Nguồn cung và nhu cầu tăng
Báo cáo thị trường 6 tháng đầu năm 2022 của Savills Việt Nam cho thấy, nguồn cung sơ cấp của loại hình căn hộ tại TP.HCM đạt 13.460 căn, tăng 233% theo quý và 265% theo năm. Nguồn cung này đến từ 8 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 2 dự án hiện hữu.
Bên cạnh nguồn cung tăng thì tình hình thanh khoản cũng được cải thiện nhờ kinh tế tăng trưởng cùng với nhu cầu nhà ở cao. Hơn 12.000 giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2022 và tỷ lệ hấp thụ đạt 75%, tăng 15% theo năm.
Tương tự, nguồn cung sơ cấp phân khúc biệt thự/nhà phố cũng tăng 18% theo quý và 1% theo năm, đạt 577 căn. Nguồn cung phủ khắp 9 quận, nhưng tập trung nhiều nhất tại TP. Thủ Đức, quận 12 và Bình Chánh. Lượng giao dịch đạt hơn 370 căn, tăng 54% theo quý với tỷ lệ hấp thụ là 64%, tăng 15% theo quý. Nguồn cung mở bán mới chiếm 80% của lượng giao dịch và đạt 79% tỷ lệ hấp thụ, trong đó TP. Thủ Đức chiếm 52% lượng giao dịch.
Về phân khúc đất nền, số liệu của Công ty DKRA Vietnam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tại TP.HCM và các vùng phụ cận đón nhận khoảng 30 dự án với nguồn cung 4.904 sản phẩm, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ đạt 3.863 nền, xấp xỉ 79% tổng nguồn cung mở bán mới, tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục giữ vị thế chủ lực, tập trung chủ yếu ở Long An và Bình Dương khi chiếm 74% nguồn cung mới. Riêng tại TP.HCM, thị trường vẫn khan hiếm nguồn cung mới.
Đặc biệt, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận diễn biến sôi động và tín hiệu khởi sắc ở hầu hết các phân khúc nhờ những thông tin phục hồi tích cực của hoạt động du lịch. Cụ thể, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng 6 tháng đầu năm 2022 đón nhận 26 dự án mở bán với hơn 2.700 căn, tăng 53% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tiêu thụ đạt mức khá cao, tương đương 75% (2.085 căn), gấp 2,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021.
Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng ghi nhận nguồn cung mới với 5.145 căn đến từ 23 dự án, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 75%.
Riêng condotel ghi nhận sự sụt giảm nguồn cung so với cùng kỳ năm trước.
Cơ hội tăng trưởng vẫn còn
Dự báo về thị trường bất động sản thời gian tới, các chuyên gia, các nhà quản lý nhấn mạnh, từ nay đến năm 2023 sẽ phát triển tốt do khả năng pháp lý được tháo gỡ cùng các đợt tín dụng mới cho các dự án tốt.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho hay, Chính phủ đang nỗ lực đưa ra chính sách tài khóa tích cực nhất, phù hợp nhất để tác động tốt lên nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản trên lĩnh vực thuế.
Cũng theo bà Cúc, cần nghiên cứu ban hành chính sách điều tiết hợp lý; xây dựng chính sách thuế theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ xác định rõ đối tượng chịu thuế tài sản, đất đai, số thuế phải nộp. Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.
Dưới góc độ là lãnh đạo doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Đức Quân, Phó tổng giám đốc Nam Land, tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản còn rất lớn, bởi đây là kênh tích lũy tài sản, đầu tư an toàn trước các biến động thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, nếu xuất hiện các biến động lớn liên quan đến tài chính thì giá trị đồng tiền sẽ bị ảnh hưởng với dự báo lạm phát tăng cao. Khi đó, đối với các nhà đầu tư có nhu cầu tìm kiếm kênh neo giữ tài sản thì bất động sản thường là kênh đầu tiên được nghĩ đến.
“Bất động sản là lựa chọn phù hợp để làm kênh trú ẩn an toàn, ổn định hơn và thậm chí còn gia tăng giá trị theo thời gian, ưu thế hơn nhiều so với các kênh khác như vàng, chứng khoán, tiền số, lãi suất tiết kiệm. Thực tế cũng đã chứng minh, trong thời gian qua, bất động sản luôn là kênh đầu tư có sức đề kháng tốt trước nhiều biến động của thị trường, dịch bệnh hay lạm phát…”, ông Quân nói.
Đề cập tiềm năng của thị trường bất động sản trong tương lai, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Công ty Soho Việt Nam cho rằng, nên có tầm nhìn dài hạn chứ không phải 3-5 năm, mà phải là 10, 15, 20 năm. Nguyên do bởi với tốc độ gia tăng dân số, thu hút đầu tư nước ngoài đang tăng mạnh thì thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển so với các quốc gia khác.
“Sắp tới sẽ có những vấn đề tái cơ cấu, sửa Luật Đất đai, bỏ khung giá đất áp theo giá sát giá thị trường… Việc này sẽ giúp thanh lọc thị trường, các đơn vị kinh doanh bất động sản, các chủ đầu tư yếu sẽ phải rời cuộc chơi, còn đối với các đơn vị có năng lực tài chính, kinh nghiệm phát triển dự án thì đây sẽ là cơ hội để phát triển”, ông Phan Xuân Cần nhận định.