Theo Cục Thuế Quảng Bình, nhiệm vụ thu Ngân sách Nhà nước năm 2023 được HĐND tỉnh Quảng Bình giao cho ngành thuế là 6.500 tỷ đồng, ngành hải quan 500 tỷ đồng.
Kết quả, năm 2023, thu ngân sách nội địa do ngành thuế quản lý đạt 5.100 tỷ đồng, chỉ bằng 63,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu cân đối trừ tiền sử dụng đất thu được 3.012 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất 2.100 tỷ đồng. Thu từ thuế xuất nhập khẩu do Hải quan quản lý được 615 tỷ đồng đạt 123% dự toán tỉnh giao. Trong các khoản thu, có 6 khoản không hoàn thành dự toán năm và hụt thu 1.300- 1.400 tỷ.
Cục Thuế Quảng Bình cho biết, một trong các khoản thu có sự sụt giảm lớn là tiền thuê đất. Khoản thu này ước thực hiện đạt 260 tỷ đồng, chỉ đạt 76% dự toán tỉnh giao, bằng 56,7% so với cùng kỳ, hụt 75 tỷ đồng so với kế hoạch.
Nguồn thu nữa có sự sụt giảm lớn nhất trong cơ cấu thu Ngân sách Nhà nước của Quảng Bình là thu tiền sử dụng đất. Theo đó, kết quả thực hiện trong năm 2023 đạt khoảng 2.100 tỷ đồng, đạt 70% dự toán tỉnh giao và chỉ bằng 41,7% so với năm 2022. Hụt 900 tỷ đồng so với dự toán kế hoạch đưa ra.
Ông Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế Quảng Bình cho biết, nguyên nhân hụt thu tiền thuê đất là do tỉnh thực hiện giảm tiền thuê đất cho năm 2022 và năm 2023 theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 01/2023/QĐ-TTg và số 25/2023/QĐ-TTg.
Đối với việc sụt giảm nguồn thu từ tiền sử dụng đất, nguyên nhân được xác định là do thị trường bất động sản trầm lắng, việc tổ chức đấu giá các dự án gặp nhiều khó khăn và không thành công.
Cũng theo lãnh đạo Cục thuế Quảng Bình, Cục Thuế tỉnh đã có kiến nghị HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải xây dựng phát triển quỹ đất để tăng từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất ngay từ đầu năm, đề ra các giải pháp đồng bộ để chỉ đạo triển khai thực hiện tốt.
"Tỉnh cần tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án nhà ở thương mại, các dự án phát triển quỹ đất. Đẩy nhanh tiến độ trong việc xác định giá đất cụ thể, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là đối với các khu đất đấu giá thuộc đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông, khu dân cư tập trung có khả năng sinh lời đặc biệt, có lợi thế trong việc sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ để xác định giá khởi điểm", ông Tuyến kiến nghị.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình Phạm Quốc Anh cho biết, để thị trường bất động sản ấm lại, hiện nay tỉnh đã chỉ đạo các công ty, doanh nghiệp cân đối lại nguồn vốn từ các dự án, kéo dài phân kỳ đầu tư, cơ cấu lại khâu tổ chức, kế hoạch kinh doanh phù hợp với thị trường.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình cũng đề xuất Chính phủ quan tâm, hỗ trợ để doanh nghiệp cũng như khách hàng vay vốn kinh doanh bất động sản; nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu, kiểm soát hoạt động vốn trên thị trường chứng khoán nhằm tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá…
"Về kiểm soát thị trường mua bán bất động sản, Sở Xây dựng Quảng Bình cùng các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong quy định đầu tư kinh doanh bất động sản, dự án bất động sản có vi phạm về xây dựng. Kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, tăng tính công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người dân khi kinh doanh bất động sản qua sàn giao dịch… Từ đó, tăng niềm tin cho nhà đầu tư, người dân khi tham gia các giao dịch bất động sản trong điều kiện một số vụ việc diễn ra khiến niềm tin giảm sút", ông Quốc Anh cho biết thêm.