Hiện tại, dầu mỏ đang thành thị trường “đầu sóng ngọn gió” khi giá dầu rơi xuống mức dưới 0. Tuy nhiên, đây không phải loại tài sản duy nhất đang phát tín hiệu khẩn cấp.
Trái phiếu doanh nghiệp sau khi phục hồi nhẹ nhờ các chính sách hỗ trợ cũng bắt đầu rung lắc. Trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ đang ở mức thấp gần kỷ lục, phản ánh nỗi đau của thế giới hậu đại dịch sẽ còn dai dẳng.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong tuần này, các thông điệp về suy thoái đã rất rõ ràng và đến lúc thị trường chứng khoán bắt đầu cảm thấy sợ.
“Nền kinh tế đang trong tình thế ngặt nghèo, lợi nhuận của doanh nghiệp lao dốc, vậy nhưng thị trường chứng khoán vẫn đang phản ánh tâm lý rất lạc quan với đà hồi phục hình chữ V. Đây là một viễn cảnh quá tích cực. Đa phần các thị trường tài chính đã bắt đầu điều chỉnh để phản ứng với khủng hoảng, trong đó có dầu, vàng hay trái phiếu. Chỉ riêng nhà đầu tư chứng khoán tỏ ra mơ mộng”, Brin O’Reilly, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường tại Mediolanum Asset Management nhận định.
Chỉ số MSCI toàn cầu nhích lên, trong khi giá dầu WTI lao dốc chóng mặt
Nhận định nền kinh tế sẽ phục hồi vào năm 2021 là một trong những lý do thị trường chứng khoán tỏ ra khá bình tĩnh trước những biến động gần đây. Trong đó, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn và công ty công nghệ có bước tăng mạnh nhất, giúp chỉ số S&P 500 tăng 28% kể từ mức đáy vào tháng 3/2020.
Điều này tạo nên sự đứt gãy giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế, khi mọi số liệu được công bố từ giá nhà, doanh số bán lẻ, việc làm cho tới sản xuất công nghiệp đều cho thấy mọi hoạt động kinh tế lao dốc, ngay cả khi các gói hỗ trợ với con số khổng lồ đã được tiến hành.
Chỉ số S&P 500 (đường màu trắng) duy trì đà tăng, dù các số liệu kinh tế Mỹ (đường màu xanh) diễn biến tiêu cực
Liệu sắp tới, thị trường chứng khoán đã biết sợ?