Những nạn nhân mới
Gần đây, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) thường xuyên phải tiếp nhà đầu tư đến hỏi han về các dự án đất nền giá rẻ mà những người quan tâm cho biết “Công ty đang rao bán đầy trên mạng”. Tá hỏa, Becamex IDC cho người kiểm tra thì phát hiện tình trạng hàng loạt tài khoản facebook sử dụng thương hiệu và cả những trang web “na ná” tên doanh nghiệp này để mời gọi khách hàng bằng những thông tin hấp dẫn như “Đầu tư đất nền Khu công nghiệp Becamex giá rẻ, nằm ngay trong lòng khu công nghiệp, liền kề Quốc lộ 14, xây dựng tự do, giá chỉ từ 590 triệu/nền…”.
Chắn chắc đã có một số khách hàng “sập bẫy” dù ngay sau khi phát hiện sự việc, Becamex IDC đã phát đi thông báo khẳng định rằng, tất cả những thông tin nói trên hoàn toàn không liên quan đến Công ty. Doanh nghiệp này cũng cho biết, “không có chủ trương, không liên kết và không liên quan đến bất kỳ cá nhân, tổ chức nào để phân phối các sản phẩm bất động sản mang danh Becamex IDC trên facebook hoặc trên các mạng xã hội khác”.
Từ đề xuất xử lý của Becamex IDC, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng cơ quan chức năng xác minh có 19 tài khoản facebook mạo danh doanh nghiệp này và ra quyết định xử phạt hành chính 6 đối tượng, các trường hợp còn lại đang được tiếp tục mời lên làm việc và xử lý.
Nên có những động thái từ mềm mỏng đến dứt khoát và nếu hành vi vi phạm thương hiệu vẫn tiếp diễn, ngay khi có đủ bằng chứng, doanh nghiệp cần kiên quyết khởi kiện ra toà, phối hợp với việc công bố rộng rãi nhằm bảo vệ mình và bảo vệ cả người dân khỏi các hành vi không minh bạch.
Cũng là một nạn nhân mới của trò mạo danh này, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển Gia Cư lại đang “đau đầu” về việc một số đối tượng lạ ngang nhiên rao bán cả dự án do Công ty làm chủ đầu tư.
Cụ thể, thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội và diễn đàn môi giới địa ốc thường xuyên xuất hiện các thông tin chào bán toàn bộ dự án Picity High Park có địa chỉ tại đường Thạnh Xuân 13, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM, với mức giá khoảng 1.120 tỷ đồng.
Để thêm phần hút khách, các tài khoản này còn cho biết thêm một số thông tin như mục đích sử dụng đất của khu này là thổ cư 100%, dự án đã có pháp lý đầy đủ, có quy hoạch 1/500 và giấy phép xây dựng, mật độ xây dựng 23%... Dự án được giao dịch theo hình thức chuyển nhượng cổ phần và nhà đầu tư chỉ cần chứng minh tài chính có khoảng 700 tỷ đồng là có thể ký hợp đồng mua bán vì có ngân hàng tài trợ.
Với những thông tin nói trên và vị trí, hồ sơ pháp lý của dự án thì đây có thể là một thương vụ M&A bất động sản hấp dẫn, nhưng trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Xuân Thiêm, Giám đốc Công ty Gia Cư không giấu được sự bực dọc và khẳng định rằng, đó là những thông tin hoàn toàn thất thiệt.
Theo lời vị giám đốc đang trở thành nạn nhân bất đắc dĩ này, Công ty đã có văn bản chính thức gửi đến khách hàng và đối tác để khẳng định rằng, tính tới thời điểm hiện tại, chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Gò Sao (tên thương mại là Picity High Park) không có bất kỳ hoạt động chuyển nhượng, hợp tác đầu tư, hay thay đổi chủ đầu tư nào. Công ty cổ phần Pi Home là đơn vị môi giới độc quyền phân phối dự án Picity High Park. Mọi thông tin điều chỉnh, thay đổi về dự án (nếu có) trong thời gian tới, Công ty sẽ thông tin trực tiếp đến khách hàng và đối tác.
Ông cho biết, mặc dù Công ty không hề có ý định chuyển nhượng dự án hay phát hành trái phiếu, nhưng trong thời gian gần đây liên tục nhận được những cuộc điện thoại, tin nhắn hỏi về việc mua lại dự án. “Chưa biết động cơ và mục đích của những người đăng tin này là gì, nhưng tôi khẳng định rằng đây là thông tin sai sự thật. Khách hàng nếu có nhu cầu tìm hiểu thông tin về dự án, mời liên hệ trực tiếp chủ đầu tư hoặc đơn vị môi giới độc quyền là Công ty Pi Home”, ông Thiêm nói.
Cần xử lý từ mềm mỏng đến cứng rắn
Câu chuyện ở Becamex có thể xuất phát từ một số cò muốn mạo danh tên tuổi doanh nghiệp uy tín để bán hàng, còn với thương vụ M&A “cười ra nước mắt” tại Picity High Park, nhiều người suy đoán rằng, đó rất có thể là một trò “chơi xấu” của đối thủ nào đó và cũng đều là kiểu “ném đá giấu tay”. Tuy nhiên, trên thị trường thời gian qua xuất hiện phổ biến hơn tình trạng ngang nhiên đặt tên doanh nghiệp hoặc dự án na ná nhau để “đánh lận con đen” và danh sách dài nạn nhân trong trường hợp này là các tên tuổi nổi tiếng như Novaland, Nam Long, Himlam, Đại Phúc, Đất Xanh, Trần Anh Group, Hưng Thịnh...
Hồi đầu năm nay, lãnh đạo Tập đoàn Hưng Thịnh đã rất bối rối vì bị nhiều người “hỏi thăm” trước thông tin Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Long An thông báo truy tìm đối tượng là lãnh đạo, đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh Long An) để điều tra, xác minh tố giác tội phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền góp vốn/thanh toán của nhà đầu tư tại dự án Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường do chính Công ty Hưng Thịnh Long An làm chủ đầu tư.
Ngay sau vụ việc này, trên trang fanpage chính thức và các website của Tập đoàn Hưng Thịnh cũng như các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh phải phát thông báo xác nhận và khẳng định rằng, Công ty Hưng Thịnh Long An không thuộc hệ thống công ty thành viên và không có bất cứ mối liên hệ nào với Tập đoàn Hưng Thịnh. Đồng thời, dự án Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường cũng không thuộc danh mục các dự án do Tập đoàn Hưng Thịnh đầu tư, phân phối.
Trước đó, Tập đoàn Nam Long đã tiến hành khởi kiện doanh nghiệp Nam Long Real vì công ty này sử dụng thương hiệu Nam Long để bán dự án phân lô tại tỉnh Bình Dương.
Nhận xét về tình trạng nhái tên thương hiệu, dự án trên thị trường hiện nay, ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc kinh doanh Trần Anh Group cho rằng, việc này chủ yếu do các doanh nghiệp môi giới nhỏ, năng lực hạn chế thực hiện để dễ dụ khách. “Điều này không chỉ gây tổn thất cho doanh nghiệp bị nhái thương hiệu mà còn khiến thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển bền vững”, ông phân tích.
Bản thân công ty của ông Thiện cũng từng chịu tiếng oan khi thị trường xuất hiện một dự án mang tên “Căn hộ chung cư Xuyên Á” và trên nhiều website chào bán sản phẩm này lại để logo và tên chủ đầu tư là Trần Anh Group trong khi Công ty không hề làm dự án này.
Nói về biện pháp xử lý, ông Thiện băn khoăn cho rằng, việc nhái thương hiệu hầu hết đều thực hiện trên các website, vì vậy các doanh nghiệp chỉ có thể liên hệ với phía Google và có thông tin trên trang nhà của mình để cảnh báo việc bị nhái tên, chứ rất khó có phương án xử lý triệt để. Đồng thời, với cơ chế giao dịch điện tử hiện nay, việc nhái thương hiệu khá dễ khi chỉ cần liên hệ với các doanh nghiệp bán tên miền, sau đó mua 1 tên miền tương đồng với tên doanh nghiệp cần nhái, rồi thiết kế website na ná nhau là xong.
Việc xử lý bằng các biện pháp pháp lý, luật sư Trần Văn Duẩn, Trưởng văn phòng Luật Thanh Niên tư vấn, theo quy định, trường hợp đối tượng có hành vi lợi dụng danh tiếng của doanh nghiệp để lừa đảo người khác, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ vào Điều 592, Bộ luật Dân sự để yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường do việc sử dụng trái phép thương hiệu, uy tín của mình.
Theo ông Duẩn, để bảo vệ uy tín một cách hữu hiệu, các doanh nghiệp nên có các bước từ mềm mỏng cảnh cáo đến cứng rắn khởi kiện, chẳng hạn như đưa ra lộ trình cụ thể cho bên vi phạm thương hiệu một khoảng thời gian khắc phục, nếu quá thời gian ấy sẽ đi lên cấp cao hơn là thông báo rộng rãi ra công chúng để cảnh báo cũng như tố cáo đến Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Thông tin và Truyền thông...