Hoạt động kinh doanh bảo hiểm đang được siết chặt quản lý

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm đang được siết chặt quản lý

Thị trường bảo hiểm sau thời kỳ "sốc thông tin"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau một loạt lùm xùm khiến ngành bảo hiểm “mất điểm” trong mắt khách hàng, cơ quan chức năng đã phải siết lại hoạt động bán bảo hiểm, các doanh nghiệp cũng phải hoàn thiện các dịch vụ, sản phẩm của mình. Công cuộc đại tu này có thể khiến thị trường đi chậm lại, nhưng là “cú huých” để phát triển bền vững hơn sau này.

Tăng mức xử phạt sai phạm

Bộ Tài chính đề xuất nâng cao mức xử phạt hành chính đối với những vi phạm bảo hiểm nhân thọ và bổ sung hình phạt rút giấy phép trong một khoảng thời gian nhất định trong trường hợp vi phạm… Đây là động thái mới nhất của cơ quan quản lý nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Cụ thể, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số…, Bộ Tài chính đề xuất nâng gấp đôi mức xử phạt lên 90-100 triệu đồng với nhiều hành vi vi phạm bảo hiểm nhân thọ.

Theo đó, ngoài việc bổ sung đối tượng áp dụng gồm chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, văn phòng đại diện của tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam, dự thảo còn tăng mức xử phạt đối với một số hành vi liên quan đến việc cung cấp, bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng hoặc kênh phân phối khác của đại lý bảo hiểm, chẳng hạn không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định; không cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định; đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm; tài liệu giới thiệu sản phẩm không phản ánh trung thực các thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm…

Phạt tiền từ 90-100 triệu đồng (mức cũ là 40-50 triệu đồng) đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Tài liệu giới thiệu sản phẩm không phản ánh trung thực các thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm, không nêu rõ các quyền lợi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, thông tin không rõ ràng, tạo cho bên mua bảo hiểm hiểu lầm về những quyền lợi của sản phẩm; tài liệu giới thiệu sản phẩm không thể hiện rõ là sản phẩm bảo hiểm, được cung cấp bởi doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, không phải là sản phẩm của các đối tác phân phối; không thể hiện rõ việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là yêu cầu bắt buộc để thực hiện hay hưởng một dịch vụ nào khác của đối tác phân phối; triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật… Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 2-3 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại dự thảo…

Được biết, thời gian qua, căn cứ chức năng thanh tra chuyên ngành và thực tế vi phạm của doanh nghiệp, Bộ Tài chính (Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm) đã tiến hành xử phạt 29 doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm với tổng số tiền 2,955 tỷ đồng.

Các yêu cầu mới đối với đại lý

Nhằm nâng cao trách nhiệm trong quá trình tư vấn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, các nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm trước đây chỉ được quy định tại Nghị định số 73/2016/NĐ-CP, thì nay đã được luật hóa tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, đồng thời bổ sung thêm một số quy định theo hướng chặt chẽ hơn đối với điều kiện hoạt động đại lý.

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 cũng quy định nhiều nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm, trong đó có điểm mới là yêu cầu phải giải thích rõ ràng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm (Điều 129). Lý do bởi nghĩa vụ giải thích điều kiện, điều khoản bảo hiểm cũng là nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, nên khi đại lý thực hiện các hoạt động theo sự ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm để tư vấn chào bán sản phẩm cũng phải thực hiện nghĩa vụ này.

Đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng, tại dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đang được lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo dự kiến bổ sung một số điều kiện khắt khe hơn. Theo đó, đại lý là tổ chức tín dụng phải đáp ứng các điều kiện cao hơn so với các đại lý tổ chức khác: Phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm; tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng hàng nước ngoài phải thiết lập một quầy riêng để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm; tại mỗi chi nhánh của tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải đảm bảo tối thiểu 3 nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý…

Từ ngày 1/1/2023, việc đào tạo chứng chỉ đại lý và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm phải đáp ứng các quy định chặt chẽ hơn so với trước. Theo đó, thay vì 3 loại chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, chứng chỉ đại lý bảo hiểm liên kết đơn vị như trước đây, thì nay được chia theo từng nhóm sản phẩm bảo hiểm đặc thù. Chứng chỉ đại lý theo quy định mới gồm 6 loại: Chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhân thọ cơ bản; chứng chỉ đại lý bảo hiểm liên kết đơn vị; chứng chỉ đại lý bảo hiểm phi nhân thọ cơ bản; chứng chỉ đại lý bảo hiểm hàng hải; chứng chỉ đại lý bảo hiểm hàng không; chứng chỉ đại lý bảo hiểm sức khỏe.

Siết chặt hơn bảo hiểm liên kết đơn vị

Nhằm giải quyết tình trạng “ép” khách hàng vay tiền phải mua bảo hiểm nhân thọ như thị trường phản ánh thời gian qua, theo dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không những không được bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân, mà còn phải tuân thủ nhiều quy định khác khi cung cấp sản phẩm bảo hiểm này.

Chẳng hạn, phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi của sản phẩm và các rủi ro đặc thù của sản phẩm, yêu cầu bên mua bảo hiểm xác nhận vào các tài liệu tại hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Không được so sánh hoặc đảm bảo chắc chắn kết quả đầu tư của một quỹ liên kết đơn vị này là tốt hơn so với quỹ liên kết đơn vị khác hoặc của doanh nghiệp bảo hiểm khác.

Thực hiện ghi âm một số nội dung liên quan tới việc tư vấn sản phẩm bảo hiểm tại thời điểm bên mua bảo hiểm ký bản yêu cầu bảo hiểm. Thông báo về các khoản phí bảo hiểm và thời hạn đóng phí bên mua bảo hiểm lựa chọn để xác nhận phù hợp với năng lực tài chính của bên mua bảo hiểm; xác nhận của bên mua bảo hiểm việc tham gia bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với nhu cầu tài chính, nhu cầu bảo hiểm của bên mua bảo hiểm…

Thực tế, dù quy định mới chỉ áp dụng đối với bảo hiểm liên kết đầu tư, kể cả việc ghi âm ghi hình khi tư vấn bán bảo hiểm cho khách hàng…, nhưng các sản phẩm khác như bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp hay bảo hiểm sức khỏe vẫn bán qua các kênh đại lý như bình thường, bao gồm cả bán qua ngân hàng.

Chưa kể, tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, hoạt động bán mới chủ yếu diễn ra tại sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và liên kết đơn vị - là 2 sản phẩm của dòng bảo hiểm liên kết đầu tư, nên có thể các công ty bảo hiểm sẽ xây dựng một quy trình bán chung cho tất cả các sản phẩm.

“Chúng tôi sẽ áp dụng quy trình bán cho tất cả các sản phẩm và cả kênh đại lý, chứ không riêng kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng như quy định”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho hay.

Tin bài liên quan