Trận địa mới
Ông Thierry Stern, Chủ tịch thương hiệu đồng hồ xa xỉ Patek Philippe rất ấn tượng với giới nhà giàu tại Việt Nam. Ông nhìn thấy nhiều doanh nhân Việt Nam có thói quen sưu tập đồng hồ và sở hữu nhiều bất động sản cao cấp.
Đây là một trong những hãng đồng hồ cơ khí cao cấp nhất Thụy Sĩ và lâu đời nhất thế giới với 180 năm lịch sử. Mặc dù còn quá sớm để cho rằng, Việt Nam là thị trường “béo bở” của ngành hàng xa xỉ, nhưng đó là tín hiệu tốt để Patek Philippe mở cửa hàng đầu tiên của mình ở Việt Nam, với “cứ điểm” là Hà Nội.
“Chúng tôi mở cửa hàng tại những thị trường khi có đủ thông tin, phát triển từng bước một, chậm mà chắc. Nhiều khách hàng Việt phải mua đồng hồ Patek Philippe ở nước ngoài hoặc chợ đen, vì họ không có cơ hội tìm thấy đồng hồ của chúng tôi ở tại đây. Tôi nghĩ, thị trường Việt Nam đã sẵn sàng, nên quyết định mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội”, ông Thierry Stern cho biết.
Nhu cầu của người Việt đối với các mặt hàng xa xỉ, từ bất động sản siêu sang, xế hộp đến thực phẩm cũng đang dần tăng lên. Nắm bắt được xu hướng này, các thương hiệu hàng cao cấp đánh giá Việt Nam là quốc gia có tiềm năng, có nhu cầu và có đẳng cấp trong những nền kinh tế mới nổi.
Các hãng đã không ngần ngại ồ ạt đầu tư vào thị trường Việt Nam trong thời gian qua, bởi rất có thể, trong tương lai, bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam sẽ trở thành thị trường “cứu cánh” đối với hàng xa xỉ toàn cầu.
Theo Barclays Capital, thị trường Trung Quốc và các nước châu Á lân cận tiêu thụ gần 1/3 hàng hóa xa xỉ được bán ra trên thế giới, với mức tiêu thụ khoảng 7 tỷ USD/năm, chiếm 70 - 80% tăng trưởng của ngành công nghiệp này trên toàn cầu trong thời gian gần đây. Điều đó đồng nghĩa với việc, các nhà bán lẻ hàng xa xỉ của châu Âu đang có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào khách hàng Trung Quốc.
Những thương hiệu đã từng “nhạt nhòa” tại châu Âu đã được hồi sinh hoặc nâng tầm khi mở rộng thị trường sang khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Theo dự đoán từ Công ty nghiên cứu thị trường Bain và Altagamma, khách hàng Trung Quốc và khu vực châu Á lân cận sẽ chiếm 50% lượng người mua hàng xa xỉ của thế giới vào năm 2025. Tuy nhiên, sự tăng trưởng chậm chạp của Trung Quốc trong thời gian qua đã trực tiếp ảnh hưởng đến nhiều hãng thời trang xa xỉ.
Do vậy, người tiêu dùng Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ sự đổ bộ ào ạt của các thương hiệu hàng hóa và dịch vụ cao cấp thế giới vào thị trường trong những năm tới. Theo Bộ Công thương, trong năm 2018, riêng ngành kinh doanh hàng hiệu đã góp gần 15 tỷ USD vào tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam..
Cuộc đua của các nhà phân phối
Với chiến lược góp phần mang “tinh hoa thế giới” đến phục vụ thị trường Việt Nam, Tập đoàn IPPG rất tự tin trong việc tiếp tục chiến lược mở rộng đầu tư phát triển hoạt động kinh doanh cốt lõi - phân phối hàng hiệu.
Theo kết quả khảo sát thị trường gần đây của các đơn vị nghiên cứu quốc tế như Wealth-X, Knight Frank và Nielsen, mức chi tiêu dành cho thời trang của người Việt đang đứng thứ 3 trong rổ chi tiêu, chỉ sau chi tiêu dành cho thực phẩm và tiền tiết kiệm. Số lượng người siêu giàu của Việt Nam đang tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2012 - 2017.
Số liệu thống kê từ World Ultra Wealth Report của Wealth-X cũng cho thấy, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng người siêu giàu (các cá nhân có tài sản trên 30 triệu USD) giai đoạn 2012-2017, ở mức 12,7% mỗi năm, chỉ xếp sau Bangladesh (17,3%) và Trung Quốc (13,4%).
Theo bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, Tổng giám đốc IPPG, để bắt kịp với tốc độ phát triển phân khúc này tại Việt Nam, IPPG không ngừng tìm kiếm, mở rộng mối quan hệ đối tác chiến lược với các tập đoàn sở hữu thương hiệu và dịch vụ bán lẻ hàng đầu thế giới để cùng khai thác thị trường.
“Chúng tôi không đặt nặng việc mỗi năm phải đưa bao nhiêu thương hiệu xa xỉ vào Việt Nam, mà dành sự quan tâm đến vấn đề: các thương hiệu mà chúng tôi đang phân phối hiện nay có mức độ tăng trưởng và làm hài lòng ‘thượng đế’ như thế nào”, bà Tiên nói.
Ngoài ra, do mặt bằng bán lẻ cao cấp ở Việt Nam khan hiếm, nên IPPG phải dành khá nhiều thời gian để có được các dự án trung tâm thương mại cao cấp đúng chuẩn, phục vụ nhu cầu mở rộng thị trường của các thương hiệu.
Với thị phần lên tới 70%, IPPG là ông trùm “ôm” nhiều hàng hiệu nhất Việt Nam. Tiếp đó là những “tên tuổi” như ông Đoàn Viết Đại Từ - Chủ tịch Openasia Group, diễn viên Lý Nhã Kỳ và ông Đỗ Ngọc Minh, con rể “chúa đảo” Tuần Châu - doanh nhân Đào Hồng Tuyển.
Trong đó, Openasia Group thông qua thành viên là Công ty TNHH Quốc tế Tam Sơn đang quản lý gần 20 cửa hàng bán lẻ tại các vị trí trung tâm ở Hà Nội và TP.HCM, chuyên phân phối các thương hiệu như Hermes, Hugo Boss, Kenzo, Korloff, Chopard, B&O, Patek Philippe, Vacheron Constantin, Piaget, Chopard, Bottega Veneta, Saint Laurent…
Lý Nhã Kỳ phân phối hơn 20 thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới như Georges Hobeika, Alexis Mabille, Richard Nicoll, Jaonathan Saunders, Alberta Ferretti... Ông Đỗ Ngọc Minh với Công ty DX Fashion và LUALA (đơn vị quản lý của Milano) là nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam của các thương hiệu Dolce Gabbana, Roberto Cavalli, Dsquared2, Emilio Pucci, Rene Caovilla, Blumarine, Tod's.
Thời gian qua, trên thị trường phân phối hàng hiệu luôn diễn ra cuộc đua thầm lặng mà không kém phần quyết liệt giữa các tên tuổi này. Trong đó, cuộc chơi chủ yếu nằm trong tay 2 tên tuổi đẳng cấp là IPPG và Openasia Group.
Để buôn hàng hiệu, việc thuyết phục được các thương hiệu cao cấp nhất thế giới để làm nhà phân phối hay phân phối độc quyền tại Việt Nam là cửa ải lớn nhất mà các công ty này phải vượt qua. Các tiêu chí cơ bản nhất đối với nhà phân phối hàng hiệu là phải có tiềm lực tài chính dồi dào, kinh nghiệm làm ăn với các thương hiệu quốc tế, đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, khả năng tiếp cận với các mặt bằng đắc địa nhất. Đặc biệt, nhà phân phối phải cam kết về lộ trình doanh thu, lợi nhuận, mức độ quảng bá thương hiệu ở nước sở tại trong khoảng thời gian nhất định đối với nhà sản xuất hàng hiệu.
Ngoài ra, mức thuế nhập khẩu và tiêu dùng ở Việt Nam cũng là rào cản khiến hàng xa xỉ phải nỗ lực tìm đất sống.
Theo bà Thuỷ Tiên, đa số hàng hiệu mà IPPG phân phối có nguồn gốc xuất xứ từ châu Âu và Mỹ, nên phải chịu mức thuế nhập khẩu và tiêu dùng rất cao. Đây là thách thức rất lớn đối với đơn vị phân phối hàng hóa như IPPG trong chiến lược về cạnh tranh giá với các nước châu Á lân cận.
Đối mặt với thị trường “chợ đen”
Dù những mẫu trưng bày hàng xa xỉ ở Khách sạn REX (TP.HCM), Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) hay tại mặt tiền của những khách sạn 5 sao, đến những con phố đắt đỏ bậc nhất Việt Nam có đẹp mắt và lôi cuốn đến đâu, phần lớn khách hàng Việt Nam cũng ít bước chân đến. Người dân Việt Nam đang bắt đầu nở rộ trào lưu “săn” hàng hiệu giá rẻ từ những chuyến đi du lịch nước ngoài hoặc trên Internet.
Theo thống kê từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam, 5 năm gần đây, lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng trưởng liên tục, bình quân 20%/năm. Riêng trong năm 2018, có 10 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài và đã chi tiêu tới 8 tỷ USD. Nếu như trước đây, Trung Quốc và khu vực ASEAN được khách Việt lựa chọn, thì những năm gần đây, người Việt quan tâm đến một số thị trường mới như Bắc Mỹ, Tây Âu, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đối với những người không có điều kiện ra nước ngoài, họ có rất nhiều lựa chọn trên Internet. Ngoài những trang mua sắm chuyên hàng cao cấp, phần lớn người tiêu dùng lựa chọn nguồn hàng xách tay, thông qua mạng lưới bạn bè hoặc buôn bán online. Nhưng mua bán kiểu này thường bị lẫn lộn giữa hàng giả và hàng thật.
Dù vậy, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa và dịch vụ cao cấp khẳng định, thị trường hàng giả và hàng nhái không phải là đối thủ của họ, vì đối tượng khách hàng mà họ luôn hướng đến là những người tiêu dùng thông thái, những nhà sưu tập có kiến thức về lịch sử, nghệ thuật, hiểu về câu chuyện giá trị cốt lõi của thương hiệu, có gu thẩm mỹ đẳng cấp, yêu cái đẹp, trân trọng sự sáng tạo và kỹ thuật chế tác lâu đời của những nghệ nhân đẳng cấp thế giới.
Cùng với yếu tố thương hiệu, khách hàng còn lựa chọn dựa trên sự uy tín và cách thức kinh doanh chuyên nghiệp của nhà phân phối đã được thương hiệu “chọn mặt gửi vàng” trong việc chăm sóc hậu mãi để ra quyết định mua hoặc trung thành với nhãn hiệu.
Ngoài đầu tư mở rộng các cửa hàng offline để mang đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm đẳng cấp, lý thú, thì thương mại điện tử (E-commerce) hiện là xu hướng của thị trường bán lẻ cho nhiều khách hàng sành công nghệ và các nhà phân phối như IPPG, Openasia Group cũng không ngoại lệ.
“Chúng tôi đã và đang hoàn tất hoạch định chiến lược kinh doanh dài hạn của cả Tập đoàn, chuẩn bị kế hoạch hành động chi tiết để tham gia kênh bán hàng này trong tương lai không xa”, bà Thủy Tiên nói.