Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà

Thị trường chứng khoán cần nhất là minh bạch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tương lai chỉ có một điều cần chú trọng, làm sao để thị trường xoay quanh hai chữ minh bạch. 

Nhận xét về hoạt động của thị trường chứng khoán 20 năm qua, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam đã không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Từ Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM cách đây 20 năm, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 2 Sở Giao dịch chứng khoán và một Trung tâm Lưu ký chứng khoán cùng nhau vận hành các hệ thống giao dịch, lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán một cách thông suốt, an toàn, góp phần thúc đẩy thanh khoản và hiệu quả của thị trường.

Trên thị trường hiện nay có 74 công ty chứng khoán và 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động, với quy mô vốn ngày càng lớn và chất lượng dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng, phát huy vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường cũng gia tăng nhanh, từ mức 3.000 tài khoản năm 2000 lên mức 2,5 triệu tài khoản hiện nay.

Trong đó, có khoảng 33.000 tài khoản của các tổ chức và cá nhân nước ngoài, với tổng giá trị chứng khoán nắm giữ tương đương gần 35 tỷ USD tính đến 30/6/2020.

Dù số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường sau 20 năm đã tăng cả nghìn lần so với những ngày đầu, nhưng so với dân số hơn 95 triệu người Việt Nam, tỷ lệ tham gia thị trường còn rất nhỏ (chưa tới 3%).

Bên cạnh đó, tâm lý “chơi chứng khoán”, “đánh chứng khoán” còn hiện hữu, ít có sự cải thiện trong thời gian qua. Chính điều này cũng tạo rào cản đối với hoạt động thu hút dòng vốn.

Đầu tư chứng khoán cần được nhìn nhận là một kênh đầu tư, tích lũy, tiết kiệm hiệu quả mới là yếu tố thiết yếu thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, tạo nên quá trình phát triển bền vững của thị trường.

Chia sẻ tại cuộc tọa đàm “Ký ức và Kỳ vọng - Kỷ niệm 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam” ngày 28/7 do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán Việt Nam tổ chức, ông Trần Tiến Dũng, nhà đầu tư tham gia thị trường những ngày đầu cho biết, ông luôn xem việc đầu tư chứng khoán là một nghề. Suy nghĩ này gặp nhiều ý kiến đối lập, bởi những người xung quanh chủ yếu coi đây là thú chơi.

“Tiền gửi tiết kiệm trong dân hiện rất lớn, trong khi thị trường chứng khoán mang lại hiệu quả tốt, nhưng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Tôi mong muốn thanh khoản thị trường sẽ tăng mạnh hơn nữa, mà yếu tố có vai trò quyết định chính là cải thiện tính minh bạch để tạo được niềm tin của nhà đầu tư, coi đây là một kênh tiết kiệm nghiêm túc, hiệu quả”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SSI, người đã đồng hành cùng thị trường từ những ngày đầu tiên trăn trở về yếu tố minh bạch: “Tương lai chỉ có một điều cần chú trọng, làm sao để thị trường xoay quanh hai chữ minh bạch. Nói chung chung thì khó, nhưng chú trọng là xác định đối tượng cần bảo vệ. Theo tôi, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân là đối tượng cần được bảo vệ nhất. Điều này không có nghĩa là dắt tay chỉ việc với nhà đầu tư, mà đưa ra những chuẩn công bố thông tin và có cơ chế giám sát, xử lý sát sao”.

Thị trường tồn tại và phát triển được hay không đều phụ thuộc vào nhà đầu tư. Hiện tại, thị trường Việt Nam đang kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài, nhưng yếu tố quan trọng nhất là việc thay đổi tư duy của nhà đầu tư trong nước, để người dân chuyển một phần tiền từ các tài khoản tiết kiệm sang tài khoản chứng khoán.

Đây mới là kênh quan trọng nhất để huy động vốn trên thị trường. Chỉ khi thu hút được dòng vốn này thì thị trường mới có thể thực sự phát triển bền vững.

Bên cạnh những thành quả, TTCK còn những tồn tại cần khắc phục, đặc biệt là tình trạng thiếu minh bạch trong việc công bố thông tin của không ít doanh nghiệp niêm yết khiến nhà đầu tư cá nhân là đối tượng chính chịu tổn thương.

Về phía nhà quản lý, ông Trần Văn Dũng khẳng định, UBCK sẽ phát triển TTCK cả về lượng và chất.

“Chứng khoán sẽ không chỉ là kênh đầu tư, mà còn là kênh tiết kiệm cho các nhà đầu tư. Chúng tôi coi sự phát triển nhà đầu tư cá nhân cũng quan trọng như nhà đầu tư tổ chức. Việt Nam có dân số gần trăm triệu người, số lượng tài khoản tiền gửi ngân hàng rất lớn, đây là cơ hội và mục tiêu lớn cho thị trường chứng khoán”, ông nói.         

Việc cần làm là thúc công ty chứng khoán lớn lên

Ông Lê Hải Trà, Phụ trách điều hành HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM

Thị trường chứng khoán cần nhất là minh bạch ảnh 1

Để TTCK tiếp tục lớn mạnh sau 20 năm đầu tiên, một trong những việc cần làm là thúc đẩy khối các tổ chức tài chính trung gian, cụ thể là các công ty chứng khoán (CTCK) lớn lên.

Số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho thấy, cuối năm 2005, TTCK Việt Nam mới có 32 công ty niêm yết, tổng vốn hóa 0,81% GDP thì đến năm 2006, vốn hóa TTCK tăng 20 lần, lên 14% GDP. 10 năm sau đó, vốn hóa thị trường tăng 10 lần về quy mô và 2 năm tiếp theo (2017-2018) vốn hóa TTCK tiếp tục tăng gấp đôi so với năm 2016.

Mức tăng trưởng vốn hóa trên xuất phát từ việc TTCK Việt Nam là thị trường non trẻ, khởi điểm với quy mô nhỏ bé. Đầu năm 2006, riêng việc VNM lên sàn, vốn hóa TTCK đã tăng gấp đôi. Đến năm 2008,  khi Ngân hàng TMCP Sacombank lên sàn, vốn hóa TTCK tăng 25%.

Bên cạnh việc tăng quy mô vốn hóa, từ năm 2006 đến nay, trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trên TTCK Việt Nam, tăng trưởng vốn chủ sở hữu của các CTCK cũng rất cao, trung bình đạt 41%/năm. Theo đó, về giá trị tuyệt đối, vốn chủ sở hữu của khối CTCK đã tăng hơn 77.000 tỷ đồng kể từ năm 2016, tức là tăng trung bình khoảng 5.500 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, so với hệ thống ngân hàng thương mại, họ niêm yết và huy động vốn sẽ thấy, các CTCK vẫn tăng trưởng chậm hơn và quy mô còn rất nhỏ. Khối ngân hàng thương mại đã tăng vốn chủ sở hữu gấp 6 lần khối CTCK.

Mỗi năm, bình quân các ngân hàng huy động được hơn 32.000 tỷ đồng cho vốn chủ sở hữu. Theo tôi, để xây dựng được hệ thống tài chính cân bằng, ngân hàng và thị trường vốn như chỉ đạo của Chính phủ, đòi hỏi khối CTCK phải lớn nhanh hơn.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc phải sàng lọc CTCK yếu, việc rất quan trọng với TTCK Việt Nam là phải tăng quy mô vốn với các CTCK, để các CTCK có đủ năng lực tài chính, cung cấp dịch vụ đầy đủ, toàn diện hơn cho nhà đầu tư.

Trong bối cảnh cạnh tranh với khối CTCK ngoại ngày càng lớn, nhiều CTCK sẽ rất khó khăn nếu không thể tăng vốn và không có ngân hàng đứng sau hỗ trợ.

Cần sớm có công ty định mức tín nhiệm, “khám” tổng quát chất lượng hàng hóa lên sàn

Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC

Thị trường chứng khoán cần nhất là minh bạch ảnh 2

Là một trong những cấu phần quan trọng đảm bảo cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển chuyên nghiệp, sôi động, minh bạch, nên cách đây 4 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2014/NĐ-CP quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, điều kiện hoạt động của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Tuy nền tảng pháp lý đã có nhưng tại Việt Nam, công ty định mức tín nhiệm đầu tiên đến nay chưa ra đời và đi vào hoạt động vì nhiều nguyên nhân.

Trong khi đó, TTCK Việt Nam sau 20 năm hoạt động đã có đủ các cấu phần thị trường và nhiều loại hàng hóa trên sàn niêm yết, phái sinh, UPCoM... Tuy nhiên, vắng công ty xếp hạng tín nhiệm là một khoảng trống. Theo tôi, để thị trường tiếp tục vững bước trong tương lai, rất cần sớm có công ty định mức tín nhiệm, làm chức năng “bác sĩ”, khám tổng quan đối với hàng hóa trước khi lên sàn.

Với SCIC, chúng tôi cũng đã có nghiên cứu, dự kiến phối hợp với một số tổ chức quốc tế uy tín thành lập công ty định mức tín nhiệm. Riêng khối lượng công việc xếp hạng tín nhiệm cho danh mục 1.000 doanh nghiệp SCIC thì cũng đủ khả năng phát triển ban đầu cho công ty định mức tín nhiệm này. 

Tin bài liên quan