Thị trường chứng khoán chờ tín hiệu mới

Thị trường chứng khoán chờ tín hiệu mới

(ĐTCK) Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn khó chịu khi thị trường dù có tín hiệu leo dốc, thậm chí gần đạt mức đỉnh, nhưng các số liệu kinh tế toàn cầu tiếp tục đà xuống dốc. 

Thêm vào đó, không ai biết chắc điều gì sẽ xảy ra sau cuộc gặp gỡ cuối tuần qua giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ðáng chú ý, những tín hiệu từ thị trường cũng không khỏi khiến nhà đầu tư lo lắng. Theo Lý thuyết Dow, vốn đã tồn tại hơn một thế kỷ, là cơ sở đầu tiên cho mọi nghiên cứu kỹ thuật trên thị trường, nếu 1 trong 2 chỉ số Dow Jones Industrial Average và Dow Jones Transportation Average đạt mức đỉnh cao mới, thì chỉ số còn lại phải nhanh chóng bám gót để đảm bảo triển vọng tăng bền vững của thị trường. Hiện tại, chỉ số Dow Jones Industrial Average đã đạt mức đỉnh mới vào tuần trước, nhưng chỉ số Transportation Average lại diễn biến theo hướng ngược lại.

“Sự sai khác này càng kéo dài thì các mối lo lắng càng trở nên trầm trọng không chỉ với thị trường chứng khoán, mà với cả nền kinh tế”, các chiến lược gia tại Richardson GMP nhận định trong báo cáo mới nhất. Bên cạnh đó, Chỉ số GDPNow của Ngân hàng Dự trữ Liên bang tại Atlanta, theo dõi tăng trưởng kinh tế Mỹ theo thời gian thật đã giảm xuống mức dưới 2% trong tuần vừa qua, còn 1,88%, thấp hơn hẳn so với mức trên 4% cùng thời gian năm ngoái.

Chỉ số Dow Jones Transportation Average là một trong các phong vũ biểu quan trọng của nền kinh tế, bởi các cổ phiếu hợp thành của nó bao gồm công ty xe lửa Norfolk Southern Corp, nhà vận chuyển hàng hóa FedEx Corp, hãng vận tải xe tải J.B. Hunt Transport Services Inc…, tất cả đều phản ánh rõ nét tình trạng sức khỏe của nền kinh tế ngay thời điểm hiện tại.

Trong tuần vừa qua, FedEx vừa công bố doanh thu dự kiến cho cả năm 2019 với con số đáng thất vọng, mà nguyên nhân được chỉ rõ là việc các hoạt động thương mại toàn cầu yếu hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại diễn ra và tăng trưởng kinh tế nhiều quốc gia gặp trục trặc.

Một trong những tâm điểm gây lo ngại cho các thành viên thị trường trên toàn cầu là tình trạng trì trệ của nền kinh tế khu vực châu Âu. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố, việc có thêm các gói nới lỏng định lượng là cần thiết nếu triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực không có sự cải thiện.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, biện pháp này là không đủ sức để chuyển hướng của bánh xe kinh tế vốn đang theo đà xuống dốc. Chưa kể, các chính sách hiện tại của ECB vốn đã rất lỏng tay so với bất kỳ khu vực nào trên toàn cầu.

Chỉ số đo lường tâm lý thị trường của Ủy ban châu Âu trong tháng 6 đã tiếp tục giảm xuống, chạm đáy thấp nhất 3 năm qua. Diễn biến này cho thấy sự tự tin của các lãnh đạo doanh nghiệp bị tổn hại trước các vấn đề bất ổn của khu vực. Trong khi đó, theo khảo sát của Bloomberg, tâm lý của giới đầu tư châu Âu cũng bất ổn nhất trong 8 năm qua.

Trong bối cảnh này, các thị trường mới nổi trở thành điểm sáng hiếm hoi trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Bất chấp các dự báo triển vọng tăng trưởng kém tích cực hơn so với những năm trước, chỉ số MSCI các thị trường mới nổi (MSCI EM) vẫn tăng 5,7% trong tháng 6. Màn biểu diễn tích cực này có được nhờ kỳ vọng của giới đầu tư thay đổi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng hạ lãi suất nửa cuối năm 2019.

Báo cáo mới nhất của Viện Tài chính quốc tế tại Washington ước tính, 23 tỷ USD đã chảy vào các thị trường mới nổi trong quý II/2019, ngoại trừ Trung Quốc, bất chấp cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang diễn ra.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng, con số này vẫn thể hiện xu hướng giảm của dòng vốn vào thị trường mới nổi, so với mức 31 tỷ USD trong quý I/2019. Chưa kể, không ít tổ chức tài chính lớn tỏ ra thận trọng với việc rót vốn vào các tài sản tại khu vực này.

Tin bài liên quan