Thị trường bông đang đối mặt với nguy cơ tăng giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những người theo dõi thị trường đang chuẩn bị cho nguy cơ giá bông tăng mạnh do lũ lụt ở Pakistan năm ngoái và lo ngại về các rào cản thương mại ở Ấn Độ, kết hợp với triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện có thể thúc đẩy nhu cầu quần áo.
Thị trường bông đang đối mặt với nguy cơ tăng giá

Hợp đồng tương lai giá bông đã tăng cao trong tháng này, tiếp tục xu hướng tăng kể từ tháng 11. Giá đóng cửa ngày thứ Sáu là 86,7 cent/pound tại New York, tăng 4% so với cuối năm 2022.

Một đại diện của công ty kinh doanh hàng hoá cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa dài hạn trong trường hợp giá tăng”.

Một trong những mối quan tâm lớn nhất là sản lượng bông ở Pakistan, quốc gia sản xuất bông lớn thứ 5 thế giới với 5% thị phần tính tới ngày 31/7/202. Tuy nhiên, lũ lụt lan rộng trong mùa Hè đã tàn phá mùa màng bông và những đợt nắng nóng không giúp được gì.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã cắt giảm ước tính sản lượng hàng năm của Pakistan trong 4 tháng liên tiếp cho đến tháng 12. Cơ quan này dự kiến ​​sản lượng sẽ giảm 38% cho năm kế tiếp từ tháng 8/2022 đến tháng 7/2023, xuống còn 3,7 triệu kiện - mức thấp nhất trong 40 năm. Một số nhà phân tích nói rằng, sự phục hồi có thể mất nhiều năm.

Tại nước láng giềng Ấn Độ đứng thứ hai với 21% thị phần, chính sách thương mại là mối quan tâm chính. Nước này đã áp đặt các hạn chế vào năm ngoái đối với xuất khẩu lúa mì, đường và các sản phẩm nông nghiệp khác để đảm bảo nguồn cung trong nước và giữ giá ổn định. Mặc dù bông không được đưa vào các biện pháp này, nhưng một số nhà quan sát thị trường cho biết, một động thái như vậy có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, các quốc gia khác dường như không thể lấp đầy khoảng trống. Thời tiết cũng là một vấn đề ở Mỹ, quốc gia chiếm 15% sản lượng bông toàn cầu. Texas đã phải đối phó với hạn hán từ mùa Xuân năm ngoái. USDA ước tính rằng, sản lượng bông trên toàn quốc sẽ giảm 16% xuống còn 14,68 triệu kiện.

Mặt khác, với dữ liệu cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt ở châu Âu và Mỹ, các thị trường kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ tránh được suy thoái nghiêm trọng, có khả năng thúc đẩy hoạt động mua hàng may mặc. Với việc thị trường quần áo lớn nhất thế giới là Trung Quốc rút lui khỏi chính sách Zero Covid nghiêm ngặt, điều này càng làm tăng thêm những kỳ vọng này.

Người đứng đầu Hiệp hội Kinh doanh Bông Nhật Bản cho biết: “Nếu nhu cầu phục hồi, cán cân cung cầu có thể thắt chặt, đẩy giá tương lai lên cao”.

Tin bài liên quan