Theo tính toán của Chính phủ Anh, nếu Brexit xảy ra, GDP của nước này có nguy cơ tổn thất khoảng 100 tỷ bảng Anh (145 tỷ USD) trong năm 2020. Thị trường lao động cũng sẽ mất khoảng 950.000 việc làm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên tới 3% trong cùng năm.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Anh dự báo, Brexit sẽ lập tức làm cho đồng bảng Anh mất giá 12% (thực tế trong thứ Sáu tuần trước đồng bảng Anh mất hơn 10%, xuống mức thấp nhất từ 1985), tác động tiêu cực đẩy giá thực phẩm, tiền thuê nhà và chi phí du lịch ở châu Âu.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng còn nghiêm trọng hơn, bởi hầu hết các nghiên cứu về Brexit đều chỉ ra rằng, khó khăn được tạo ra từ Brexit sẽ tác động đến các hoạt động thương mại, đầu tư và năng suất lao động. không chỉ quốc gia này mà toàn bộ nền kinh tế khu vực và thế giới.
Trong đó, sau khi Vương quốc Anh rời khỏi EU, các nước thành viên EU khác sẽ đặt câu hỏi về tư cách thành viên của họ và từ đó tạo ra hiệu ứng dây chuyền, gây nguy cơ làm đổ vỡ mô hình liên kết hiện nay của châu Âu.
Theo báo cáo mới đây nhất từ Cushman & Wakefield, sau cuộc bỏ phiếu Brexit, bước tiếp theo sẽ là đàm phán về “cuộc ly hôn” này. Theo Hiệp ước Lisbon, Vương quốc Anh sẽ có 2 năm để đàm phán, nhưng quá trình này có thể mất nhiều năm.
Kết quả dẫn đến sẽ là một khoảng thời gian bất ổn trong ngắn hạn do tiến trình phá dỡ các tổ chức và cơ sở giữa Vương quốc Anh và EU. Trong một vài năm tới, những thách thức và cơ hội thực cho nước Anh sẽ được hé mở dần, một khi có sự rõ ràng về hình thức của mối quan hệ mới.
Lâu nay, nước Anh được coi là địa điểm thuận lợi để nhiều tập đoàn/doanh nghiệp có trụ sở tại Ireland, hay các vùng đặt dưới ảnh hưởng của London, đầu tư vào châu Âu. Khi Anh rời khỏi EU, thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thay vì đổ vào Anh, sẽ chuyển hướng sang Pháp hoặc Đức, Italy, điều này sẽ có bất lợi không nhỏ tới thị trường văn phòng, nhà xưởng cho thuê tại Anh quốc, khi nhà đầu tư lo ngại về những bất ổn sắp tới có thể sẽ khiến hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh những lo ngại về việc một số doanh nghiệp, ngân hàng lớn có thể di dời nhân viên của họ sang Đức hoặc Pháp nhằm tránh gián đoạn hoạt động kinh doanh với EU, Brexit cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nhu cầu tiếp tục nắm giữ bất động sản tại Anh từ phía các nhà đầu tư vùng Vịnh, bởi họ lo ngại khả năng giá nhà đất tại Anh sẽ sụt giảm sau Brexit.
Trong một thập niên qua, các quỹ đầu tư chính phủ và nhà đầu tư tư nhân từ Qatar, Saudi Arabia, Kuwait và Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất, đã mua nhiều bất động sản ở Anh, với tổng giá trị lên đến hàng tỷ USD, trong đó chủ yếu là các bất động sản ở London.
Trong nhiều thống kê của các tổ chức quốc tế gần đây, giá nhà tại khu vực trung tâm thủ đô nước Anh trong tháng 5/2016 chỉ tăng 0,1% - mức thấp nhất kể từ
năm 2009.
Còn các số liệu của Ngân hàng Trung ương Anh mới đây cho thấy, giao dịch bất động sản trong quý I/2016 đã giảm 40% so với cùng kỳ năm trước, khi cả người mua và bán đều trông đợi kết quả từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit.
Tuy nhiên, trái ngược với giới đầu tư Trung Đông, các nhà đầu tư Trung Quốc lại vẫn chuộng bất động sản Anh.
Charles Pittar, Tổng giám đốc Juwai.com - một trong những hãng bất động sản quốc tế lớn nhất Trung Quốc cho biết, nhu cầu của nước này với bất động sản Anh sẽ không thể thay đổi, kể cả nếu Brexit xảy ra.
Theo Pittar, động cơ lớn nhất khi người Trung Quốc mua bất động sản tại Anh là giáo dục và với rất nhiều người Trung Quốc, đây là cuộc chơi dài hạn.
“Họ muốn mua nhà cho con cái sang đây du học. Nên thực ra, họ không mấy lo lắng chuyện Anh có rời EU hay không”, Pittar cho biết.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com