Ảnh Internet
Bức tranh thị trường thay đổi
Bia là đồ uống chiếm hơn 95% lượng đồ uống có cồn tại Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam có thêm khoảng 1 triệu người đạt độ tuổi hợp pháp để uống đồ uống có cồn.
Đây là cơ sở để Euromonitor đánh giá, thị trường bia còn nhiều dư địa để tăng trưởng, với tốc độ gia tăng lượng bia tiêu thụ sẽ đạt khoảng 5%/năm cho tới năm 2020.
Trong 6 năm qua, tốc độ tăng trưởng lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam là 6,6%/năm, so với mức 0,2% trên toàn cầu.
Trong thập kỷ vừa qua, dấu ấn của các doanh nghiệp ngoại ngày càng rõ nét tại thị trường bia Việt và hiện gần như đã chiếm vị trí “thống trị”.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt, nhóm “Big 4” trên thị trường bia Việt Nam bao gồm Sabeco, Habeco, Carlsberg Việt Nam và Heineken Việt Nam chiếm khoảng 90% tổng sản lượng bia năm 2018.
Phần còn lại thuộc về các công ty nước ngoài như Sapporo, AB InBev và các công ty trong nước như Masan (bia Sư tử trắng).
Trong khi đó, thời điểm cách đây 1 thập kỷ, Sabeco và Habeco đều là doanh nghiệp nhà nước, trong khi Nhà máy bia Huế là một công ty liên doanh (cơ cấu sở hữu 50 - 50) giữa chính quyền địa phương và Carlsberg.
Đến cuối năm 2017, Sabeco về tay người Thái khi tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, ông chủ Tập đoàn Thaibev chi tới gần 5 tỷ USD để trở thành cổ đông sở hữu 53,59% vốn.
Carlsberg hiện nắm 17% cổ phần tại Habeco và không che giấu tham vọng gia tăng sở hữu hơn nữa tại đây, song vướng mắc về giá vẫn chưa được tháo gỡ.
Công ty ngoại bành trướng
Thị trường bia đang chứng kiến cuộc đua song mã giữa Heineken và Sabeco.
Với Heineken, chưa bao giờ hãng này công bố kết quả kinh doanh tại thị trường Việt Nam, nhưng theo số liệu của CTCP Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC), năm 2016, Heineken ghi nhận 33.900 tỷ đồng doanh thu.
Nhờ sở hữu 21,8% thị phần, Heineken thu về 11.600 tỷ đồng lợi nhuận tại thị trường Việt, gấp đôi so với số Sabeco đạt được cùng năm 2016.
Trả lời phỏng vấn Reuters vào tháng 6/2019, Giám đốc thị trường Việt Nam Leo Evers cho biết, Heneiken có mục tiêu đạt vị trí số một, không chỉ về lợi nhuận, mà còn về khối lượng bán hàng.
Chiến lược mở rộng địa bàn hoạt động ra ngoài các thành phố tại miền Nam đã giúp doanh số bán hàng của Heineken tăng gấp đôi trong 3 năm qua và đang cạnh tranh “lãnh thổ” tích cực với Sabeco.
Tại Sabeco, sau năm 2018 chững lại do tái cấu trúc hoạt động khi có cổ đông Thái, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay đã có sự khởi sắc.
Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, đạt 28.321,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 23%, đạt 4.279,3 tỷ đồng.
Theo báo cáo được công bố vào ngày 10/1/2020 của ThaiBev, Chủ tịch và CEO Thapana Sirivadhanabhakdi nhận định, hoạt động kinh doanh bia của Sabeco tại Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng.
“Tại Sabeco, chúng tôi tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh với mục tiêu trở thành tập đoàn đồ uống quốc tế có hoạt động chuyên nghiệp và thương hiệu mạnh.
Chúng tôi sẽ khắc họa lại chân dung ‘Bia Sài Gòn’ theo hướng hiện đại và trở thành hình ảnh đại diện cho niềm tự hào Việt Nam”, vị CEO này cho biết.
Trong thời gian gần đây, Sabeco liên tục công bố thông tin về những dự án mở rộng công suất tại các nhà máy Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi, Bia Sài Gòn - Miền Tây và Bia Sài Gòn - Củ Chi…
Diễn biến này được xem là lời khẳng định cam kết tiếp tục đầu tư và phát triển của ThaiBev tại Việt Nam.
Trong khi đó, với công ty nội, Habeco đang đẩy mạnh các chương trình quảng cáo, khuyến mại, phát triển sản phẩm bia Bold và Light hướng tới giới trẻ.
Một thế mạnh của Habeco là kinh doanh qua kênh off-trade (bán hàng đại lý, siêu thị…) đang được củng cố thêm khi các quy định về việc cấm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông có hiệu lực kể từ đầu năm 2020.
Điều này sẽ cổ vũ cho việc tiêu thụ bia qua kênh off-trade.