Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ chờ đợi động thái thoái vốn mới

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ chờ đợi động thái thoái vốn mới

(ĐTCK) Với việc ngành bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và còn nhiều dư địa phát triển, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến sẽ thu hút được sự chú ý lớn của các nhà đầu tư.

Báo cáo phân tích ngành vừa được Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) công bố cho biết, PVI nằm trong lộ trình thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong năm 2019, nhưng cho đến nay việc thoái vốn vẫn chưa được thực hiện.

BSC dự kiến, PVN tiếp tục nỗ lực thoái vốn tại PVI trong năm 2020. Ngoài PVI, Bảo Minh cũng sẵn sàng nằm trong danh sách thoái vốn nhà nước trong năm 2020.

PVI là doanh nghiệp đang có thị phần lớn trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ, đặc biệt ở mảng tài sản thiệt hại.

Hiện nay, cơ cấu cổ đông của PVI khá cô đặc, gồm 2 cổ đông chính là HDI Global SE và PVN. HDI Global SE - Công ty do Tập đoàn Bảo hiểm Talanx sở hữu 100% vốn điều lệ, hiện đang nắm giữ 53,92% cổ phần PVI Holdings và PVI Holdings nắm giữ 100% Bảo hiểm PVI.

HDI thông qua Bảo hiểm PVI sẽ phát triển mảng bảo hiểm gốc tại Ðông Nam Á. Hiện nay, HDI đang có ý định sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu ở PVI từ phần thoái vốn của nhà nước. 

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần PVI Holdings, thành viên Ban Ðiều hành HDI Global SE, ông Jens H. Wohlthat cho biết: “Là nhà đầu tư, chúng tôi mong muốn tỷ lệ tăng lên, nhưng điều cần thiết hơn cả là tính hiệu quả ở thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, tức là tỷ lệ kết hợp thấp nhất có thể. Bảo hiểm công nghiệp thì chúng tôi đứng đầu tuyệt đối, đây là điều quan trọng cần giữ để có ảnh hưởng nào đó trên thị trường phi nhân thọ. Chiến lược của HDI là muốn PVI làm đầu tàu cho sự phát triển ở thị trường ở Ðông Nam Á, tạo điều kiện cho PVI phát triển ra nước ngoài”.

Trong khi đó, nằm trong danh sách thoái vốn của Nhà nước trong năm 2020, để chuẩn bị cho việc nới room, Bảo Minh cũng đã thông qua việc điều chỉnh một số lĩnh vực kinh doanh.

Chẳng hạn, với các loại hình kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ khác, sẽ điều chỉnh theo hướng tập trung vào các lĩnh vực mà không hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Thậm chí, với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, cũng sẽ điều chỉnh theo hướng chỉ đăng ký kinh doanh các hoạt động kinh doanh bất động sản mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh.

Năm 2020 là năm bản lề, đánh dấu 15 năm thành lập, BIC sẽ thực hiện việc thay đổi cơ cấu tổ chức, đảm bảo phù hợp hơn với thực tế và định hướng kinh doanh; đầu tư phát triển các sản phẩm bán lẻ, các kênh bán hàng mới; đẩy nhanh tốc độ số hóa trên toàn bộ các mặt hoạt động nhằm nâng cao năng suất lao động và tiết giảm chi phí.

Ðược biết, 2019 là năm đầu tiên BIC cán mốc 2.000 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc riêng Công ty mẹ, tăng trưởng 13% so với năm trước đó, cao hơn mức tăng trưởng chung của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Mục tiêu phát triển đến năm 2025 của hãng bảo hiểm này không chỉ tăng trưởng quy mô, mở rộng hoạt động gắn liền với tăng trưởng bền vững, kiểm soát; mà còn phải phát triển trở thành công ty bảo hiểm phi nhân thọ nằm trong Top 3 công ty có tỷ suất sinh lời cao nhất của thị trường Việt Nam và Top 3 công ty về doanh thu qua kênh bancassurance; duy trì mức định hạng tín nhiệm quốc tế nằm trong nhóm các công ty bảo hiểm dẫn đầu của Việt Nam…

Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2019 đạt 160.200 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm 2018; trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đạt 52.400 tỷ đồng, tăng 11,6%.

Về kỳ vọng năm 2020, BSC cho rằng, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tăng trưởng ở mức 11%, thấp hơn mức 11,6% trong năm 2019.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, thị trường bảo hiểm ở Việt Nam rất có tiềm năng phát triển, dù có thể có khó khăn và thách thức trong ngắn hạn.

Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ và thu nhập tăng trưởng trung bình 7%/năm, tỷ lệ sử dụng bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp (1,3% so với mức 3 - 4% trong khu vực thị trường đang phát triển).

Tin bài liên quan