E ngại tình trạng phân phối đỉnh
Hai phiên đầu tuần (9 và 10/9), thị trường ghi nhận khá nhiều cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ đã tăng giá mạnh giai đoạn trước bị chốt lời. Trong đó, nhóm cổ phiếu trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp như NTC, LHG, D2D, SZL, SZC…, hay những cổ phiếu có liên quan như PHR đều đồng loạt giảm điểm.
Mặc dù đã hồi trở lại ngay sau đó, nhưng vẫn tạo ra áp lực nhất định lên thị trường khi nhiều cổ phiếu trong nhóm này đã đạt đến vùng đỉnh.
Ðộng thái bán ra của nhà đầu tư được nhìn nhận là có một phần chủ đích khi giá cổ phiếu lên cao, khiến cho cổ phiếu phân tán trong tay số đông, tạo áp lực nhất định đối với thị trường.
Ðáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 10/9, sau khi VN-Index được kéo lên mức 977,5 điểm trong nửa đầu phiên sáng, lực cung đã bất ngờ gia tăng mạnh, đẩy chỉ số này thoái lui xuống dưới tham chiếu.
Những phiên giật cục như thế này trên thị trường không hiếm, nhưng mỗi khi diễn ra đều gây e ngại cho nhà đầu tư.
“Tôi nhận thấy, nhiều nhóm cổ phiếu như bất động sản khu công nghiệp, thậm chí cả nhóm vốn hóa lớn đang phân phối đỉnh khiến chỉ số rơi vào trạng thái không rõ xu hướng, một số phiên giao dịch được kéo lên có ý đồ và giảm ngay sau đó.
Ðiều này làm nhiều cổ phiếu khác cũng bị ảnh hưởng, kể cả những cổ phiếu giao dịch tích cực thời gian trước như MWG, REE, TCB, VPB…” anh Trần Việt Anh, nhà đầu tư tại Hà Nội nói và cho rằng, sự thận trọng khiến người cầm tiền chủ yếu đứng ngoài quan sát, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thanh khoản yếu hiện tại.
Ðối với trường hợp PHR, cổ phiếu này sau khi tạo đỉnh ở mức giá trên 75.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 9/8/2019, thì nay đã giảm gần 30% giá trị chỉ sau 1 tháng. Có thời điểm, mã này đã giảm sàn về 53.000 đồng/cổ phiếu, trước khi hồi nhẹ trở lại trong phiên 11/9 khi tăng lên 55.300 đồng/cổ phiếu.
Việc giá cổ phiếu PHR được đẩy cao thời gian qua một phần là nhờ “ăn theo” dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II và dự án VSIP III.
Tuy nhiên, những lo ngại về tiến độ của các dự án khiến PHR bất ngờ giảm mạnh kể từ đầu tháng 9. Ðại diện PHR cho biết, việc hợp tác để thực hiện các dự án nêu trên vẫn được thực hiện theo đúng tiến độ và nội dung các Nghị quyết HÐQT đã công bố.
“PHR đã thống nhất phương án hợp tác đầu tư và bàn giao đất để thực hiện dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II và dự án VSIP III.
Ngoài ra, PHR cũng được hưởng các khoản bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cây cao su và các hỗ trợ khác ước tính bình quân 1,3 tỷ đồng/ha và các bên đang đàm phán hợp đồng hợp tác để thống nhất ký kết, thực hiện từ tháng 9/2019”, đại diện PHR thông tin.
Thực tế, không chỉ với riêng trường hợp PHR, dòng tiền luôn luân chuyển linh hoạt trên thị trường nên việc những cổ phiếu đã tăng mạnh bị chốt lời, thậm chí bán tháo là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, động thái này khiến cho việc lựa chọn cổ phiếu càng trở nên khó khăn hơn.
Diễn biến giao dịch thời gian qua cho thấy, người đầu cơ cổ phiếu đang muốn rút tiền khỏi thị trường, dẫn đến áp lực chốt lời ở nhiều cổ phiếu và xu hướng này có thể sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta cho biết, nhóm cổ phiếu đã kín “room” ngoại như FPT, REE đã tăng mạnh trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu tạo đỉnh trung hạn.
Vì là nhóm cổ phiếu dẫn dắt nên các cổ phiếu này được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng tối thiểu là trong trung hạn. Do đó, nhà đầu tư cần tập trung vào nhóm cổ phiếu này, đặc biệt là các cổ phiếu có câu chuyện riêng.
Ðón đầu lợi nhuận quý III
Thông thường, sau khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019 qua đi và giá cổ phiếu các doanh nghiệp niêm yết đã thiết lập mặt bằng giá mới, thị trường sẽ rơi vào giai đoạn thiếu vắng thông tin nói chung, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng.
Cơ hội hiện đang thu hẹp dần, nhưng không có nghĩa là nhà đầu tư không thể kiếm lãi thời điểm này, bởi vẫn có những cổ phiếu duy trì được đà tăng nhờ có thông tin riêng.
Hơn nữa, mùa báo cáo tài chính quý III cũng đang tới gần, bên cạnh lộ trình thoái vốn của một số doanh nghiệp lớn trong năm 2019 tới thời hạn quyết định sẽ đem lại cơ hội cho nhà đầu tư.
Ðơn cử như trường hợp của Tổng CTCP Ðầu tư phát triển xây dựng (DIG), mặc dù lợi nhuận nửa đầu năm ở mức rất thấp, nhưng theo chia sẻ từ lãnh đạo Công ty, tình hình kinh doanh của DIG nửa cuối năm sẽ khả quan hơn khi lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 400 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với giai đoạn nửa đầu năm nhờ ghi nhận lợi nhuận từ các dự án Nam Vĩnh Yên, Gateway…
Tương tự, CTCP Ðầu tư LDG (LDG) cho biết, hết 6 tháng đầu năm, LDG mới hoàn thành khoảng 33% các chỉ tiêu kinh doanh đề ra.
Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, việc ghi nhận doanh thu, lợi nhuận của một số dự án trọng điểm sắp bàn giao sẽ giúp LDG không chỉ đạt, mà còn kỳ vọng vượt kế hoạch 600 tỷ đồng lợi nhuận đã đề ra.
Các dự án sẽ được bàn giao trong 2 tháng cuối năm là dự án Marina Tower với hơn 800 căn hộ, shop kinh doanh tại Trung tâm thương mại Viva Square và hơn 200 căn nhà phố dự án Viva Park.
“2017, 2018 là giai đoạn LDG tập trung vào tái cấu trúc doanh nghiệp, bao gồm cơ cấu lại bộ máy nhân sự cùng với lựa chọn các đối tác phù hợp hỗ trợ phát triển các sản phẩm, dự án. Do đó, năm 2019 được xem là bước ngoặt để LDG tập trung xây dựng thương hiệu, giá trị cổ phiếu phản ánh được giá trị thực của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HÐQT LDG chia sẻ thêm.
Ðánh giá về triển vọng của các nhóm cổ phiếu, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK VNDirect cho rằng, mặc dù đã tăng mạnh thời gian qua, nhưng các nhóm ngành công nghệ thông tin, bán lẻ, bất động sản khu công nghiệp... sẽ tiếp tục sự tích cực thời gian tới.
Theo vị chuyên gia này, thông thường, để đón đầu kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư thương tính đến giá cổ phiếu đã phản ánh hết kỳ vọng của doanh nghiệp hay chưa.
Tuy nhiên, cơ hội chỉ xuất hiện ở những nhóm ngành và doanh nghiệp tăng trưởng, nên dòng tiền vẫn sẽ tập trung chủ yếu ở nhóm ngành này để tìm kiếm cơ hội.
“Do đó, nếu muốn kiếm lợi nhuận và hạn chế rủi ro ở thời điểm này, thì nhà đầu tư chỉ nên tập trung vào các nhóm ngành được nhận định tăng trưởng, bởi các nhóm ngành mạnh nhất luôn có mức tăng tốt nhất khi thị trường tích cực và có mức giảm thấp hơn các nhóm ngành khác khi thị trường chung đi xuống” ông Du nói.
Thực tế, đa phần các công ty thuộc nhóm ngành ngân hàng, bán lẻ và bất động sản đều thuộc Top tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất, với mức tăng trên 15% và điều này đã được phản ảnh vào thị giá cổ phiếu trong 6 tháng đầu năm ở hàng loạt cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, bán lẻ.
Theo ông Lê Ðức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI), những nhóm ngành trên vốn có chu kỳ kinh doanh tăng trưởng mạnh vào 6 tháng cuối năm, nên đây là cơ hội tốt để nhà đầu tư lựa chọn.
Tuy nhiên, một số cổ phiếu đã tăng giá nhanh và phản ánh hết kỳ vọng cả năm vào giá, nên nhà đầu tư cần ưu tiên chọn những cổ phiếu còn tiềm năng tăng trưởng và giá đang tích lũy để có hiệu quả đầu tư.