“Không hoạt động”
Thực tế, thị trường chứng khoán Australia hiện tại đã bị thu hẹp hơn so với thời điểm khủng hoảng kinh tế. Trong giai đoạn từ năm 2007 tới nay, vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng trưởng lên hơn 9.000 tỷ USD, trong khi vốn hóa thị trường chứng khoán Australia hiện đang thấp hơn so với cuối năm 2007 và bị qua mặt bởi Hàn Quốc và Ấn Độ.
Không chỉ mất đi mối liên hệ với nền kinh tế, thị trường chứng khoán nước này còn đi ngược lại đà tăng trưởng của các quỹ lương hưu, vốn đang lựa chọn đầu tư ra nước ngoài, thay vì chọn các tài sản nội địa. Nguyên nhân đằng sau sự thu hẹp này, theo các chuyên gia kinh tế, là cấu trúc nền kinh tế tập trung quá lớn vào lĩnh vực bán lẻ và tài chính. Cùng với đó, khẩu vị ưa chuộng niêm yết tại thị trường quốc tế của doanh nghiệp, thay vì lên sàn tại quê nhà.
“Chức năng xã hội và kinh tế của thị trường chứng khoán là cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế Australia. Và với tình hình hiện tại, thị trường chứng khoán nước này đang không hoạt động”, Hasan Tevfik, chiến lược gia tại Credit Suisse Group AG cho biết.
Các quan chức thuộc Bộ Tài chính Australia, cũng như tại ASX Ltd, công ty điều hành sàn giao dịch, đã không trả lời yêu cầu bình luận về tình trạng trì trệ của thị trường chứng khoán nước này.
Ra nước ngoài
Một trong những vấn đề đáng lo ngại của Australia là các doanh nghiệp lớn, hoặc công ty khởi nghiệp đầy tiềm năng đều không lựa chọn quê nhà là nơi niêm yết. Mới đây nhất, Atlassian Corp, ngôi sao mới nổi tại lĩnh vực công nghệ của Australia, đã quyết định lựa chọn sàn Nasdaq (Mỹ) để tiến hành niêm yết.
Không riêng doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, quỹ lương hưu cũng lựa chọn đổ vốn vào thị trường nước ngoài. John Pearce, Giám đốc đầu tư tại UniSuper Management Pty, một trong những quỹ lương hưu lớn nhất Australia, hiện đang quản lý hơn 60 tỷ AUD cho biết: “Nếu chúng tôi kiếm được vài tỷ USD trong ngày mai, tất cả đều nhờ vào thị trường nước ngoài. Thực tế, đầu tư ra bên ngoài là câu trả lời duy nhất, bởi chúng tôi đã đạt tới những giới hạn tại Australia”.
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường chứng khoán Australia ngày nay không có gì khác biệt so với cách đây 10 năm, với các công ty khai thác tài nguyên và thể chế tài chính chiếm tới 54% chỉ số chứng khoán chính, gồm 200 thành viên, và không một lĩnh vực nào khác tiến tới thị phần 10%.
Chưa kể, một điểm khác biệt rõ ràng đối với thị trường chứng khoán Australia so với Mỹ, nơi có thị trường năng động, sầm uất bậc nhất, chính là thiếu đi những cái tên mới mẻ, thiếu nguồn động lực mới.
Cụ thể, top 5 doanh nghiệp chiếm trọng số lớn nhất chỉ số chứng khoán chính thị trường Australia năm 2007 và 2017 không có sự thay đổi nào, trong khi tại Mỹ, chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp trụ lại trong top 5 năm 2017 so với năm 2007. Sự xuất hiện của những doanh nghiệp mới được xem là lực hấp dẫn tích cực bậc nhất đối với thu hút nguồn vốn trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, dù là quốc gia nằm tại ngưỡng của của khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, mối liên kết giữa Australia và châu Á đang khá hạn chế. Mới đây nhất, báo cáo của Chris Bowen, Bộ trưởng Ngân khố của đảng đối lập cho thấy, 2/3 thành viên hội đồng quản trị của các công ty thuộc chỉ số S&P/ASX 200 chưa từng có kinh nghiệm tổ chức hoạt động tại châu Á, theo khảo sát gần đây của PricewaterhouseCoopers.
Không riêng thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu của Australia cũng cho thấy những hạn chế. Bất chấp những nỗ lực khuyến khích của chính phủ, thị trường trái phiếu Australia vẫn vắng bóng trái phiếu từ các công ty không thuộc lĩnh vực tài chính. Cụ thể, trái phiếu của các nhà băng thống trị thị trường, trong khi tại Canada, quốc gia thường được so sánh với Australia vì quy mô dân số tương đương, đất đai rộng lớn và nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên, trái phiếu của các công ty không thuộc lĩnh vực tài chính có sự hiện diện lớn hơn nhiều.