Thị trường chứng khoán: Cần tiền và quyết tâm cải cách

Thị trường chứng khoán: Cần tiền và quyết tâm cải cách

(ĐTCK-online) Một tâm lý u ám đang bao trùm TTCK, khi những mức cản tâm lý đang lần lượt bị bẻ gãy. Những gì mọi người lo sợ đã đến, các ngân hàng đang phải tiến hành giải chấp cổ phiếu cầm cố để giải quyết thanh khoản của mình. Tuy nhiên, như một câu nói thường gặp trên TTCK, đôi khi quá nhiều tin xấu chính là tin tốt. Khi tâm lý của NĐT đang bị đẩy đến chân tường thì những con đường giải quyết tình trạng hiện tại của thị trường lại rõ ràng hơn.

Ngắn hạn: cần tiền

Với thông tin có nhiều lệnh bán xuất phát từ phía các ngân hàng để giải quyết tình trạng thanh khoản hiện tại, dễ nhận thấy rằng, vấn đề của thị trường hiện nay là "thiếu tiền". NĐT không thể tiếp tục vay tiền để mua chứng khoán, không có tiền xoay xở, thấy giá rẻ cũng ngần ngại mua vào vì lo ngại rủi ro sẽ xảy ra với số vốn ít ỏi của mình. Ngân hàng thì cũng thiếu tiền do chính sách thắt chặt tiền tệ. Cuối quý II, đầu quý III, nhu cầu về vốn của ngân hàng có thể sẽ còn căng thẳng hơn để đáp ứng các nhu cầu thanh toán, đầu tư sản xuất cho những tháng cuối năm  của doanh nghiệp. Trong điều kiện đó, cộng với tình hình thị trường đi xuống, chắc chắn các ngân hàng buộc phải thanh lý số cổ phiếu đã nhận cầm cố.

Thế thì tìm đâu ra tiền trong điều kiện hiện tại? Chúng ta có mấy nguồn tiền trong nền kinh tế. Một là từ tích lũy của người dân. Trong điều kiện TTCK đi xuống và nhiều NĐT không bám trụ nổi với sàn chứng khoán, mấy ai dám bỏ tiền vào thị trường?

Nguồn thứ hai là từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cơ quan này có thể giảm thắt chặt tiền tệ và cung tiền cho hệ thống ngân hàng, giải quyết thanh khoản cục bộ của các ngân hàng, qua đó giảm áp lực giải chấp và có tiền cho vay, "thổi" lại quả bong bóng chứng khoán đang "xì hơi". Bài thuốc này được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sử dụng để giảm đà rơi của TTCK Mỹ trong mấy tháng trước, có thể xem là một bài “dĩ độc trị độc", dùng bong bóng mới chống giảm bong bóng cũ. Thế nhưng, làm như vậy thì trong điều kiện lạm phát cao sẽ là không phù hợp  và khó tìm sự đồng thuận trong nhân dân. Nếu NHNN đi đầu trong việc bơm tiền vào nền kinh tế như vậy thì trách nhiệm về việc lạm phát tăng cao trong mấy tháng tới (hoàn toàn có thể xảy ra) rất có thể đổ về cơ quan này. Vậy, NHNN có dám mạo hiểm không?

Nguồn tiền thứ ba là từ khối NĐT nước ngoài. Hiện nay, vẫn còn nhiều quỹ đầu tư nước ngoài chưa giải ngân hết số vốn đầu tư. Theo thông tin thị trường và báo chí gần đây, các cổ phiếu bị giải chấp là các cổ phiếu đầu tàu. Do đó, đây là những món hàng không quá tệ để NĐT nước ngoài mua vào. Trong điều kiện thị trường thiếu thanh khoản, thay vì các ngân hàng xếp hàng đặt lệnh bán, họ có thể sắp xếp bán thỏa thuận cho các quỹ đầu tư. Đây là việc chuyển đổi sở hữu cổ phiếu từ tổ chức không muốn và không có khả năng nắm giữ lâu dài sang NĐT dài hạn, tạo ra một thị trường lành mạnh hơn. Vấn đề đặt ra là phải nâng giới hạn sở hữu ở một số loại cổ phiếu và phải chấp nhận rủi ro cổ đông nước ngoài gia tăng tỷ lệ sở hữu và quyền quyết định trong doanh nghiệp. Đó là chưa kể rủi ro đảo ngược dòng vốn.

Như vậy, theo cách tiếp cận tìm nguồn tiền cứu thị trường trong ngắn hạn, các lựa chọn đều có hai mặt. Vấn đề là lựa chọn giải pháp nào ít tốn kém và thuận lòng NĐT, lòng dân và chính sách nhất. Có thể thấy, vấn đề dựa trên tấm đệm vốn của NĐT nước ngoài là  chấp nhận được. Thứ nhất, về chuyện đảo ngược dòng vốn, chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng sở hữu đi kèm công cụ kiểm soát vốn để lọc bớt dòng vốn ngắn hạn và duy trì dòng vốn dài hạn. Thứ hai, trong điều kiện nhiều báo cáo nước ngoài vẫn còn chưa bi quan về triển vọng kinh tế nước ta và vẫn có báo cáo nhận định chúng ta sẽ là "con hổ mới" sau đợt khó khăn này, chúng ta có thể mạo hiểm một lần với kỳ vọng rằng, các NĐT sẽ gắn bó lâu dài với thị trường. Còn chuyện tỷ lệ sở hữu và quyết định của cổ đông nước ngoài trong doanh nghiệp, âu đó là cái giá phải trả cho chuyện nhờ người ta cứu thị trường và thật ra cũng là chuyện sớm muộn phải đến của hội nhập. Vào WTO, mở room cho NĐT ngoại chỉ là vấn đề sớm muộn.

 

Dài hạn: cải cách và nâng tầm thị trường

Hiện nay, không khó nhận ra TTCK Việt Nam đang vướng mắc ở nhiều khâu, bao gồm từ thanh khoản, chất lượng hàng hóa trên thị trường, đến chất lượng điều hành công ty…

- Cải cách điều hành công ty: khi cơn sóng giảm giá này qua đi, NĐT nước ngoài lẫn trong nước sẽ không muốn quay lại một thị trường mà trong đó tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT có thể thoải mái ôm tiền đi chơi chứng khoán; rồi trong công ty cổ phần mà cổ đông lớn, cổ đông đại diện vốn nhà nước ngang nhiên làm phương hại lợi ích công ty vì lợi ích cục bộ của mình. Cải thiện vấn đề điều hành công ty phải được xem là trọng tâm của quá trình cải cách TTCK Việt Nam trong thời gian tới. Khi lợi ích của cổ đông, dù là lớn hay nhỏ được bảo vệ tốt, thị trường sẽ được đánh giá cao và sẽ thu hút nhiều thành phần tham gia hơn. Các tài liệu nghiên cứu của Mỹ, Tây Âu , Canada đều đã chỉ ra điều này.

- Nâng cao chất lượng hàng hóa và tính thanh khoản: hiện tính thanh khoản và chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng tầm của một "con hổ mới". Không phải ngẫu nhiên mà khi NĐT nước ngoài bình luận về thị trường, họ không kêu gọi sự cứu giúp từ phía Nhà nước, mà luôn kêu gọi phải đẩy mạnh cổ phần hóa, tăng cung hàng có chất lượng để phát triển thị trường. Nhiều người chỉ trích rằng, thị trường giảm mà còn tăng cung cổ phiếu thì thị trường đi về đâu? Nhưng một cái chợ mà hàng hóa tốt nhất không đi vào, thì cái chợ đó làm sao mà có người đến mua và mong gì mua bán đắt hàng. Mặt khác, khi nhiều cổ phiếu có chất lượng và có vốn hóa lớn niêm yết thì nó sẽ thu hút nhiều mối quan tâm của các tổ chức đầu tư và là đầu tàu kéo thị trường lên.

Nhưng Nhà nước cũng cần lưu ý, khi tiến hành IPO các doanh nghiệp có chất lượng thì cũng nên tính toán một mức giá cho hợp lý. Gần đây, có một bài viết trên Financial Times bình luận rằng, chúng ta muốn cổ phần hóa công ty quốc doanh mà lại muốn bán với giá quá cao thì ai mà dám mua? Cái này ví như là trung tâm thương mại mà bán toàn hàng cao cấp với giá trên trời thì cũng không ai dám đến mua. Giải quyết được bài toán hàng hóa thì cũng có thể giải quyết được bài toán thanh khoản, với điều kiện là điều chỉnh thỏa đáng mức độ cho phép thâm nhập của nước ngoài vào TTCK. Các nghiên cứu về cấu trúc vi mô của thị trường tài chính gần đây chỉ ra rằng, nếu tính thanh khoản, sản phẩm thị trường được nâng cao thì thị trường sẽ thu hút nhiều NĐT hơn và sẽ biểu hiện tốt hơn. Điều này cũng gợi ý cho chúng ta mở rộng các sản phẩm phòng ngừa rủi ro và đầu tư giá xuống cho thị trường. Ít nhất, nếu thị trường có những sản phẩm này thì thiết nghĩ, tâm lý NĐT không tới nỗi bức bối như bây giờ.

- Bàn lại chuyện kiểm soát vốn và nâng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài: nhiều ý kiến gần đây đồng nhất việc nâng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài với việc tự do hóa hoàn toàn tài khoản vốn. Tuy nhiên, không phải cứ cho phép nâng tỷ lệ sở hữu tối đa được phép của NĐT nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam là tự do hóa tài khoản vốn. Vấn đề là chúng ta vẫn còn đó nhiều giải pháp kiểm soát vốn âm thầm (như chuyện đưa vốn vào, rút vốn ra thì phải đổi tiền từ USD sang VND hay từ VND sang USD không dễ dàng, đó cũng là một cách kiểm soát vốn). Chúng ta cho phép thu hút thêm vốn nước ngoài vừa để bù đắp cho mức nhập siêu quá lớn, đồng thời tạo áp lực cải cách lên doanh nghiệp nhận vốn (khi có NĐT có tổ chức nước ngoài trong HĐQT, họ sẽ không dễ dàng để doanh nghiệp muốn đầu tư chứng khoán hay bất động sản tràn lan). Song song đó, việc nhận thêm vốn nước ngoài sẽ tạo áp lực buộc cơ quan quản lý phải có những biện pháp kiểm soát vốn bài bản hơn để tránh khủng hoảng. Nếu lý luận rằng, vốn nước ngoài vào thì dễ gây bất ổn thị trường và khủng hoảng nên không nên cho vào nhiều thì đây là tư duy kiểu "kẹt xe là do xe nhiều". Khơi dòng vốn vào nhiều mà không gây khủng hoảng mới là nghệ thuật của cơ quan quản lý.