Mua cổ phiếu trước Tết thường hiệu quả hơn là mua sau

Mua cổ phiếu trước Tết thường hiệu quả hơn là mua sau

Thị trường cận Tết, nhìn từ lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 24 năm đi vào vận hành và trải qua 23 kỳ Tết Nguyên đán. Theo thống kê, có 17 lần VN-Index tăng trong 5 ngày trước Tết và 13 lần chỉ số tăng trong 5 ngày đầu Xuân.

Dữ liệu thống kê tích cực

Trong 23 mùa Tết Nguyên đán, có 6 lần VN-Index ghi nhận mức giảm trong 5 phiên giao dịch trước kỳ nghỉ Tết, 17 lần chỉ số có mức tăng tốt trong 5 phiên trước Tết, thậm chí năm 2008 đạt mức tăng 10,8%. Năm 2023 vừa qua, VN-Index tăng 4,5% trong 5 phiên trước Tết.

Xét tuần đầu Xuân, VN-Index có chuỗi 5 năm liên tiếp (2015 - 2019) tăng điểm. Chuỗi tăng ấn tượng này gián đoạn vào năm 2020 với thông tin về dịch Covid-19. Sang năm 2021, trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư trở nên kém hấp dẫn do ảnh hưởng của đại dịch, cùng với đó là sự bùng nổ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giúp thị trường chứng khoán tăng mạnh. Riêng 5 phiên đầu Xuân 2021, VN-Index tăng 5,6%. Năm 2023, trước một số thông tin “bắt bớ” và tình hình kinh tế khó khăn, thị trường có tuần giao dịch đầu tiên sau Tết sụt giảm.

Nếu chỉ tính riêng phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Âm lịch, VN-Index có 15 phiên tăng và 8 phiên giảm. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi thông tin dịch Covid-19 nên VN-Index có mức giảm mạnh nhất là 3,2% ngay ở phiên giao dịch đầu Xuân. Giai đoạn 2021 - 2023, chỉ số có sự khởi sắc trong phiên đầu tiên.

Nhìn vào số liệu, chúng ta có thể rút ra một điểm đáng chú ý đối với quan niệm của nhiều nhà đầu tư là “mua cổ phiếu trước Tết để tận dụng đà tăng vài phiên sau Tết”. Thống kê cho thấy, sau Tết 5 phiên, mức tăng trung bình 0,97% không quá hấp dẫn.

Nhìn lại số liệu các năm qua, đối với nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trung và dài hạn thì thời điểm hấp dẫn nhất để đầu tư vào thị trường chính là tháng 2 và tháng 3.

Giai đoạn 2000 - 2021, VN-Index có 14 năm tăng điểm trong tháng 2 và 15 lần tăng điểm trong tháng 3.

Tương tự, thống kê HNX-Index từ năm 2006 đến 2021, chỉ số này có 12 năm tăng điểm trong tháng 2 - cao nhất trong các tháng và 9 năm tăng điểm trong tháng 3.

Theo đó, những nhà đầu tư có thời gian nắm giữ cổ phiếu tính bằng tháng có thể tập trung tìm kiếm lợi nhuận từ chứng khoán vào tháng 2 và tháng 3.

Dòng tiền có dấu hiệu khả quan

Dòng tiền vẫn tích cực, dần lan tỏa sang nhiều nhóm mới, tạo động lực kéo thị trường tiến xa hơn.

Về triển vọng thị trường, VN-Index đang có những tính chất giống với giai đoạn tháng 5 - 6/2023, khi vượt qua được vùng đi ngang tích lũy thì chỉ số bắt đầu bứt phá. Đáng chú ý, dòng tiền kéo nhóm ngân hàng, đồng thuận mở “sóng” trong thị trường.

Nhìn lại con “sóng” chứng khoán thời kỳ tiền rẻ giai đoạn dịch Covid-19, vào tháng 9/2020, khi nhóm ngân hàng bắt đầu thu hút dòng tiền và dẫn dắt thị trường, thì VN-Index vượt qua ngưỡng 900 điểm và bắt đầu sóng tăng kéo dài, đạt trên 1.500 điểm vào quý I/2022.

Nhà đầu tư cũng cần lưu ý sự tương quan của thị trường chứng khoán và kinh tế vĩ mô. Một là, chỉ số chứng khoán chạm đáy trước khi kinh tế chạm đáy suy thoái. Hai là, khi kinh tế bắt đầu hồi phục thì thị trường chứng khoán bước vào xu hướng tăng.

Quay trở lại vấn đề dòng tiền, nhóm ngân hàng vẫn hấp dẫn, dòng tiền chưa có dấu hiệu thoát ra, dù các mã thu hút dòng tiền lớn trước đó như BID, CTG, MBB, ACB gần đây chững lại hoặc giảm nhẹ, có thể gọi là nhịp nghỉ, chững lại đà tăng, chứ không phải quay đầu chuyển sang xu hướng giảm.

Dòng tiền tuần trước đã cho thấy dấu hiệu bắt đầu lan tỏa sang nhóm vốn hóa trung bình nói chung, nhóm thép, chứng khoán, bất động sản nói riêng (3 nhóm này tăng giá sau khi lùi về nền hỗ trợ).

Nhìn chung, dòng tiền lớn ở nhóm ngân hàng chưa thoát ra, cổ phiếu ở nhóm vốn hóa trung bình tuy giảm nhưng không “gãy” nền, nên thị trường chưa xuất hiện rủi ro cao. Dòng tiền vẫn tích cực, dần lan tỏa sang nhiều nhóm mới, tạo động lực kéo thị trường tiến xa hơn.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index thể hiện chỉ số đã bước vào sóng tăng trung hạn khi vượt qua ngưỡng 1.130 điểm. Chỉ số nếu điều chỉnh trong xu hướng tăng cũng là một phần của cuộc chơi. Mất ngưỡng 1.130 điểm mới là điều đáng quan ngại, bởi về kỹ thuật thì thị trường đánh mất xu hướng tăng. Hiện tại, dòng tiền đang có dấu hiệu lan tỏa nên thị trường có thể sẽ sớm chinh phục mốc 1.200 điểm.

Vậy nhà đầu tư có nên mua cổ phiếu ngân hàng khi nhóm này đang được kỳ vọng sẽ dẫn sóng? Thực tế, thời gian qua, thị trường duy trì sắc xanh, nhưng nhiều nhà đầu tư không có cổ phiếu ngân hàng thì danh mục vẫn không có lãi, khiến họ “sốt ruột”, thậm chí lo lắng.

Dù vậy, nếu nhìn trung và dài hạn thì điều quan trọng là thị trường đang ở trong xu hướng tăng, thanh khoản được cải thiện. Dòng tiền ở nhóm ngân hàng có thể sẽ sớm lan tỏa ra các nhóm khác, dù nhóm này dẫn sóng. Với kịch bản đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cao nhóm ngân hàng, canh nhịp nghỉ, điều chỉnh để tích lũy thêm hoặc mua mới. Tất nhiên, danh mục nên chia ra 3 - 4 ngành để tránh rủi ro “bỏ trứng vào một giỏ”.

Tin bài liên quan