Kỳ vọng lợi nhuận quý III/2024 phần nào phản ánh vào thị giá các cổ phiếu giai đoạn vừa qua

Kỳ vọng lợi nhuận quý III/2024 phần nào phản ánh vào thị giá các cổ phiếu giai đoạn vừa qua

Thị trường chứng khoán: Bệ đỡ kết quả kinh doanh quý III

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Lợi nhuận quý III/2024 của nhiều nhóm doanh nghiệp niêm yết được dự báo tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ. Đây là bệ đỡ quan trọng cho thị trường chứng khoán giai đoạn này.

Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng

Thông tin được lãnh đạo Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (mã FRT) chia sẻ, quý vừa qua, lợi nhuận của Công ty tăng trưởng tốt nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện, giá bán các sản phẩm điện tử tiêu dùng cao hơn cùng kỳ. Chuỗi nhà thuốc Long Châu đóng góp tỷ trọng cao vào lợi nhuận của doanh nghiệp.

Cũng trong nhóm bán lẻ, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã MWG), được dự báo có thể ghi nhận mức tăng trưởng bằng lần trong quý III/2024 nhờ biên lợi nhuận từ chuỗi Thế giới di động và Điện Máy Xanh đã cải thiện đáng kể.

Quý III, dù chỉ số chứng khoán trong xu hướng đi ngang và thanh khoản bị thu hẹp, song phần lớn các công ty chứng khoán được dự báo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt. Tất nhiên, lợi nhuận của ngành này vẫn tập trung ở 5 doanh nghiệp Top đầu như TCBS, SSI, VCI, HCM, VNDIRECT…

Thông tin sớm từ Công ty Chứng khoán DSC cho biết, ước tính trong quý vừa qua, Công ty đạt doanh thu 142 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 86 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 13% và 76% so với cùng kỳ năm 2023.

Thêm một doanh nghiệp hé lộ số liệu quý III tích cực là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã HHV). Theo đó, trong quý này, doanh thu hợp nhất của Công ty ước đạt 773 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của HHV ước đạt 2.277 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 361 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 25% và 17% so với cùng kỳ.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự phóng, trong quý III/2024, lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt mức tăng trưởng 19,5% so với cùng kỳ. Trong danh sách 54 doanh nghiệp được MBS theo dõi, nhiều doanh nghiệp được dự phóng tăng trưởng lợi nhuận đột biến như MWG, DBC, PVS, KBC, BCM, GVR, NLG, NKG, DCM, NT2, PC1, VJC, HVN. Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp dự báo có lợi nhuận tăng trưởng âm trong quý này, điển hình như ACV, GEX, HSG, KDH, DXG, PDR, BSR, VIB, OCB.

Ngân hàng là nhóm được chuyên gia MBS kỳ vọng tiếp tục tăng lợi nhuận tích cực trong quý III. Trong đó, EIB dự kiến có thể đạt mức tăng trưởng 70% nhờ mức nền so sánh thấp; HDB và LPB dự phóng ghi nhận lợi nhuận tăng lần lượt 44% và 41% so với cùng kỳ. Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước nắm chi phối, CTG và BID được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt là 40% và 20% so với cùng kỳ.

Nhìn tổng quan bức tranh kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp niêm yết, ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kim Group cho rằng, nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng trong quý này. Tuy vậy, ngay trong nhóm này, có thể chia thành hai nhóm. Nhóm đầu tiên là các doanh nghiệp tăng trưởng do nền quý III năm ngoái thấp, tiêu biểu là ngành bán lẻ, với đại diện là DGW, MWG. Hay như nhóm phân bón, mà tiêu biểu là DCM, DPM dự kiến báo lãi quý III tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ do nền so sánh năm ngoái thấp, giá phân bón phục hồi thời gian qua và dự kiến tiếp tục đi lên trong quý IV/2024. Nhóm dệt may cũng có khả năng tiếp tục hồi phục so với nền thấp cùng kỳ năm trước; trong đó, các cổ phiếu tiêu biểu là TNG, TCM…

Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng trên mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái. Tiêu biểu là nhóm ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng tập trung cho vay doanh nghiệp sẽ có sự tăng trưởng mạnh như HDB, LPB, TCB… Nhóm bất động sản khu công nghiệp, với các cổ phiếu tiêu biểu như SIP, IDC…, theo MBS, sẽ có sự tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ.

Giá cổ phiếu sẽ đồng pha với tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp

Sau khi chạm mốc 1.300 điểm trong phiên giao dịch 1/10/2024, chỉ số VN-Index lùi dần và đóng cửa phiên cuối tuần qua (4/10/2024) ở mức 1.270,6 điểm, mất 7,5 điểm trong phiên và mất 20 điểm so với một tuần trước đó. Thực tế, sau thông tin Fed cắt giảm mạnh lãi suất, dự phóng lợi nhuận quý III/2024 tăng trưởng tích cực ở nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành là câu chuyện hỗ trợ cho tâm lý nhà đầu tư giai đoạn cuối tháng 9. Điều này giúp nhiều cổ phiếu hồi phục mạnh, trước khi điều chỉnh trong hai phiên cuối tuần qua (trước những biến số từ bên ngoài như căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông leo thang, giá vàng thế giới tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới…).

Nhìn lại diễn biến thị trường trong thời gian xa hơn, có thể thấy, thị giá nhiều cổ phiếu đã tăng khá mạnh so với hồi đầu năm 2023, giai đoạn thị trường bắt đầu hồi phục khi chính sách tiền tệ bắt đầu chuyển hướng sang pha nới lỏng. Thậm chí, thị giá nhiều cổ phiếu đã tăng gấp 2 - 3 lần so với mức giá đầu năm 2023, cho thấy mức tăng giá quá đà, “ứng trước” khá nhiều đà tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp thường có mối quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng của giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, song theo quan sát của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC, vẫn có một số trường hợp thị giá cổ phiếu không tăng trưởng đồng pha với lợi nhuận của doanh nghiệp: Giá cổ phiếu tăng mạnh trước khi báo cáo lợi nhuận công bố và khi tin ra, giá cổ phiếu có thể không tăng nhiều, thậm chí đi xuống. Điều này là do kỳ vọng của nhà đầu tư đã phản ánh sớm vào giá cổ phiếu. Chưa kể, trong một số giai đoạn, mặc dù doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận tăng trưởng nhưng thị giá cổ phiếu vẫn giảm hoặc đi ngang, do tâm lý chung của thị trường tiêu cực, xuất phát từ lo ngại về bất ổn kinh tế chung, hay triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai không rõ ràng, thiếu câu chuyện mới…

Ông Huy lưu ý, trong nhiều trường hợp, lợi nhuận doanh nghiệp và giá cổ phiếu có thể đồng pha, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Các yếu tố như tâm lý nhà đầu tư, kỳ vọng về tương lai và điều kiện thị trường đều có thể ảnh hưởng đến sự đồng bộ giữa hai yếu tố này.

Tuy vậy, theo CEO Kim Group Nguyễn Thành Trung, hiện tại, Việt Nam đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, kinh tế vĩ mô từng bước hồi phục để chuẩn bị bước vào giai đoạn tăng trưởng nên với những doanh nghiệp tiếp tục giữ vững đà hồi phục, giá cổ phiếu sẽ diễn biến đồng pha với tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Nhóm chứng khoán và ngân hàng có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận trong quý III/2024. Trong đó, nhóm ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng tích cực hơn, khi chi phí vốn giảm trong thời gian qua.

Nhóm bán lẻ và bất động sản khu công nghiệp có thể là nhóm tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất trong quý vừa qua do cùng kỳ năm ngoái, nhóm này có mức nền thấp và giá cho thuê khu công nghiệp đã tăng cùng với xu hướng tăng trưởng giải ngân vốn FDI.

Vận tải, năng lượng, hóa chất, công nghệ có thể nằm trong nhóm dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận trong quý III.

Về dài hạn, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp luôn ảnh hưởng tới tăng trưởng của giá cổ phiếu. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, mức tương quan giữa tăng trưởng kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu có thể không hoàn toàn theo tỷ lệ thuận, hoặc đôi lúc cũng không tương quan vì biến động giá cổ phiếu còn chịu tác động bởi nhiều sự kiện ảnh hưởng ngắn hạn lên tâm lý của nhà đầu tư.

Tin bài liên quan