Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào cuối tuần qua cho thấy sự quan tâm, sâu sát của Chính phủ trước tình hình hiện nay của thị trường này.
Thực tế cho thấy, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế chính sách, công điện, chỉ đạo với nhiều biện pháp giải quyết rất cụ thể và quyết liệt, song trong quý II/2023, thị trường bất động sản vẫn chưa có những chuyển biến đáng kể, mức tăng trưởng còn thấp.
Đáng chú ý là số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản bị giải thể và có khả năng phải giải thể có xu hướng tăng. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý II/2023, số doanh nghiệp giải thể tăng 30,4% so cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới cũng giảm 61,4% so cùng kỳ năm trước.
Con số mà Bộ Xây dựng đưa ra trong báo cáo mới nhất không làm nhiều người bất ngờ, bởi khó khăn đã được dự báo từ trước, nhưng người sốt ruột nhất có lẽ là Thủ tướng.
Lý do là, trong vòng 6 tháng - kể từ ngày Hội nghị trực tuyến toàn quốc Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững diễn ra vào giữa tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã 2 lần trực tiếp chủ trì hội nghị lớn để gỡ khó cho thị trường bất động sản. Đó là chưa kể một loạt chỉ đạo được đưa ra trong các cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, cùng những chỉ thị, công điện của Thủ tướng có liên quan đến lĩnh vực này.
Điều đó cho thấy, Chính phủ đã và đang hết sức quan tâm đến sự tăng trưởng của ngành bất động sản, bởi người đứng đầu Chính phủ hiểu rất rõ vai trò và sự tác động của bất động sản tới nền kinh tế, bởi người đứng đầu Chính phủ từng nhấn mạnh “trong kết quả chung về kinh tế - xã hội có đóng góp rất quan trọng của lĩnh vực bất động sản”.
Và sau hàng loạt chỉ đạo quyết liệt, thị trường bất động sản đã xuất hiện một số điểm sáng, theo đó, có gần 500 dự án bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM được gỡ vướng. Mặc dù vậy, theo đánh giá của một số doanh nghiệp tại TP.HCM, những chuyển động thực sự tại các dự án được gỡ vướng chưa nhiều và quan trọng hơn, là tiến độ thực thi chỉ đạo cần nhanh hơn, hiệu quả đạt được cần cao hơn.
Trên thực tế, lãnh đạo cả Trung ương và địa phương đã lắng nghe, tiếp thu và chỉ đạo các cơ quan thẩm quyền liên quan giải quyết những vướng mắc tại nhiều dự án, song tiến trình diễn ra rất chậm. Đó là chưa kể, khi vào giải quyết từng vướng mắc, việc phân tích vướng cơ chế hay vướng việc thực thi cũng gian truân.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP Invest) đã đề xuất, để chính quyền các cấp thực hiện có trách nhiệm hơn trong việc xử lý các ách tắc, Tổ công tác của Chính phủ về bất động sản nên yêu cầu các tỉnh thống kê báo cáo 3 tháng/lần các dự án còn tồn đọng vướng mắc không giải quyết được trong thời hạn quá 5 năm, cùng nguyên do vướng mắc, đi kèm đề xuất cấp xử lý để doanh nghiệp đỡ phải chờ đợi.
Đến giờ phút này, có thể nói, mọi vướng mắc gần như đã được nhận diện. Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cần quyết liệt thực hiện, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại. Ngoài ra, lãnh đạo ở nhiều địa phương cần tập trung nghiên cứu quy định, chính sách pháp luật có thể áp dụng xử lý các vấn đề ách tắc. Cán bộ, công chức cần nêu cao ý thức trách nhiệm, không đùn đẩy công việc.
Một hoặc hai hội nghị không thể giải quyết được hết các vấn đề đang đặt ra, song một khi các chủ thể có liên quan cùng chung tay giải quyết, đề cao trách nhiệm của mình, thì chắc chắn, thị trường bất động sản sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng.