Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, thị trường chứng khoán chất lượng cao, phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn. Hiện vốn hoá thị trường Việt Nam đã lớn, số lượng tài khoản nhà đầu tư gần 8 triệu, nhưng nếu nhìn về cơ cấu, lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức rất khiêm tốn. Đây là điểm chưa mạnh, chưa bền vững của thị trường Việt Nam.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính, UBCKNN đã nhận ra từ lâu và báo cáo Chính phủ một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường giai đoạn tới là phát triển nhà đầu tư tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Đức Chi |
Để phát triển, tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức, có rất nhiều điều phải làm và trước hết là làm thế nào thay đổi nhận thức từ phía nhà đầu tư, bởi các nhà đầu tư cá nhân ai cũng thích tự mình quản lý và đầu tư chứng khoán, và kết quả cũng đã cho thấy phương pháp này chưa hiệu quả khi nhiều nhà đầu tư đã trả giá thực tế thị trường. Do vậy phải thay đổi từ tâm lý nhà đầu tư, thay vì tự đầu tư thì có thể thông qua các nhà đầu tư tổ chức sẽ bền vững hơn nhiều.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính sẽ tạo điều kiện, mở ra hoạt động cho các dạng quỹ đầu tư. Chúng ta đã làm quỹ hưu trí tự nguyện, nhưng có mở rộng loại hình quỹ này hay chưa thì cần phải nghiên cứu thêm các quy định đã đủ rõ ràng để đảm bảo quỹ hoạt động hiệu quả, nghiêm túc. Tổ chức chuyên nghiệp quản lý quỹ phải thực hiện nghiêm túc quy định phát luật. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội. Bộ Tài chính được giao rà soát, đánh giá, báo cáo sửa đổi, bổ sung quy định về hưu trí tự nguyện. Chúng ta cần có quy định để khuyến khích, huy động được nguồn lực này. Đây là dư địa rất lớn.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói thêm: "Trên thực tế, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam cũng phải thu được lợi ích trên thị trường. Ngược lại, thị trường cũng thu được lợi ích khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia nên chúng ta rất muốn 2 lợi ích này gặp được nhau.
Trong điều hành, Bộ Tài chính đặt trọng tâm làm sao cởi bỏ những điều kiện chặt chẽ, để nhà đầu tư tổ chức tham gia thuận lợi hơn, để họ vào nhiều hơn trên thị trường chứng khoán. UBCKNN đã lấy ý kiến về việc nhà đầu tư nước ngoài không cần phải ký quỹ 100%. Đây là vấn đề quan trọng để hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán. Bộ Tài chính sẽ tạo điều kiện trong điều kiện có thể, đồng thời rà soát quy định liên quan tổ chức chuyên nghiệp quản lý tài sản, quỹ.
Giải pháp quản lý chính các quỹ này là gì, thực hiện nghiêm, giám sát việc nhà đầu gửi tiền cho tổ chức. Cơ quan quản lý chủ động nghiên cứu, thay đổi quy định liên quan, giám sát hoạt động này phù hợp và hiệu quả nhất trong điều kiện của Việt Nam hiện nay".
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup |
Chia sẻ về bức tranh nhà đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup cho rằng, trong cấu trúc sở hữu của thị trường cổ phiếu, tính theo giá trị cổ phiếu lưu hành, nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu 14% toàn bộ 3 sàn.
Trong nhóm nhà đầu tư tổ chức, có nhiều đối tượng, bao gồm (1) các quỹ đầu tư chủ động trong và ngoài nước có tổng giá trị tài sản quản lý 592 tỷ USD, phần lớn phân bổ vào trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ. Hiện quỹ nội địa gồm 110 quỹ nhưng tổng giá trị nắm giữ 74.000 tỷ đồng, vẫn quá nhỏ so với tiềm năng lớn. Các quỹ này chủ yếu ưa thích đầu tư cổ phiếu.
(2) Công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư nắm 906.000 tỷ đồng với tỷ lệ phân bổ nhỏ vào trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu.
(3) Nhóm NHTM đang phân bổ khoảng 1,2% tổng tài sản vào cổ phiếu và TPDN phi ngân hàng. Dư địa lớn nhưng không thể khuyến khích đầu tư nhiều vào tài sản rủi ro.
(4) Nhóm Công ty chứng khoán đang có quy mô danh mục tự doanh khoảng 235.000 tỷ đồng.
(5) Bảo hiểm xã hội Việt Nam và quỹ hưu trí tự nguyện. Hiện đã có 10 quỹ hưu trí tự nguyện được thành lập nhưng mới có 4 quỹ hưu trí tự nguyện đi vào hoạt động nên quy mô còn rất hạn chế trong khi BHXH Việt Nam chưa được phép đầu tư vào cổ phiếu và TPDN.
Từ phân tích trên, ông Thuân cho rằng, xu hướng phát triển các Quỹ còn rất lớn và còn nhiều dư địa phát triển, cần cơ chế khuyến khích phát triển nhà đầu tư tổ chức.
Ông Lê Thanh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) |
Đồng quan điểm về việc cần phát triển nhà đầu tư tổ chức trên thị trường và dư địa để mở rộng nhóm nhà đầu tư này còn rộng, tuy nhiên, ông Lê Thanh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho rằng, nhà đầu tư tổ chức trong hay ngoài nước tham gia mua bán cổ phần nhà nước không dễ. Trong khi đó, với những đợt thoái vốn lớn, nguồn vốn trong nước không đủ, phải thu hút nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Đơn cử, trong danh mục thoái vốn có FPT. Đây là bluechip nhưng bán không dễ vì hạn chế về room. Với khẩu vị nhà đầu tư trong nước, thì 6% tương đương hàng nghìn tỷ là rất khó. Về phía SCIC, với chiến lược phát triển đã được Thủ tướng phê duyệt, SCIC sẽ đẩy nhanh tiến trình thoái vốn 67 doanh nghiệp như Nhựa Tiền Phong, CTCP Dược domesco, Tập đoàn thép Việt Nam, Tập đoàn dệt may Việt Nam…