Rủi ro to hơn lợi nhuận?
Tính đến thời điểm này, thị trường có khoảng 5 lần đi xuống và “hành xác” các NĐT. Tưởng như đợt điều chỉnh từ 490 điểm về 430 điểm trong khoảng 2 tuần đã rất tồi tệ, nhưng mọi việc chưa dừng lại ở đó khi những đợt điều chỉnh sau, về mặt điểm số không nhiều, nhưng thiệt hại lại vô cùng lớn.
Đơn cử 3 ngày vừa qua, mặc dù chỉ giảm gần 12 điểm, chưa đến 3%, nhưng nhiều CP đã giảm 10-15%. Những diễn biến này đang triệt tiêu cơ hội sinh lãi nhỏ nhất và triệt hạ cả ý chí những NĐT kiên quyết bám sàn.
Theo đó, sau những đợt lao dốc, mỗi khi tăng lại, thường đà tăng chỉ kéo dài đến T+2 hoặc T+3, không đủ cho những NĐT có lời vào T+4. Lúc này, nếu NĐT kiên quyết cắt sẽ chỉ lỗ nhẹ, nhưng nếu tiếp tục ôm hàng chuyện thua lỗ nặng khó tránh khỏi.
Đi sâu vào từng CP, tìm được những mã tăng trần 3 phiên liên tiếp đã là cực hiếm, tăng nhẹ 4 phiên cũng không nhiều. Và trong vài chục phiên giao dịch cũng chỉ 1-2 lần CP tăng đủ vào ngày T+4, nên rủi ro cho người bắt đáy có khi lớn hơn cả lợi nhuận thu được.
Chẳng hạn, SSI - CP chỉ báo của thị trường - trong 2 tháng qua chỉ có 1 lần duy nhất tăng được đến T+4, còn lại chỉ tăng 1-2 phiên rồi đứng hoặc giảm trở lại. CSM có khá hơn với 2-3 lần tăng được đến T+4 nhưng với những biến động rất mạnh của CP này không dễ để NĐT tham gia mạnh tay khi thị trường vẫn khó khăn.
Có 2 CTCK lớn, được xem là những “chiến binh” cuối cùng trong việc khuyến nghị NĐT mua CP và trước tháng 5 vẫn khá chính xác, nhưng khoảng 1 tháng vừa qua, đã khuyến nghị sai nhiều CP và NĐT nghe theo phải cắt lỗ.
Lấy tĩnh chế động?
Xem lại các bản phân tích của CTCK, mức đáy của VN Index được dự báo cứ thấp dần theo thời gian, cho thấy thị trường đang bị nhiễu quan điểm. Khi không chắc chắn về mức đáy, việc bắt đáy sẽ rất rủi ro. Còn có một thử thách với riêng những NĐT nắm giữ CP là khi thị trường xuất hiện những phiên giảm, nhìn tài sản mỗi ngày “bốc hơi” 5% thì không đành.
Thí dụ, tài sản 1 tỷ đồng, chỉ cần 1 ngày giảm sàn đã “bay” hết 50 triệu đồng. Từ đây, có thể khởi điểm cho những sai lầm như bán ngay đáy hoặc mua trung bình giá khi giá chưa giảm mạnh.
Quan trọng hơn là diễn biến của thị trường luôn là những phiên tăng, đi kèm theo một vài tin tốt, nhưng sau đó lại không thể kéo dài, khiến người ta lại đổ thừa tin tốt không gây được hiệu ứng. Khoảng 1 tháng qua, có ít nhất 2 lần thị trường tưởng như rơi về đáy, sau đó xuất hiện tin tốt và có phiên tăng mạnh, nhưng cuối cùng lại không thể duy trì.
Với diễn biến như vậy, ngay cả những NĐT đã chủ động đứng yên cũng rất dễ thay đổi quan điểm. Bởi lẽ thị trường giảm càng lâu, suy nghĩ rằng “giảm như vậy đủ rồi hoặc quá rồi” và kỳ vọng bật trở lại sẽ càng lớn hơn.
Nhìn vào thanh khoản cũng như biến động của VN Index những ngày qua, có thể chắc chắn một điều rằng thị trường đang rất yếu. Chỉ cần một lực bán ra tại một vài CP trụ cột như GAS, BVH, MSN... là VN Index có thể đảo chiều tăng thành giảm nhanh chóng, thị trường giảm, lực bắt đáy cũng yếu ớt.
Thanh khoản thấp hiện nay, nguyên nhân không phải do lượng hàng giá rẻ đã hết, thực tế rất nhiều CP tốt, mỗi ngày đều có một lượng lớn được bán ra với giá thấp hơn hôm trước và NĐT muốn gom hết sức dễ dàng.
Cần phải nói rõ lực bán ra trên thị trường hiện nay không mạnh, không phải lực bán tháo, nhưng lại có thể đẩy giá CP giảm rất dễ. Đó là do bên mua đã thực sự mệt mỏi nên bên bán tỏ ra đủng đỉnh, không sợ bị mất hàng.
Một số NĐT giàu kinh nghiệm cho biết, thời gian qua họ đã án binh bất động, không giải ngân, có người thậm chí còn bỏ sàn đi du lịch. Nhưng một số NĐT khác lại thích cảm giác hàng ngày vẫn bám trụ với sàn để giữ “độ nhạy” cho mình, dù có thua lỗ đôi chút nhưng nhờ vậy có thể chủ động hơn trong việc bắt đáy thị trường.
Quan điểm nào hợp lý hơn sẽ phụ thuộc vào nguồn vốn và cách đầu tư của mỗi người, nhưng một điều chắc chắn là nếu NĐT không giữ vững và liên tục thay đổi trong những lúc này, việc mua đắt bán rẻ rất dễ xảy ra. NĐT càng “động đậy”, lợi ích cho mình chưa chắc đã có, trong khi lại rất có lợi cho các CTCK (thu phí) và nhà cái (đánh lên, đánh xuống).