Yếu tố cơ bản: Chờ tin tức từ Fed
Tuần qua, các chỉ số chứng khoán có diễn biến tích cực so với mặt bằng chung của các thị trường chứng khoán quốc tế, thậm chí VN-Index còn có diễn biến tốt hơn cả S&P 500 của thị trường Mỹ. Ðiều này phản ánh sức đề kháng của thị trường Việt Nam vẫn rất tốt. Chỉ có những tài sản an toàn như trái phiếu hay vàng là có sức mạnh giá tốt hơn VN-Index.
Hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang trong trạng thái tiến thoái lưỡng nan khi có quá nhiều yếu tố chi phối quyết định chính sách tiền tệ. Trong khi đó, giới đầu tư toàn cầu đang đồng thuận dự báo Fed sẽ có thêm một lần giảm lãi suất vào cuộc họp ngày 18/9 tới, xác suất giảm lãi suất là gần 90%. Vì thế, nếu những phát biểu của Fed không làm hài lòng giới đầu tư, thì triển vọng các thị trường chứng khoán có thể xoay chuyển sang trạng thái kém khả quan.
VN-Index đang thuộc nhóm thu hút dòng tiền.
Yếu tố kỹ thuật: Gặp khó tại kháng cự Tâm lý thận trọng
Thị trường vừa có một tuần giao dịch khá khởi sắc, xu hướng chung là tăng, nhưng càng về cuối tuần thì sự rung lắc diễn ra càng lớn. Kết thúc tuần, VN30 duy trì được trên ngưỡng 900 điểm.
Ðộ lệch (basis) giữa giá phái sinh và chỉ số cơ sở liên tục được kéo giãn trong suốt tuần qua, có những thời điểm basis được kéo ra tận 15 - 16 điểm, điều này phản ánh tâm lý thận trọng của dòng tiền đầu cơ.
Giá hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng có ngưỡng hỗ trợ tại 872 điểm.
Dòng tiền không khoẻ
Xét ở góc độ thị trường chung, lực cầu vẫn chưa thực sự khoẻ ở thời điểm hiện tại, mặc dù thị trường tăng. Ðiều này cũng dễ hiểu, vì thị trường tăng chủ yếu là nhờ các mã trụ, các mã trong VN30. Các mã vốn hoá nhỏ không nhận được nhiều sự quan tâm, do đó, xét ở góc độ tổng thể, bên mua vẫn chưa phải thắng thế. Tuy nhiên, chỉ cần các mã cổ phiếu trụ giữ được nhịp, trạng thái thị trường chung sẽ duy trì sự tích cực, bất chấp việc tăng với độ rộng thị trường kém.
Ðà lan tỏa trong xu hướng tăng
Ðà lan tỏa diễn biến tích cực hơn do sự vận động tốt của các cổ phiếu vốn hóa lớn, đường trung bình 10 phiên (MA10) của đà lan tỏa đang tạo đáy đi lên. Có dư địa để đà lan tỏa tiếp tục lên cao hơn khi hiện tại vẫn còn các cổ phiếu lớn chưa được lan toả tới. Như đã nói, đây là yếu tố chính giúp thị trường tích cực ở thời điểm hiện tại.
Sự đồng thuận chưa cao
Dòng tiền lan tỏa tính riêng trên VN30 có sự cải thiện so với toàn bộ thị trường. Nhóm bất động sản và ngân hàng thay phiên nhau dẫn dắt thị trường, vấn đề là sự lan tỏa này chưa có được sự đồng thuận về mặt thời điểm. Nhóm thực phẩm đồ uống vẫn là nhóm yếu nhất, tuy nhiên, những dấu hiệu tạo đáy đã được xác nhận ở nhiều cổ phiếu giảm mạnh trước đó như VNM, MSN, BHN…
Bất động sản và ngân hàng dự kiến tiếp tục là tâm điểm của sự chú ý trong tuần giao dịch mới, nếu có sự bùng nổ của 2 nhóm này thì khả năng cao là thị trường sẽ bứt phá. Ở một góc nhìn khác, với sự vận động tốt của các trụ thì khả năng giảm sâu của thị trường là khó xảy ra.
Chiến lược giao dịch: “Ưu tiên canh mua”
Diễn biến các chỉ số có dấu hiệu tăng rướn khi tiếp cận vùng kháng cự, sự chững lại là điều bình thường trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang mong chờ thông tin từ Fed, những phát biểu của Chủ tịch Fed sẽ mang tính định hướng cho thị trường chứng khoàn toàn cầu. Ðối chiếu với những góc nhìn về mặt dòng tiền hay sự lan tỏa của các cổ phiếu vốn hóa lớn thì tâm lý nhà đầu tư sẽ ít nhạy cảm hơn với những thông tin xấu, ít nhất là giá chứng khoán phái sinh đã chiết khấu trước rất sâu so với chỉ số cơ sở.
Trong bối cảnh thị trường cơ sở đang ở trạng thái tốt và chỉ số phái sinh cũng chiết khấu sâu so với chỉ số cơ sở thì chiến lược mua (Long) nên tiếp tục được ưu tiên trong tuần giao dịch mới. Những nhịp điều chỉnh từ khu vực 872 điểm trở lên nhiều khả năng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chiến lược mua. Trong bối cảnh tích cực hơn, thị trường phản ứng tốt với những thông tin thì chiến lược mua đuổi khi giá bứt qua ngưỡng kháng cự 890 điểm cũng nên được cân nhắc. Ngược lại, chiến lược bán (Short) chỉ nên được ưu tiên nếu ngưỡng hỗ trợ 872 điểm không còn được duy trì.