Đà Nẵng có một thời gian dài quá tập trung vào bất động sản nghỉ dưỡng nên thị trường này đang chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. Ảnh: Thành Nguyễn.

Đà Nẵng có một thời gian dài quá tập trung vào bất động sản nghỉ dưỡng nên thị trường này đang chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. Ảnh: Thành Nguyễn.

Thị trường bất động sản Đà Nẵng có cơ hội bứt phá, bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng ngày 3/11 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo trực tuyến "Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản Đà Nẵng - Quảng Nam trong trạng thái bình thường mới".

Hội thảo do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức, với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan quản lý như Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những góc nhìn riêng về bức tranh thị trường cũng tiềm năng của những phân khúc cụ thể trong thời gian tới.

Từ giữa năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh ven biển miền Trung nói chung đang gặp nhiều khó khăn, trở nên trầm lắng, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế địa phương.

Theo DKRA Vietnam, đất nền phân lô, nhà ở liền thổ là sản phẩm chủ lực của thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng thời gian qua, nhất là sau khi lĩnh vực bất động sản du lịch rơi vào tình trạng ngủ đông. Tuy nhiên, cả 9 tháng đầu năm 2021 toàn thị trường Đà Nẵng chỉ có một dự án mới được mở bán và do các khó khăn từ Covid-19, thanh khoản cũng rất hạn chế.

Nhiều ý kiến diễn giả cũng cho rằng, với việc tập trung quá nhiều vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng suốt những năm qua, dịch bệnh đã khiến thị trường bất động sản Đà Nẵng tạm thời bị đóng băng.

Theo bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh, Tổng giám đốc Sun Property, sau đỉnh cao thị trường từ năm 2017, thị trường bất động sản bắt đầu suy thoái kép và kéo dài đến nay. Hiệu ứng domino từ condotel cùng với Covid-19 đã khiến thị trường Đà Nẵng chưa thể bứt phá trở lại. Tuy nhiên, điểm tích cực là giá trị bất động sản không bị chạm đáy sâu như giai đoạn 2010 - 2013. Điều này cho thấy thị trường đã tích tụ được nội lực và có sức đề kháng nhất định trước các biến động của thị trường.

Bà Linh cũng cho rằng, sau giai đoạn đóng băng, đi ngang hiện tại, thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ có cơ hội bứt phá, bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới từ năm 2022.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), thời gian qua, Đà Nẵng đã tập trung quá nhiều vào du lịch và phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, thị trường còn thiếu các dự án khu đô thị, nhà ở quy mô, được thiết kế bài bản, chuyên nghiệp. Đặc biệt, với phân khúc căn hộ, do các dự án chủ yếu được xây dựng ở vị trí đẹp nên giá bán cao, phổ biến ở mức 50 – 60 triệu/m2, trong khi nhu cầu về nhà ở tầm trung cũng rất lớn.

Theo ông Khởi, giữ vị trí đặc biệt ở miền Trung, Đà Nẵng đang có cơ hội rất lớn để phát triển các khu đô thị lớn, hiện đại và tầm cỡ để phục vụ nhu cầu của giới chuyên gia, người nước ngoài. Đây cũng là gợi ý để Đà Nẵng có sự dịch chuyển về phân khúc và thiết kế sản phẩm.

Ông Trần Ngọc Thái, Phó tổng giám đốc Khối Đầu tư và Phát triển quỹ đất Công ty cổ phần Đất Xanh miền Trung cho rằng, Đà Nẵng là địa phương có kinh nghiệm chống dịch tốt và đang thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Điều này phần nào tạo nên tâm lý lạc quan cho sự phát triển mạnh mẽ trở lại của thị trường trong năm 2022.

Theo ông Thái, Đà Nẵng đang có định hướng phát triển nhiều cụm đô thị vệ tinh, và điều này sẽ tạo nên sự dịch chuyển về quy hoạch sản phẩm của nhà đầu tư. Tuy nhiên, xu hướng sản phẩm còn chịu nhiều tác động mang tính tất yếu của quy luật cung – cầu. Về sản phẩm nhà ở, trong 2 – 3 năm tới, sẽ có nhiều tiêu chí để lựa chọn sản phẩm được người mua đặc biệt đề cao như: thiết kế tổng quan đẹp; tiêu chuẩn hoàn thiện chất lượng cao; công nghệ thông minh; kết nối tiện ích trong quần thể dự án quy mô.

Đề cập nhiều hơn đến mối liên hệ giữa lĩnh vực du lịch và thị trường bất động sản, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, sự phát triển của bất động sản du lịch cũng song hành với sự phát triển của du lịch, tương tác hai chiều. Điều này thể hiện khá rõ suốt thời gian qua, khi hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ của Đà Nẵng được phát triển mạnh, cũng đóng góp cho sự thăng hoa của du lịch. Tuy nhiên, khi Covid-19 tác động tiêu cực đến du lịch thì bất động sản du lịch cũng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề.

Với việc Chính phủ có chủ trương cho Đà Nẵng và các địa phương khác được đón khách du lịch quốc tế, ngành du lịch nói riêng, kinh tế Đà Nẵng nói chung đang vào giai đoạn tăng trưởng mới, trong đó bất động sản nghỉ dưỡng đứng trước cơ hội bật tăng trở lại sau hơn 2 năm ngủ đông.

Tin bài liên quan