Sống bằng “của để dành”
Hơn 2 năm đối mặt với đại dịch Covid -19 và gần đây thêm “cú sốc” siết tín dụng bất động sản, doanh nghiệp địa ốc càng trở nên kiệt sức. Thời gian gần đây, bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp quy mô lớn nợ lương, phải cắt giảm nhân sự, co cụm bộ máy nhằm tiết giảm chi phí, thậm chí có doanh nghiệp để có dòng tiền duy trì hoạt động phải vay “nóng” bên ngoài với lãi suất cao do không huy động được vốn từ các kênh chính thống.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn tại TP.HCM cho hay: “Chiến lược lúc này là nằm im, vì ngoài ra cũng không biết làm gì khi dòng tiền tắc nghẽn, dự án bị ngưng trệ do vướng pháp lý, còn thị trường thì mất thanh khoản”, đồng thời nói rằng, có lẽ không chỉ doanh nghiệp ông mà phần lớn doanh nghiệp địa ốc khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo vị này, điều doanh nghiệp cần làm hiện nay là đẩy mạnh tái cơ cấu, từ sản phẩm cho đến nhân sự để tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí…, chờ thị trường tích cực rồi tính tiếp.
Còn ông Hoàng Kim Hoài, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Phúc Điền Land cho hay, thật ra không phải đến bây giờ, mà từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát đến nay, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã bị sụt giảm mạnh nguồn thu, thậm chí không có, hoạt động kinh doanh được duy trì chủ yếu bằng nguồn tài chính được tích lũy từ trước đó.
“Doanh nghiệp năng lực tài chính yếu buộc phải xoay xở đủ kiểu để duy trì hoạt động, nếu không thì phải phá sản. Với thị trường như hiện nay, khi mà mọi khó khăn bủa vây, doanh nghiệp chỉ biết co cụm chờ đợi ánh sáng cuối đường hầm”, ông Hoài nói.
Không chỉ nhà phát triển dự án, mà cả các doanh nghiệp môi giới lẫn nhà đầu tư cá nhân cũng đang loay hoay với bài toán “kẹt tiền, thiếu vốn”. Theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp môi giới phải tạm thời ngưng hoạt động vì không có đủ nguồn tài chính duy trì bộ máy.
Lãnh đạo một doanh nghiệp môi giới tại TP.HCM cho hay, phần lớn các đơn vị môi giới đều có nguồn lực mỏng manh, trong khi phải duy trì việc “nuôi quân”, nhưng thực tế là không có sản phẩm để bán, nếu có cũng không dễ bán do thị trường khó khăn.
Với nhà đầu tư cá nhân, dù không diễn ra cảnh bán tháo trên diện rộng, song việc khó tiếp cận vốn kéo dài khiến không ít người bị “ngộp hàng”, phải chấp nhận bán giá thấp để thu hồi vốn. Thực tế, phần lớn nhà đầu tư ra hàng thời điểm này đều bị kẹt vốn, không còn cách nào xoay xở nên phải rao bán thấp hơn giá thị trường, song với những người trường vốn chẳng những không bán ra, mà còn tìm cách gom “hàng ngộp” đón đầu cơ hội.
Thanh lọc và cơ hội
Thị trường bất động sản sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Toàn |
Theo ghi nhận của phóng viên, trong những cái khó hiện nay, khó khăn về dòng tiền là lớn nhất và tác động tới hầu hết thành viên thị trường. Tại hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp diễn ra mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh rằng, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ là mục tiêu quan trọng nhất ở thời điểm này. Như vậy, có thể hiểu rằng, khả năng từ đây đến cuối năm, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng vẫn sẽ khó khăn, cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư muốn “trụ” được này sẽ phải chủ động tìm kiếm các giải pháp ứng phó.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành nhận định, từ nay đến cuối năm 2022, thị trường bất động sản sẽ có sự thanh lọc mạnh mẽ với 2 kịch bản. Kịch bản thứ nhất, các doanh nghiệp trường vốn, có nhiều quỹ đất, sản phẩm đa dạng… sẽ sống sót. Các doanh nghiệp năng lực yếu kém, kinh doanh thiếu bài bản… sẽ bị đào thải do không đủ nguồn lực tài chính, nguồn cung bị tắc hoặc ít/khó bán hàng. Nếu kịch bản này xảy ra, đợt sàng lọc là tín hiệu tốt giúp thị trường loại bỏ các nhân tố yếu kém, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Kịch bản thứ hai, những rào cản về tín dụng, vướng mắc pháp lý tiếp tục kéo dài nên dự án bị đình trệ, dẫn đến nguồn cung thấp, giá bán bị đẩy lên cao, thanh khoản yếu…, từ đó khiến doanh nghiệp chết hàng loạt. Nếu kịch bản này xảy ra, quá trình sàng lọc này rất đáng lo ngại vì gây bất lợi cho thị trường bất động sản cũng như nền kinh tế. Thị trường địa ốc có thể bước vào chu kỳ khó khăn kéo dài.
Có thể nói, khó khăn của thị trường bất động sản là điều ai cũng cảm nhận được. Song, trong “nguy luôn có cơ”, môi trường khó khăn sẽ tạo ra những cơ hội mới, nếu doanh nghiệp và nhà đầu tư nắm bắt được cơ hội đó sẽ có nhiều khả năng phục hồi và phát triển.
Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định, cho nên những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay chỉ là tạm thời. Vì thế, điều quan trọng lúc này là cần nỗ lực vượt qua khó khăn để đón đầu cơ hội sắp tới.
Theo ông Trần Hoài Bảo, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản TPI Land, hiện nay, khi áp lực lạm phát gia tăng, phần lớn các kênh đầu tư đều có sự biến động và ẩn chứa rủi ro, bất động sản vẫn là kênh đầu tư tạo lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, sẽ không có chuyện ai cũng có thể đầu tư bất động sản và càng không có chuyện ai cũng có thể kiếm được tiền từ kênh này. Thị trường sẽ tạo ra giá trị cho nhà đầu tư chỉ khi biết sử dụng dòng tiền thông minh.
“Mặc dù tình hình chung khó khăn, song thực tế cho thấy, dự án có sản phẩm tốt, pháp lý chuẩn chỉnh và đáp ứng nhu cầu thực vẫn luôn thu hút sự quan tâm của khách hàng”, ông Bảo nói và dẫn chứng, mới đây, một dự án căn hộ tại quận 7, TP.HCM do TPI Land phân phối có mức giá trung bình 3-4 tỷ đồng/căn chỉ trong thời gian ngắn đã được tiêu thụ hết nhờ đánh trúng phân khúc khách hàng có nhu cầu thực.
Cũng theo ông Bảo, điều mà thị trường bất động sản lo ngại hiện nay là nguồn cung sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực ngày càng khan hiếm do thủ tục bị siết chặt, cùng với đó là áp lực lạm phát tăng, quỹ đất ngày càng khan hiếm… sẽ đẩy giá bất động sản ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, khó khăn của người này là cơ hội cho người khác, thách thức hiện nay sẽ khiến nhiều doanh nghiệp hụt hơi, nhưng cũng là thời cơ hội để các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và lợi thế về quỹ đất vượt lên.