Thị trường bất động sản xuất hiện dòng vốn chảy ngược

Thị trường bất động sản xuất hiện dòng vốn chảy ngược

(ĐTCK) Bên cạnh dòng vốn từ nước ngoài chảy vào thị trường bất động sản Việt Nam, trong thời gian qua, có một lượng không nhỏ dòng tiền từ nội địa đổ ra mua nhà tại nhiều thị trường trên thế giới.

Đầu tư ngược

Giữa tháng 4/2017, một công ty bất động sản tại Australia đến TP.HCM tổ chức buổi gặp gỡ và tri ân khách hàng. Đây là những khách hàng được công ty giới thiệu và bán sản phẩm bất động sản tại thị trường Australia trong trong năm 2016.

Trao đổi với phóng viên trong sự kiện, chị Trần Thái Nhu, giám đốc một công ty dược tại quận 5, TP.HCM cho biết, đầu năm 2016, chị đang có số tiền hơn 10 tỷ đồng và muốn đầu tư vào thị trường bất động sản bằng việc tìm mua căn biệt thự tại một dự án ven sông tại quận 7. Tuy nhiên, giá căn biệt thự này lại lên tới hơn 20 tỷ đồng.

“Tôi không muốn đi vay thêm tiền từ ngân hàng để sở hữu căn biệt thự này, vì lãi suất cho vay mua bất động sản tại Việt Nam khá cao, cộng thêm thị trường trong nước luôn có sự biến động lớn.

Chỉ trừ có những lý do bất khả kháng như nhu cầu định cư, còn mua nhà với mục đích đầu tư, tôi vẫn khuyên mọi người nên chọn lựa các dự án tại Việt Nam

- Phó tổng giám đốc Him Lam Land Ngô Quang Phúc

Sau đó, được một người bạn mách nước và giới thiệu, tôi quyết định thay vì đầu tư vào bất động sản trong nước, tôi dành số tiền đó tìm mua căn biệt thự tại Australia.

Bởi theo tư vấn của các công ty tại Australia và đại lý ở Việt Nam, cùng với việc tìm hiểu từ nhiều nguồn, tôi thấy thị trường bất động sản tại đây luôn ổn định, giá tăng đều theo chu kỳ quý, thủ tục không rườm rà, đồng thời ngân hàng tại đây hỗ trợ cho người nước ngoài mua nhà tới 60% thông qua bảo lãnh từ phía công ty tư vấn và luật sư.

Ngoài ra, nếu tính toán tương lai lâu dài thì nhà tôi có cậu con trai chuẩn bị đi du học tại Australia, nên việc sở hữu nhà cũng tạo điều kiện chỗ ở cho con.

Sau khi con trai kết thúc thời gian du học, căn nhà bán đi vẫn kiếm được khoản lời, bởi chế độ thanh toán và bán nhà tại đây rất dễ dàng”, chị Nhu tính toán.

Theo đánh giá từ một công ty tư vấn bất động sản tại Anh có văn phòng ở TP.HCM, 2 năm trở lại đây, thị trường bất động sản tại Mỹ đã hồi phục trở lại sau khi rơi xuống đáy những năm khủng hoảng kinh tế 2008 - 2011.

Thị trường bất động sản xuất hiện dòng vốn chảy ngược ảnh 1

Bất động sản Australia đang hút các nhà đầu tư đến từ châu Á, trong đó có VIệt Nam 

Do đó, một số người Việt Nam, bằng cách này hay cách khác, đã “tranh thủ” sang Mỹ mua nhà. Đặc biệt, nhu cầu mua nhà của người Việt tại nước ngoài tăng trong một vài năm gần đây và tập trung vào thị trường Mỹ, Australia vì giá cả tại đó còn tương đối rẻ so với năng lực tài chính của một bộ phận người Việt giàu có.

Thêm vào đó là tính ổn định về tài chính và vấn đề phúc lợi, chính sách sở hữu đất đai tại các nước này khá thông thoáng.

Bà Nguyễn Lê Vân, Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty Tư vấn bất động sản Iwealthpor cho biết, trong những năm gần đây, lượng khách hàng Việt Nam đổ ra đầu tư bất động sản tại nước ngoài khá lớn. Nhu cầu mua nhà nước ngoài của người Việt cũng khá đa dạng, từ phục vụ mục tiêu giáo dục cho con em, định cư, đầu tư.

Cũng theo bà Vân, Australia có chế độ an sinh xã hội nổi tiếng chăm lo cho người dân rất chu đáo, bên cạnh đó lại ổn định về chính trị, luật pháp rõ ràng, sự vững mạnh của nền tài chính.

Do đó, không khó hiểu khi Australia vươn lên thành nước dẫn đầu trong danh sách ưu tiên của những khách hàng mua nhà với mục đích định cư, trong đó đáng kể là người Trung Quốc và người Việt Nam.

Về mục đích đầu tư, bà Vân cho rằng, lượng cầu lúc nào cũng lớn hơn cung gấp nhiều lần (tỷ lệ 1-10) nên khiến cho thị trường bất động sản Australia trở nên năng động và thu hút nguồn đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Giá nhà tăng đều đặn hứa hẹn mang lại cơ hội đầu tư béo bở.

Thị trường bất động sản xuất hiện dòng vốn chảy ngược ảnh 2

Cùng với sự hỗ trợ tài chính tốt từ các ngân hàng, khiến cho cơ hội không chỉ đến với những người giàu. Kể cả những khách hàng có số tiền tiết kiệm trung bình cũng có cơ hội đầu tư an toàn và hiệu quả ở Australia.

“Hiện tại, ở Việt Nam có khoảng 3 - 4 công ty làm cầu nối trực tiếp thực sự với các chủ dự án ở Australia. Ngoài ra, còn nhiều những công ty khác chuyên về thị trường Canada, Mỹ, Singapore… đang làm nhiệm vụ kết nối, tư vấn sản phẩm bất động sản cho người dân Việt Nam”, bà Vân cho biết.

Được biết, tại nước Anh năm 2013, để hút nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào bất động sản, lần đầu tiên dự án căn hộ cao cấp tại Luân Đôn được chào bán chính thức tại Hà Nội với giá từ 7 triệu bảng Anh/căn hộ.

Ông Trần Văn Tuấn, nhân viên tư vấn thuộc Công ty Tư vấn định cư Anh cho biết, nếu người nước ngoài mua nhà giá từ 1 triệu bảng Anh trở lên sẽ được cấp visa thường xuyên vào Anh. Khách hàng ngoại quốc mua nhà từ 2 triệu bảng trở lên mà sau 4 năm vẫn giữ không chuyển nhượng sẽ được xem xét nhập quốc tịch Anh.

“Đây là một ưu đãi lớn của đất nước này cho người nước ngoài, trong đó 2 năm nay qua công ty tôi đã có hơn 200 người Việt Nam sở hữu nhà tại nước Anh”, ông Tuấn cho biết.

Theo phân tích của một chuyên gia bất động sản, hiện tại tầng lớp người Việt giàu có đang tăng nhanh. Một lượng không nhỏ trong số này có nhu cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư, thậm chí định cư ở nước ngoài.

Đặc biệt, tại một số nước như Australia, Canada, thủ tục nhập cư không quá khắt khe, họ còn mời gọi người nước ngoài sang đây để định cư nên người Việt đổ vốn vào thị trường
bất động sản nước ngoài là dễ hiểu.

Tại một thị trường Đông Nam Á như Singapore, một báo cáo từ Savills cho thấy, hiện tại người nước ngoài sở hữu giao dịch khoảng 30% thị trường bất động sản nước này. Trong đó, số người Việt Nam sở hữu nhà tại Singapore là không ít.

Thận trọng với dòng vốn chảy ngược

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhu cầu của người Việt Nam mua bất động sản ở nước ngoài đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Bằng chứng là trong khi thị trường trong nước đóng băng những năm 2011-2013, nhiều người đã tìm kiếm kênh đầu tư an toàn hoặc đổ tiền để mua nhà đất ở nước ngoài. Tuy nhiên, đây là hình thức đầu tư không chính thống.

“Nhiều người Việt Nam đổ tiền ra nước ngoài đầu tư bất động sản, trong đó có không ít là hoạt động đầu tư ngoài luồng, mang tính không hợp pháp vì pháp luật Việt Nam đang thắt chặt dòng chảy ngoại hối ra nước ngoài.

Trong khi thị trường hiện nay lại ghi nhận rất nhiều người dân bằng nhiều hình thức đã chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư, cho thấy việc quản lý ngoại hối còn nhiều lỗ hổng.

Câu chuyện dòng ngoại tệ cực lớn đã bị người dân Trung Quốc rút ra để mua bất động sản ở khắp nơi trên thế giới đang là bài học nhãn tiền”, một vị lãnh đạo đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cảnh báo.

Thị trường bất động sản xuất hiện dòng vốn chảy ngược ảnh 3

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện tại ở TP.HCM chỉ có hai công ty có giấy phép và đang thực hiện giao dịch bất động sản tại nước ngoài, đó là Công ty nhà Thủ Đức có chi nhánh tại Mỹ và Công ty Hoàng Anh Gia Lai.

Nếu những công ty khác tại TP.HCM đang hoạt động trong lĩnh vực này mà chưa được Nhà nước cấp phép thì đó là hoạt động sai pháp luật.

Trong khi đó, dưới góc nhìn một chủ đầu tư bất động sản đang thu hút khách nước ngoài vào các dự án, ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng giám đốc Himlam Land cho rằng, việc bất động sản Việt Nam có nhu cầu hút khách ngoại và ngược lại cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, người dân bằng cách này cách khác mang tiền ra nước ngoài mua nhà nên thận trọng.

Bên cạnh việc thị trường bất động sản Việt Nam còn nhiều cơ hội sinh lời không kém thì những rủi ro pháp lý nếu chuyển tiền bất hợp pháp, rủi ro chính sách của nước sở tại thay đổi hoặc gặp phải các đầu mối không đàng hoàng… là những vấn đề cần tính toán kỹ khi mua nhà ở nước ngoài.

“Với lãi suất ngân hàng tại nhiều nước gần như bằng 0, khả năng đầu tư sinh lời cao sẽ rất thấp. Nếu có cũng chỉ do làn sóng mua đi bán lại nhất thời. Do đó, chỉ trừ có những lý do bất khả kháng như nhu cầu định cư, còn mua nhà với mục đích đầu tư, tôi vẫn khuyên mọi người nên chọn lựa các dự án tại Việt Nam”, ông Phúc cho biết.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan