toàn cầu giảm mạnh, tác động mạnh đến TTCK trong nước. Tuy nhiên, theo tôi, thêm một yếu tố tác động mạnh đến tâm lý thị trường đó là, các NĐT bắt đầu thấu hiểu tính nghiêm trọng của Thông tư 36 và thận trọng hơn trong đầu tư chứng khoán và vay margin. Ở giai đoạn này, theo tôi, một biện pháp về mặt kỹ thuật của cơ quan quản lý để hỗ trợ thị trường là điều cần thiết để trấn an tâm lý thị trường nói chung. Cơ quan quản lý nên nghiên cứu lùi thời hạn áp dụng Thông tư 36 (chẳng hạn 6 tháng) để các CTCK có thời gian điều chỉnh các khoản vay cũng như tìm các biện pháp huy động vốn, bởi việc tìm nguồn tiền thay thế này trong vòng 2 tháng sẽ là bài toán nan giải cho các CTCK có sử dụng vốn ngân hàng. Mặc dù vậy, nhìn ở khía cạnh đầu tư, thị trường sụt giảm mạnh cũng chính là cơ hội để NĐT chọn những cổ phiếu cơ bản tốt. Tôi đánh giá quý I/2015 sẽ có môi trường tốt để thị trường tăng trưởng.
“Thị trường sẽ trở về trạng thái cân bằng”
Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt
TTCK giảm mạnh chỉ trong một thời gian ngắn là do nhiều yếu tố tác động, trong đó có ảnh hưởng từ đà giảm của TTCK toàn cầu khi giá dầu giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Nhìn lại TTCK trong nước, trong quý III/2014, nhiều CTCK đã sử dụng margin khá cao, trong đó tập trung nhiều ở nhóm cổ phiếu dầu khí, nên khi nhóm cổ phiếu này sụt giảm đã làm thị trường hoảng loạn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu trụ cột như GAS, PVD, PVS…, tạo tâm lý xấu lên toàn bộ thị trường và kéo theo áp lực bán tháo ồ ạt trên diện rộng. Bên cạnh đó, hiện tượng giải chấp (call margin) đang ở thời điểm nhạy cảm cũng khiến thị trường bị ảnh hưởng. Ngoài ra, việc các quỹ nước ngoài liên tiếp bán ròng chốt lời cũng là một yếu tố bất lợi cho thị trường.
Mặc dù vậy, xét một cách tổng thể, hiện nền tảng vĩ mô cũng như nội lực của các DN vẫn đang giữ được mức tương đối ổn định, do vậy, khi vượt qua các “cú sốc” về mặt tâm lý, thị trường sẽ trở về trạng thái cân bằng và một cơ hội mới lại được mở ra.
“2 tháng đầu năm tài chính 2014 - 2015, HSG đạt hơn 80 tỷ đồng lợi nhuận”
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (HSG)
Hoạt động của Tập đoàn vẫn diễn ra bình thường. Trong 2 tháng đầu năm tài chính 2014 – 2015, HSG đạt lợi nhuận hơn 80 tỷ đồng và Công ty đang chuẩn bị cho kỳ họp ĐHCĐ thường niên vào giữa tháng 1/2015.
Tại cuộc họp này, HSG sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua những chủ trương lớn trong chiến lược phát triển. Cụ thể, HSG sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư nhà máy mới, đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ, mở thêm 40 - 50 chi nhánh để chiếm lĩnh thị phần nội địa, đảm bảo đưa hàng tôn thép đúng tiêu chuẩn chất lượng đến tay người tiêu dùng. Công ty cũng đề xuất phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ. Hiện vốn điều lệ của HSG hơn 1.000 tỷ đồng, thặng dư vốn là 451 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối là 979 tỷ đồng.