Nỗ lực bật lên bất thành trong nhịp hồi đầu phiên sáng đã khiến thị trường quay đầu. Áp lực bán dần gia tăng đẩy hàng trăm mã mất điểm và dù lực bán tháo không xảy ra nhưng VN-Index tạm dừng phiên sáng 18/9 giảm gần 13 điểm về vùng giá thấp nhất và không có gì hứa hẹn rằng chỉ số này có thể giữ nổi vùng hỗ trợ 1.21x như các công ty chứng khoán nhận định.
Bước sang phiên chiều, dự báo vẫn khá đúng khi thị trường duy trì trạng thái đi ngang trong phần lớn thời gian giao dịch. Nhưng sau hơn 1 giờ cố gắng “cầm cự”, lực bán gia tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu bluechip khiến các cổ phiếu lùi sâu hơn, chỉ số VN-Index dễ dàng xuyên thủng vùng giá hỗ trợ và tiếp tục cắm đầu đi xuống.
Những tưởng đà bán tháo sẽ xuất hiện và kháng cự mạnh 1.200 điểm có thể bị đe dọa, thì lực cầu bất ngờ được kích hoạt trong gần 30 phút cuối phiên, đã giúp thị trường bật hồi. Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng tiền bắt đáy còn khá hạn chế và lực bán vẫn luôn chực chờ, nên VN-Index chỉ hồi phục được chút ít và đóng cửa vẫn không thể tránh khỏi phiên giảm sâu.
Bên cạnh các nhóm cổ phiếu ngược dòng thị trường trong phiên sáng nhờ những đánh giá và phân tích triển vọng ngành khả quan như dệt may, thủy sản; trong phiên chiều nay, thị trường đã chứng kiến màn đảo chiều của một trong những nhóm quan trọng, giúp nhà đầu tư có chút tia hy vọng rằng thị trường sẽ sớm tìm lại được điểm cân bằng, đó là nhóm cổ phiếu chứng khoán.
Nếu trong phiên sáng, chứng khoán là một trong số những nhóm giảm khá mạnh của thị trường, thì trong phiên chiều, nhiều mã trong ngành đã đảo chiều khởi sắc trở lại. Trong đó, điểm nhấn là VND đóng cửa tăng 2,3% lên mức 24.550 đồng/CP; SSI hồi nhẹ với mức tăng 0,6%, với thanh khoản đều thuộc top 5 cổ phiếu dẫn đầu thị trường, lần lượt đạt hơn 29 triệu đơn vị và gần 25,5 triệu đơn vị.
Một số cổ phiếu khác trong ngành ngược dòng thị trường chung thành công là VIG đóng cửa tăng 2,94%; FTS tăng 1,26%, HCM, BSI và CTS cùng tăng gần 0,5%, AGR tăng 0,8%; VCI lấy lại mốc tham chiếu. Trong khi đó, cổ phiếu VIX có thời điểm lấy lại mốc tham chiếu nhưng đóng cửa vẫn giảm 2,8%, tuy nhiên thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt 30,84 triệu đơn vị.
Chốt phiên, sàn HOSE có 122 mã tăng và 399 mã giảm, VN-Index giảm 15,55 điểm (-1,27%) xuống 1.211,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 845 triệu đơn vị, giá trị 19.768,77 tỷ đồng, giảm 7,89% về khối lượng và 8,81% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 15/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 82,89 triệu đơn vị, giá trị 2.289,76 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn là nhân tố gây sức ép chính cho thị trường khi chỉ còn SSI và STB xanh nhạt, cùng HPG đứng giá tham chiếu; trong khi có tới 27 mã mất điểm. Đáng kể nhất là VHM đã lấy đi gần 1,7 điểm của chỉ số chung, đóng cửa giảm 3,1% về mức giá thấp trong ngày 48.950 đồng/CP.
Ngoài ra, cặp đôi lớn nhóm ngân hàng là VCB và BID đều lấy đi 1,3-1,4 điểm của chỉ số chung, đóng cửa đều giảm khá mạnh hơn 1-2%.
Xét về nhóm ngành, như đã nói ở trên, nhóm dệt may và thủy sản vẫn là những nhóm ngược dòng khởi sắc. Đáng chú ý là nhóm thủy sản với đà tăng tốc của mã đầu ngành VHC khi đóng cửa tăng 4,9% lên mức giá cao nhất trong ngày 81.000 đồng/CP; còn lại IDI và ANV cùng tăng 2,2%; AAM, ACL, DAT, FMC và CMX đều tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Ở nhóm dệt may, cổ phiếu MSH đảo chiều hồi phục với mức tăng 1%, đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày 45.000 đồng/CP; GMC tăng 2,2%; GIL tăng 0,9%; EVE tăng 2,5%...
Trái lại, nhóm bất động sản tiếp tục thuộc top giảm sâu của thị trường. Bên cạnh các mã lớn trong top VN30, nhiều mã khác trên thị trường cũng nới rộng đà giảm như NVL giảm gần 4%, CII, VCG, HDC, LCG, VRE… đều giảm hơn 2%. Trong đó, NVL vẫn là mã sôi động nhất ngành và thuộc top 5 cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường, đạt hơn 28,32 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, vẫn có một vài điểm sáng của ngành đã ngược dòng thành công, điển hình là DXG kết phiên tăng 1,6% với thanh khoản sôi động, đạt 20,64 triệu đơn vị; TCH tăng 2,3% và HHV tăng 1,1% với thanh khoản đều đạt 12,5 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giảm khá mạnh, trong đó EIB giảm mạnh nhất khi để mất 6,5% về sát mức giá sàn; tiếp theo là BID, CTG, HDB, LPB, MSB, VIB, TCB đều giảm hơn 2%... Ngoại trừ duy nhất STB ngược dòng thành công nhưng đóng cửa cũng chỉ tăng nhẹ 0,31%.
Trên sàn HNX, thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ nhưng đã thu hẹp chút ít đà giảm về cuối phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 53 mã tăng và 132 mã giảm, HNX-Index giảm 2,28 điểm (-0,9%) xuống 250,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 78,25 triệu đơn vị, giá trị 1.616,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 16,57 triệu đơn vị, giá trị 352,3 tỷ đồng, đáng kể có HTP thỏa thuận 4,48 triệu đơn vị, giá trị 116,58 tỷ đồng và NVB thỏa thuận 10,12 triệu đơn vị, giá trị 140,48 tỷ đồng.
Cổ phiếu chứng khoán SHS hồi phục khá tốt ngay khi mở cửa phiên chiều, tuy nhiên áp lực bán nhanh chóng quay lại đã khiến mã này đóng cửa trong sắc đỏ. Kết phiên, SHS giảm nhẹ 0,5% xuống mức 19.500 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn vượt trội trên thị trường với hơn 18,86 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong khi đó, một số mã chứng khoán khác đã đảo chiều hồi phục như MBS tăng nhẹ 0,4%, VIG tăng 2,9%, BVS lấy lại cân bằng và đóng cửa tại mốc tham chiếu.
Các cổ phiếu giao dịch sôi động khác của thị trường như CEO, PVS, HUT vẫn đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm đều trên 2%, thanh khoản tương ứng đạt 6,89 triệu đơn vị, gần 6,2 triệu đơn vị và hơn 3,64 triệu đơn vị.
Tâm điểm đáng chú ý vẫn là cổ phiếu CMS khi kéo dài chuỗi tăng tốc về giá và thanh khoản sôi động. Đóng cửa, CMS tăng 7,87% lên mức 28.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 1,4 triệu đơn vị. Như vậy, chỉ tính trong khoảng 1 tháng qua, giá cổ phiếu CMS đã tăng tới gần 150%.
Trên UPCOM, mặc dù có chút sắc xanh le lói khi mở cửa phiên chiều, nhưng áp lực bán trên diện rộng đã khiến thị trường giật lùi.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,59 điểm (-0,63%) xuống 93,17 điểm với 124 mã tăng và 143 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 44 triệu đơn vị, giá trị 733,56 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,38 triệu đơn vị, giá trị 84,37 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn sôi động nhất thị trường với 8,87 triệu đơn vị giao dịch thành công, đóng cửa tiếp tục nới rộng biên độ khi giảm 2,2% xuống mức 21.800 đồng/CP. Cổ phiếu dầu khí khác là OIL đóng cửa giảm 1,7% xuống 11.400 đồng/CP và khớp 2,77 triệu đơn vị.
Các mã khác trong top 5 giao dịch sôi động là SBS, C4G, AAS đóng cửa giảm trên dưới 1% với khối lượng giao dịch đạt hơn 1-3 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu QNS tiếp tục có thêm phiên khởi sắc khi đóng cửa tăng 2,2% lên mức 51.200 đồng/CP và thanh khoản sôi động với 1,78 triệu đơn vị giao dịch thành công.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm. Trong đó, VN30F2309 giảm 18,5 điểm, tương đương -1,5% xuống 1.222 điểm, khớp lệnh 256.215 đơn vị vị, khối lượng mở hơn 39.130 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, hầu hết đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó CMWG2307 có thanh khoản tốt nhất, đạt 3,29 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 16,7% xuống mức 300 đồng/cq.