Dành sẵn nguồn lực
“Mốc dự báo thị trường không quá quan trọng, quan trọng là xu hướng thị trường. Nếu thị trường thay đổi, chúng tôi có thể giải ngân ngay từ 1.200 điểm, nếu xu hướng chưa thay đổi thì 950 điểm cũng chưa chắc đã giải ngân. Đội ngũ của chúng tôi nghiên cứu và chắc chắn xu hướng thay đổi mới giải ngân được”, ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment chia sẻ khi được hỏi khi nào thì công ty này sẽ giải ngân mạnh sau khi thoát đúng đỉnh tháng 3 và hiện vẫn cầm tỷ trọng tiền mặt là chủ yếu.
Tiết lộ thông tin trong tháng 7 vừa qua, Passion Investment có giải ngân nhưng chỉ giải ngân một tỷ trọng nhỏ, ông Trung nhận định, thị trường đang trong sóng hồi. Điều này đồng nghĩa với dự báo đáy thị trường vẫn ở phía trước và đáy này sẽ rơi vào giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023 và “phòng thủ tốt trong giai đoạn giá xuống sẽ có cơ hội tốt để gia tăng tài sản khi thị trường đi lên”. Bởi theo nghiên cứu của quỹ này, VN-Index thường tăng 60 - 100% trong giai đoạn đầu tiên đi lên, nhiều cổ phiếu tăng giá 5 - 10 lần trong 2 năm đầu hồi phục (xem bảng).
Nghiên cứu của Passion Investment cũng cho thấy, năm 2009, VN-Index từ đáy thị trường lên hơn 100%, năm 2012 lên 60%, 2020 từ đáy lên đỉnh cao gấp hơn 2 lần. Từ đáy đi lên, VN-Index tăng nhanh, tăng mạnh nên nhà đầu tư cần chuẩn bị để nắm bắt cơ hội.
Từ góc nhìn của ông Trung, kinh tế suy thoái, cổ phiếu giảm mạnh là cơ hội “10 năm mới có một lần”, nếu không tận dụng cơ hội này thì lại chờ 10 năm tiếp theo.
Vật liệu xây dựng, dầu khí và chứng khoán, theo nghiên cứu của Passion Investment, là những nhóm ngành có thể bật nhanh ở đầu chu kỳ hồi phục. Nhóm đầu là nhờ chính sách kích thích hạ tầng sau suy thoái, nhóm thứ hai là nhờ giá dầu phục hồi, nhóm công ty chứng khoán từ đáy đi lên thì thanh khoản tăng mạnh và lợi nhuận tăng.
Để tối ưu được hiệu quả đầu tư, Tổng giám đốc Passion Investment cho rằng, cần chọn được nhóm ngành tăng mạnh nhất, luân chuyển thay đổi 2 - 3 nhóm cổ phiếu. Bởi thực tế thị trường cho thấy không phải các cổ phiếu tăng đồng pha, thường 3 - 6 tháng đầu có nhóm tăng mạnh, 6 tháng tiếp theo là nhóm khác và thường có 4 nhóm tăng mạnh trong 2 năm đầu tiên thị trường đi lên từ đáy.
Nhận định về diễn biến thị trường 6 tháng cuối năm 2022, ông Trung cho rằng, một số cổ phiếu có thể tạo đáy trước thị trường vì chỉ số có thể giảm nhưng cổ phiếu không giảm nữa. Nếu thị trường đi xuống mạnh, nhà đầu tư có thể bán trước khi thị trường giảm, hoặc mua trong những sóng hồi ở các đáy ngắn hạn. Nhưng đầu tư như vậy đều khá khó, xác suất thành công không cao, rủi ro và lợi nhuận thực sự không thuận lợi. Chiến thuật mà chuyên gia này đưa ra là “downtrend mạnh sắp kết thúc nên dành nguồn lực để chuẩn bị sẵn sàng cho việc vào lại”.
“Đầu tư chứng khoán cần xác định có những giai đoạn không kiếm được tiền. Năm 2020, đến tháng 7 tài khoản của chúng tôi vẫn âm, vậy mà 2 tháng cuối năm kiếm tới 80%. Đầu tư phải kiên nhẫn”, ông Trung chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, nếu thị trường tạo đáy vào tháng 11 năm nay thì chỉ đến cuối tháng 12, có thể nhà đầu tư đã đạt được lợi nhuận 30%.
Chuẩn bị kỹ cho ngày trở lại
Một kinh nghiệm mà công ty này rút ra sau sóng tăng mạnh từ đại dịch Covid-19 là tỉnh táo và chuẩn bị kỹ để trở lại thị trường sớm hơn, sau khi thị trường tạo đáy.
“Năm 2020, chúng tôi cũng bán trước vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 nhưng giải ngân lại vào tháng 7/2020 và giải ngân nhiều vào tháng 9/2020. Thị trường tạo đáy tháng 3/2020 và phải đi lên rất nhiều rồi, Passion Investment mới giải ngân trở lại. Vào thị trường muộn mất 4 tháng, sau khi thị trường tăng nhiều rồi nhưng 2 năm sau đó, chúng tôi vẫn có thể tăng 4 lần tài sản. Vì thế, xác định được xu hướng để quyết định hành động, đó là điều quan trọng nhất”, ông Trung chia sẻ kinh nghiệm.
Trong báo cáo gửi tới nhà đầu tư của Quỹ mới đây, SGI Capital cũng nhận định: “Sự phục hồi của thị trường chứng khoán của Mỹ và châu Âu phản ánh sự giải tỏa sau khi Fed và ECB đều nâng mạnh lãi suất. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc chịu áp lực khi các nhà đầu tư tiếp tục quan ngại về tình hình thị trường bất động sản tiếp tục xấu đi có thể kéo theo làn sóng nợ xấu ở ngành ngân hàng. Nhìn về tháng 8 và tháng 9, áp lực lạm phát đang dần phai nhạt với thị trường chứng khoán khi nhiều loại hàng hoá chủ chốt tiếp tục giảm, lạm phát kỳ vọng dài hạn (yếu tố được Fed đặt trọng số cao trong mô hình điều hành) đã nguội bớt. Mặc dầu vậy, Fed sẽ chưa sớm điều chỉnh chính sách thắt chặt cho tới khi các dữ liệu lạm phát và thất nghiệp có thay đổi lớn.
Nỗi lo về lạm phát qua dần đưa thị trường tài chính thế giới vào nhịp phục hồi trước khi chuyển tâm điểm theo dõi sang rủi ro suy thoái. Biểu hiện sớm của rủi ro này là niềm tin tiêu dùng giảm nhanh trên toàn cầu, đơn đặt hàng mới ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu, Mỹ đều giảm mạnh. Kinh tế châu Âu sẽ đi trước vào suy thoái khi lạm phát cao và tăng trưởng yếu trong khi Ngân hàng Trung ương bắt đầu nâng mạnh lãi suất.
Thị trường hiện đang bước vào nhịp phục hồi và phân hóa dựa trên niềm tin lạm phát đã đạt đỉnh và Fed tới gần hơn với đỉnh chu kỳ tăng lãi suất. Rủi ro sẽ tăng lên nếu Fed mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ hơn kỳ vọng của thị trường, hoặc triển vọng tăng trưởng bị điều chỉnh mạnh do suy thoái.
“Kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp trong quý II tiếp tục giúp thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì nền định giá thấp. Đồng thời, sự ổn định của các cân đối vĩ mô trong nước sẽ giúp kinh tế Việt Nam, dù có độ mở rất lớn, sẽ chống chọi tốt và sớm vượt qua ảnh hưởng của một đợt suy thoái kinh tế thế giới có thể tới vào cuối năm nay và đầu năm sau. Thị trường chứng khoán luôn đi trước và suy thoái xảy ra đồng thời sẽ tạo ra các cơ hội đầu tư rất hấp dẫn cho một chu kỳ mới. Việc của chúng ta lúc này là chuẩn bị một danh mục tiềm năng, kiên nhẫn chờ đợi các điều kiện lớn thỏa mãn cho một chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường”, lãnh đạo SGI nhận định.