Thị trường bất động sản: "Giải cứu" niềm tin

Thị trường bất động sản: "Giải cứu" niềm tin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lấy lại niềm tin cho thị trường bất động sản để vực dậy không chỉ thị trường này, mà cả một loạt lĩnh vực, ngành nghề liên quan khác, từ đó thúc đẩy toàn nền kinh tế đang là yêu cầu bức thiết thời điểm hiện tại.

Từ tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm…

“Nước đến chân rồi, nhưng quả thực chúng tôi chưa biết làm sao để nhảy”. Đó là lời chia sẻ rút ruột của giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và năng lượng tái tạo có trụ sở tại Hà Nội với phóng viên Đầu tư Chứng khoán trong cuộc gặp mới đây. Trong khi đầu ra dự án bế tắc do nghẽn pháp lý, nguồn thu thiếu hụt… thì mảng năng lượng của doanh nghiệp này cũng đang loay hoay với câu chuyện “nhà máy có nhưng chưa đủ điều kiện đóng vào lưới điện quốc gia”.

Hai lĩnh vực tưởng như không liên quan tới nhau, nhưng theo vị giám đốc kinh doanh này, lại có chung một vấn đề là câu chuyện chính sách từ “bàn tròn hội nghị” tới “thực tế thị trường”. Trên sóng truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phát đi thông điệp từ Chính phủ và các cơ quan, bộ, ngành với quyết tâm rất cao gỡ khó cho thị trường bất động sản, cho doanh nghiệp và “ai cũng mừng vì điều đó”, nhưng cũng “lại rất lo” tính nhất quán khi triển khai ở cấp địa phương.

Không chỉ doanh nghiệp nêu trên, điều này cũng được nhiều doanh nghiệp ở các ngành, lĩnh vực khác đề cập tới, bởi để tìm được điểm cân bằng trong điều hành doanh nghiệp vừa phù hợp và dung hòa với môi trường chính sách mới, vừa ứng phó với nợ vay, mặt bằng lãi suất tăng cao cùng câu chuyện “nợ khó đòi”, trong khi chi phí hoạt động ngày càng tăng như hiện nay là rất khó khăn.

Ghi nhận ý kiến của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thời gian gần đây cho biết, họ cảm thấy “loãng” khi quá nhiều luồng ý kiến đưa ra về các giải pháp, nhưng cụ thể hóa ở văn bản nào, nghị quyết nào ở địa phương thì chưa có. Điều này vô hình trung tạo ra một lòng tin mơ hồ về sự sớm phục hồi của thị trường, khiến cả bên bán lẫn bên mua đánh mất cơ hội, đồng thời làm cho thị trường có cảm giác càng chìm sâu hơn vào bế tắc.

Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV vừa qua, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn đại biểu Hà Nội) nói rằng, doanh nghiệp và người dân vốn đã đối mặt với nhiều khó khăn sau dịch, thì nay lại càng khó khăn hơn trước tâm lý “né tránh trách nhiệm, lo sợ oan sai” của một bộ phận cán bộ công quyền, làm mất nhiều thời gian, tăng chi phí không chính thức, làm mất cơ hội của người dân và doanh nghiệp.

“Chúng ta trân trọng những nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường, cho doanh nghiệp, sự quyết liệt trong việc phá vỡ ‘tảng băng’ e ngại, đùn đẩy trách nhiệm của chính quyền các cấp. Thế nhưng, khi Chính phủ phải làm cả việc của một đốc công, Quốc hội phải ban hành nhiều cơ chế ngoại lệ, đặc biệt, đặc thù… cho thấy thể chế, chính sách của chúng ta có vấn đề với nhiều vướng mắc, nhiều lỗ hổng…”, ông Lộc nhấn mạnh.

Thực tế, sự kém hiệu quả của nhiều cơ chế, chính sách, nhất là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, sự né tránh trách nhiệm của một bộ phận công chức từ cả cấp trung ương tới địa phương cũng có nguyên do từ việc hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo an toàn cho đối tượng thực thi, cũng chưa thực sự phù hợp với yêu cầu mới của quá trình phát triển. Khi các cơ chế, chính sách hỗ trợ còn chưa thông suốt, dễ hiểu việc doanh nghiệp vẫn phải loay hoay, chật vật trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, còn người dân thì ngần ngại đầu tư, tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Homes chia sẻ, trước đây, sau quá trình làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước ở cả cấp trung ương lẫn địa phương, ông rút ra một kinh nghiệm là phải chủ động đưa ra các văn bản, công văn... hướng dẫn giải quyết những thủ tục tương tự đã được địa phương khác áp dụng. Những “tài liệu tham khảo” này giúp cán bộ thực thi bớt lúng túng khi ra quyết định, công việc của doanh nghiệp nhờ vậy “trôi” nhanh hơn, thế nhưng “chiêu” này hiện không còn tác dụng. Cái khó nhất lúc này là tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, mà như một cán bộ chia sẻ với ông rằng: “Bây giờ không làm như cũ được anh ạ. Cùng một tình huống, nơi này làm đúng, nơi kia vẫn có thể sai. Anh chờ em làm công văn hỏi Bộ cho chắc”.

… Tới niềm tin chính sách

Ảnh tác giả

Hiệu ứng sụt giảm niềm tin là vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp Đại học Bristol (Vương quốc Anh)

Theo TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp Đại học Bristol (Vương quốc Anh), hiệu ứng sụt giảm niềm tin là vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay. Những trở ngại trên thị trường trái phiếu với các doanh nghiệp bất động sản lan rộng tới mọi loại hình doanh nghiệp khác khiến nhà đầu tư lo ngại, không dám mua, thậm chí là muốn bán lại trái phiếu, dù là trái phiếu của doanh nghiệp vững mạnh.

Doanh nghiệp tốt cũng không thể huy động vốn qua trái phiếu hay ngân hàng, mà khi doanh nghiệp thiếu vốn sẽ khó triển khai sản xuất - kinh doanh, từ đó dễ dẫn tới một loạt hệ lụy khác như doanh nghiệp phá sản, người lao động thất nghiệp, Nhà nước thất thu thuế... và khi đó, gánh nặng kinh tế - xã hội sẽ đè nặng hơn.

“Trong hệ thống ngân hàng, tài sản thế chấp bằng bất động sản chiếm tỷ lệ lớn. Việc nhiều công ty bất động sản đang bằng mọi giá huy động nhiều nguồn vốn để mua lại trái phiếu đã phát hành hoặc chuẩn bị cho các đợt đáo hạn trái phiếu được đảm bảo bằng bất động sản trong năm 2023 đã hút lượng lớn lớn vốn của thị trường. Quan trọng hơn, tình trạng khó khăn thanh khoản ở những công ty này khiến những chủ thể có vốn trên thị trường quyết định ôm tiền mặt ngồi chờ, mà không mạnh dạn đầu tư”, ông Tuấn phân tích.

Một điểm đáng chú ý thời gian gần đây là dù nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài…, nhưng sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tới môi trường đầu tư của Việt Nam có xu hướng tăng lên. Việc các cơ quan báo chí, truyền thông chính thống thời gian có nhiều bài viết đánh giá và mô tả rõ nét, thực chất về nền kinh tế cũng như các cơ hội đầu tư đã tạo điều kiện giúp các nhà đầu tư nước ngoài quan sát và có đánh giá chính xác hơn về tiềm năng của Việt Nam khi so sánh với các quốc gia trong khu vực, bao gồm các chương trình cải cách môi trường đầu tư và phục hồi kinh tế.

TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, tất cả thị trường vốn đều vận hành dựa trên yếu tố cơ bản là niềm tin và kỳ vọng, nhưng đây là yếu tố vô hình và có thể thay đổi theo thời gian. Do đó, củng cố niềm tin và kỳ vọng cho nhà đầu tư bằng thông tin minh bạch là giải pháp lâu dài cần được hướng đến, trong đó vai trò của báo chí chính thống trong sự lan tỏa “thông điệp chính sách” của cơ quan quản lý nhà nước là vô cùng quan trọng.

Ở đây, không chỉ các nhà đầu tư, thành viên thị trường, mà cả các cán bộ từ trung ương tới địa phương cũng cần hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, giảm né tránh những vướng mắc trong quá trình thực thi…, dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, tiêu tốn chi phí của doanh nghiệp.

Nhìn lại câu chuyện vực dậy thị trường bất động sản Mỹ cách đây gần 15 năm sau giai đoạn khủng hoảng trầm trọng bởi tình trạng cho vay dưới chuẩn, bên cạnh tung ra các gói kích thích kinh tế quy mô lớn, chính phủ nước này cũng rất quyết liệt trong việc minh bạch các gói cứu trợ.

Các dự án trong gói kích thích kinh tế ở Mỹ đều rất cụ thể, rõ ràng và mọi người dân đều có thể theo dõi tiền ngân sách đã được giải ngân ra sao qua nhiều kênh, mà trước tiên là trên website của chính quyền, trong đó liệt kê chi tiết tiền chi cho các dự án ở từng bang cũng như quy mô liên bang. Điều này này giúp tạo niềm tin của người dân vào các quyết sách kích thích nền kinh tế của chính phủ.

Tin bài liên quan