Chia sẻ tại Tọa đàm và Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giải mã các kênh đầu tư hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hiện nay” do Tạp chí Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức ngày 29/9, các chuyên gia cho rằng, dù còn thách thức nhưng điểm sáng của thị trường là nguồn cầu vẫn đang duy trì. Ngay cả khi nguồn cung hiện nay đang khan hiếm, nhưng nếu các điểm nghẽn pháp lý được cởi bỏ, các dự án sẽ bung hàng, đặc biệt các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Đi qua hai phần ba thời gian của năm 2022 với những năng lượng và tín hiệu tích cực dần xuất hiện ở giai đoạn bình thường mới hậu Covid-19. Hiện tại, việc nhận diện xu hướng và cơ hội đầu tư, kinh doanh cũng được nhiều người quan tâm hơn. Sự hồi phục của kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát là một trong những động lực quan trọng cho sự phục hồi trở lại của các kênh đầu tư, đặc biệt kênh đầu tư bất động sản.
Các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm. |
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đang được nghiên cứu sửa đổi với nhiều quy định cởi mở, đột phá hơn tạo ra cho một môi trường đầu tư mới năng động và linh hoạt hơn so với trước. Có thể thấy, thị trường đang được tháo các nút thắt lớn, sau khi Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý được đưa ra. Bên cạnh đó, từ đầu tháng 9, nhiều chính sách mới về tín dụng đã được thông qua, tác động không nhỏ đến thị trường.
Nhìn ở một góc độ tổng quan, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, bất động sản Việt Nam vẫn là thị trường thu hút dòng tiền đáng kể. Sau giai đoạn “nguy” thì tới thời điểm hiện tại có thể coi là “cơ” khi thị trường đang được điều chỉnh về mức ổn định hơn với các lực đẩy đi kèm từ Chương trình phục hồi kinh tế hay đầu tư công được đẩy mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhìn nhận, thị trường bất động sản những năm gần đây như một “chiếc lò xo bị nén”. Khi các khó khăn về chính sách được tháo gỡ, thị trường sẽ có một sức bật mạnh mẽ. Trong đó, đáng chú ý là cùng với đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế và sự bùng nổ của du lịch, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng từng bước lấy lại ánh hào quang như thời kỳ đỉnh cao. Điều đó được thể hiện rõ khi hàng loạt dự án mới được công bố, động thổ, thi công; hoạt động bán hàng diễn ra sôi nổi, thanh khoản đột biến so với các năm liền kề trước đó và giá cả tăng cao.
Cụ thể hơn, Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng, Kon Tum, Thanh Hóa… đang là các địa phương nhận được dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư miền Bắc. Điểm đáng chú ý khi đây đều là những thị trường đang có sự bứt tốc rất mạnh về hạ tầng giao thông, điều tạo nên động lực cho phát triển các hoạt động du lịch. Tại Thanh Hóa, có những khu vực trước đây 50 triệu đồng/ha nhưng bây giờ 50 triệu đồng/m2.
Vùng Duyên hải Nam Bộ, Nam Trung Bộ, trước đây có Đà Nẵng thời sơ khai (năm 2010) giá hơn 10 triệu đồng/m2 ở khu vực cảng biển, nhưng bây giờ cả vùng Đà Nẵng đã phát triển rất mạnh, giá lên 300 triệu đồng/m2. Đà Nẵng và Nha Trang đã bùng nổ, là cơ hội cho những tỉnh thành khác, vùng khác phát triển. Điển hình như Bình Thuận đã biết tận dụng nhanh kết nối không gian, thời gian… đề xuất xây sân bay, tận dụng đầu tư công thúc đẩy xây cao tốc, vùng tiếp giáp Đông Nam Bộ là vùng kinh tế lớn, cộng hưởng với đó.
Và mới nhất, Bình Thuận cũng đang trở thành vùng đầu tư mới nổi khi không khác gì Bình Định, Thanh Hóa 10 năm trước, chỉ có nắng gió nhưng một vài “đại bàng” vào, làm thay đổi diện mạo nhanh. Bản thân Bình Thuận tập trung đầu tư phát triển một số đô thị mới, những giá trị mới…, đặc biệt là tập trung xây dựng đô thị du lịch.
“Việc phát triển các đại đô thị du lịch thay vì các dự án nhỏ lẻ làm thay đổi diện mạo hạ tầng du lịch, từ đó cũng tạo ra dư địa gia tăng giá trị các loại hình bất động sản du lịch”, ông Đính chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân bây giờ rất lớn, các resort nhỏ là đã kém thu hút khách rồi. Trong khi những resort lớn với cảnh quan hoành tráng, cung cấp đầy đủ dịch vụ hấp dẫn và thu hút hơn hẳn.
“Tôi cho rằng đã phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng thì cần phải tầm cỡ như Phú Quốc, với các dự án của Vingroup, Sun Group hay Novaland... Các dự án phải đủ lớn, phát triển đầy đủ cả khu vui chơi giải trí nữa mới thu hút được du khách, giá trị bất động sản mới lớn được. Nhà đầu tư sẽ kỳ vọng vừa có thể cho thuê, vừa có thể tăng giá trị bất động sản trong tương lai, đó mới là kỳ vọng thực sự của họ. Mà giá trị bất động sản chỉ có thể tăng ở các dự án sở hữu đầy đủ điều kiện để phát triển”, ông Hà chia sẻ.