TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
TS. Vũ Tiến Lộc cho hay, tăng trưởng trong bất động sản liên quan đến cả chuỗi cung ứng, bất động sản tạo ra mặt bằng sản xuất kinh doanh là nơi ở người dân, là nền tảng cho sản xuất, là cuộc sống của người dân… tạo ra tăng trưởng cho các lĩnh vực kinh tế khác.
Kinh tế vĩ mô quý I/2024 được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều lo lắng để có thể tăng tốc thời gian tới. Theo ông Lộc, vừa qua chúng ta dựa nhiều vào FDI, xuất khẩu, đầu tư công nhưng những động lực này đang có xu hướng suy giảm. Theo đó, tăng đầu tư công không phải là động lực dài hạn cho tương lai. Đầu tư nước ngoài thì lại ít có dự án lớn về công nghệ cao. Xuất khẩu tăng trưởng nhưng không cao, còn khu vực tư nhân trong nước đang suy yếu.
Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị lần đầu yêu cầu cần thúc đẩy cho khu vực tư nhân, nhưng theo ông Lộc, khu vực này lại đang suy yếu, trong khi đây mới chính là khu vực chính có vai trò dẫn dắt nền kinh tế trong tương lai. Vì thế, việc tháo gỡ cho thị trường bất động sản để nền kinh tế có thể bật lên là một giải pháp quan trọng.
Ông Lộc cho biết, Quốc hội đã thông qua 3 luật quan trọng, như 3 mũi giáp công có thể thúc đẩy, là cứu cánh thị trường bất động sản và chúng ta có thể đặt nhiều kỳ vọng vào tác động của các luật này đối với sự phục hồi và phát triển của thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, hành trình trước mắt có thể sẽ còn gian nan, bởi vẫn còn những điểm chồng chéo chưa được sửa đổi một cách triệt để, và việc thực thi luật sẽ phát sinh nhiều vấn đề trong thực tế.
Dùng từ khóa nổi bật để đánh giá, ông Lộc cho rằng “Vướng và chậm, Khó và bí”, trong đó vướng pháp lý, chậm dự án, khó nguồn vốn và bí về thanh khoản.
"Khi các luật đã được thông qua bắt đầu có hiệu lực, tôi cho rằng, thị trường vẫn cần thời gian để thích nghi và còn rất khó khăn ở giai đoạn tới", ông Lộc đánh giá và cho biết, để giải quyết đồng bộ các vấn đề thì có rất nhiều việc phải làm. Đã có 20 chính sách mới đã được triển khai, song việc thực thi trong thực tế cũng không đơn giản, ngay cả việc định giá, dù có ra luật thì triển khai vẫn khó khăn, không hề dễ dàng.
Do vậy, ông Lộc cho rằng, rất cần VNREA chung tay, sâu sát với các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình và có những kiến nghị, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp và thị trường bất động sản.
PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, năm 2023 thực sự là một năm “sôi động” của thị trường bất động sản theo hướng "đốt ruột đốt gan" chúng ta chứ không phải sôi động phát triển.
Theo ông Thiên, xét theo lĩnh vực, kinh tế mặc dù tốt hơn, nhưng thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản đã yếu, trong khi đó, chính sách tháo gỡ rất chậm và triển vọng mới lại chưa thực sự rõ ràng.
Thứ nhất, Luật Đất đai sửa đổi có rất nhiều điểm tích cực, nhưng việc tận dụng như thế nào mới là điểm đáng quan tâm.
Thứ hai, những vấn đề liên quan đến vốn là cách tiếp cận vốn. Đó là lãi suất quá cao, thời hạn cho vay đang làm yếu mòn doanh nghiệp. Phân định chức năng các thị trường tài chính giữa Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng vẫn chưa hài hoà với nhau.
Thứ ba, đặc biệt liên quan đến nhà ở xã hội. Cần có cách tiếp cận mới tín dụng, ưu đãi tín dụng với phát triển nhà ở xã hội. Nên tổ chức nhóm chuyên gia nên đưa ra một đề án mới gắn vốn tín dụng với nhà ở xã hội, bởi phân khúc này sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thị trường thời gian tới.