Thị trường chứng khoán 2023: Lạc quan thận trọng

Thị trường chứng khoán 2023: Lạc quan thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chuyên gia chứng khoán gặp nhau ở quan điểm, hành trình đầu tư trong năm 2023 không dễ dàng, song rủi ro tiếp tục giảm không cao.

P/E về vùng đáy lịch sử

Tại Talkshow do Báo Đầu tư tổ chức cuối năm 2022 với chủ đề “Tìm cơ hội 2023”, ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC) cho rằng, dự đoán diễn biến thị trường chứng khoán năm 2023 là việc rất khó, “song chắc chắn sẽ ổn định hơn 2022”. Một trong những yếu tố để dòng tiền quay trở lại thị trường là sự ổn định. Những yếu tố tiêu cực đã bộc lộ hết trong năm 2022, nên khả năng năm 2023 tính chất ổn định sẽ cao hơn.

Theo ông Trung, TCSC đã phân tích khoảng 100 doanh nghiệp lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 80 - 85% vốn hóa thị trường và nhận thấy khả năng tăng trưởng lợi nhuận của nhóm này đạt 10 - 15% trong năm 2023. Định giá P/E của VN-Index đang khoảng 10 - 11 lần, là mức thấp nhất lịch sử thị trường Việt Nam. Nhìn vào quá khứ, khả năng P/E tiếp tục giảm không cao.

“Từ những kịch bản đó, tôi cho rằng, khả năng thị trường năm 2023 tăng theo mức tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp là 10 - 15%. Nếu P/E tiếp tục cải thiện và sự ổn định của thị trường cao thì P/E thị trường sẽ được nâng lên mà không phải là 10 -11 lần nữa”, ông Trung nói.

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà sáng lập FinPeace, giai đoạn 5 tháng đầu năm, tức là cho đến sau kỳ đại hội cổ đông thường niên 2023, thị trường nói chung sẽ trong xu hướng đi ngang. Có thể một số doanh nghiệp sẽ “rớt đài”, vỡ đáy trong tháng 4, 5 do nhà đầu tư thất vọng về kết quả họp đại hội cổ đông. Ngược lại, sẽ có những doanh nghiệp rất được kỳ vọng vì đưa ra chiến lược mới, lấy được thị phần.

“Đó mới là điều tôi quan tâm, chứ không phải câu chuyện lợi nhuận quý I hay quý II có tăng trưởng hay không. Phải hiểu là nguồn gốc của tăng trưởng lợi nhuận đến từ việc có tăng trưởng được khách hàng, doanh thu hay không”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Chuyên gia khá lạc quan vào triển vọng thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm 2023 và tin rằng chỉ số VN-Index có thể quay lại 1.200 điểm - mốc rất quan trọng, trước khi dừng lại vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 do hiệu ứng dòng tiền “nghỉ ngơi” cuối năm.

Nhóm tài chính sẽ đi trước?

Năm 2023, thị trường chứng khoán có thể sẽ tạo đáy trong một chu kỳ mới. Theo ông Trung, nếu kịch bản này xảy ra, nhóm ngành liên quan đến tính chu kỳ cao, đặc biệt là nhóm tài chính sẽ đi trước. Điều này cũng được thể hiện vào năm 2008, 2011 khi thị trường khó khăn.

Dựa trên giả định này, ông Trung khuyến nghị một số nhóm cổ phiếu. Thứ nhất là ngân hàng, có khả năng sẽ đi trước thị trường. Bản chất, nhóm này đã đi ngang gần 2 năm qua, nên năm 2023 kỳ vọng sẽ là điểm sáng. Thứ hai là chứng khoán - ngành mang tính chất chu kỳ rất cao, thông thường sẽ đi trước và nhạy cảm với thị trường. Năm 2022, nhiều cổ phiếu trong nhóm chứng khoán đã giảm 60 - 70%. Định giá P/B những ngân hàng hay công ty chứng khoán hiện đã quanh mức 1 lần, thậm chí thấp hơn 1.

Tiếp theo là nhóm sản xuất, bán lẻ, bất động sản, kéo các nhóm vật liệu xây dựng, xây dựng đi sau. Sau khi các cổ phiếu chu kỳ, cổ phiếu về sản xuất, tiêu dùng tăng trưởng hết thì nhóm còn lại sẽ là phòng thủ. Nhóm này chỉ giảm khoảng 10% trong năm 2022 và đó sẽ là những nhóm ngành đi sau cùng.

Đi sâu hơn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, ông Trung cho rằng, nếu nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao có thể xem xét cổ phiếu STB. Đây là một trong những ngân hàng TCSC đánh giá khá tốt cho năm 2023. STB cũng mới đưa ra kế hoạch tăng trưởng 100% cho năm 2023. Nếu khả năng chịu đựng rủi ro thấp, nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu ACB, vì đây là ngân hàng tập trung vào bán lẻ nên mức độ an toàn tương đối khá cao.

Về nhóm chứng khoán, để thực hiện đầu tư, có 4 công ty Top đầu như SSI, HCM, VCI, VND - những công ty có thị phần cao và tập trung vào hoạt động môi giới. Những cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán có P/B quanh 1 lần, khá thấp. Từ tháng 3/2020, thị trường tạo đáy khi Covid xảy ra, ông Trung nhận thấy những cổ phiếu này đã tăng gấp 5 - 10 lần trong một chu kỳ từ tháng 4/2020 đến cuối năm 2021, nên đó là những cổ phiếu tăng rất mạnh trong chu kỳ mới.

Cuối cùng là những doanh nghiệp không nằm trong nhiều ngành, nhưng có dòng tiền ổn định và trả cổ tức cao. Nếu nhà đầu tư đầu tư vào doanh nghiệp đó thì tỷ suất cổ tức hàng năm tạo ra khá ổn định. Cổ phiếu ngành điện cũng khá hấp dẫn để nhà đầu tư có thể quan tâm, đặc biệt là nhà đầu tư ưa thích dòng tiền, sự ổn định, nhất là trong môi trường chưa chắc chắn năm 2023.

Ông Tuấn Anh cũng có quan điểm, nếu quan tâm đến VN-Index, nhà đầu tư phải quan tâm đến nhóm ngân hàng. Năm 2023, ngân hàng là nhóm chủ động điều tiết tăng trưởng trong tương lai, vì chủ động là một yếu tố rất quan trọng. Với sở thích thiên về nhóm ngân hàng bán lẻ, ông Tuấn Anh thông tin, độ rộng tại thị trường ngân hàng bán lẻ còn rất lớn. Tuy nhiên, khi lựa chọn ngân hàng bán lẻ, thì khoản đầu tư của ngân hàng đó sẽ rất lớn, nhưng đổi lại là sự ổn định rất cao.

“Khi nhìn nhận như vậy thì nhóm ngân hàng, hay ngân hàng bán lẻ hoàn toàn có thể giải ngân ngay trong giai đoạn đầu năm, kể cả khi thị trường đi xuống, do tính chất phòng thủ của ngân hàng bán lẻ”, ông Tuấn Anh khẳng định.

Ngoài nhóm ngân hàng, nhóm chứng khoán cũng có dư địa tăng trưởng rất lớn, do mới chỉ có khoảng 2 - 3% dân số có tài khoản chứng khoán. Nhà sáng lập FinPeace cũng rất quan tâm đến cổ phiếu điện, than. Các doanh nghiệp ngành than thường có mức cổ tức tiền mặt khá tốt. Nhóm cổ phiếu điện cũng xuất hiện ở danh mục phòng thủ.

“Trong 5 năm qua, có những doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt lớn hơn lãi suất tiết kiệm. Mua những cổ phiếu này, bạn được hai điều, một là cổ tức tiền mặt, hai là cơ hội tăng giá. Khi biến động giá tốt thì bạn bán, còn khi biến động giá xấu thì sẽ ăn cổ tức. Đấy là một thứ rất kỳ diệu”, ông Tuấn Anh nói.

Tin bài liên quan