Bảo hiểm tín dụng rủi ro thương mại, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, bảo hiểm trực tuyến hấp dẫn các hãng bảo hiểm nước ngoài.

Bảo hiểm tín dụng rủi ro thương mại, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, bảo hiểm trực tuyến hấp dẫn các hãng bảo hiểm nước ngoài.

Thị trường bảo hiểm: Nội chững lại, ngoại chờ thời

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2021, do tình hình dịch bệnh kéo dài, một số kế hoạch thâm nhập thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam bị chững lại, nhưng vẫn có những động thái đáng chú ý.

BCG muốn sở hữu chi phối AAA

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG) đã phê duyệt chủ trương mua lại 71% cổ phần Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA (AAA), hình thức đầu tư là nhận chuyển nhượng từ cổ đông hiện hữu của AAA. BCG đã hoàn thành các quy trình thẩm định toàn diện, giao dịch dự kiến sẽ hoàn tất trước khi năm 2021 kết thúc.

Theo BCG, AAA từ một doanh nghiệp bảo hiểm trong nước đã chuyển đổi thành tổ chức bảo hiểm theo tiêu chuẩn quốc tế, đang vận hành tốt, có vị thế và tiềm năng để tăng trưởng. Tài chính sẽ là mảng kinh doanh chiến lược thứ 5 của BCG, song song với 4 mảng kinh doanh chính hiện nay là sản xuất, xây dựng, bất động sản và năng lượng tái tạo.

Được biết, AAA được thành lập năm 2005, người sáng lập là doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên. Đến năm 2013, bà Liên bán cổ phần AAA cho Tập đoàn Bảo hiểm IAG của Australia. Hiện tại, AAA có vốn điều lệ 1.122,6 tỷ đồng, 2 cổ đông lớn gồm IAG International PTY Ltd sở hữu 80,47% vốn, tỷ lệ biểu quyết 73%; Eximbank nắm 5,28% vốn, tỷ lệ biểu quyết 7,29%.

Thực tế, kết quả hoạt động kinh doanh của AAA kém khả quan. Báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2020 cho thấy, doanh thu thuần từ kinh doanh bảo hiểm là 172 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế âm 109 tỷ đồng (năm 2019 lãi 22 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 31 tỷ đồng). Tính đến cuối năm 2020, AAA có lỗ lũy kế 863 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước chiếm thị phần chủ yếu, song tăng vốn và cải thiện năng lực quản trị đang là sức ép đối với không ít công ty.

Mới đây, khi trình bày trước Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận xét: “Công ty bảo hiểm trong nước năng lực còn thấp”.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, một số doanh nghiệp bảo hiểm trong nước có năng lực cạnh tranh thấp do quy mô vốn nhỏ, quản trị doanh nghiệp yếu, khả năng kiểm soát rủi ro còn hạn chế; chất lượng nhân sự chưa đáp ứng được yêu cầu và sự phát triển của thị trường.

Trên thị trường bảo hiểm bảo hiểm Việt Nam hiện có 31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, trong đó 21 công ty có vốn điều lệ dưới 1.000 tỷ đồng, 12 công ty có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở xuống.

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho biết, doanh nghiệp đang hoàn tất các thủ tục xin tăng vốn điều lệ từ 887 tỷ đồng lên hơn 1.100 tỷ đồng, nhằm mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh khi tham gia các dự án đấu thầu lớn, đồng thời đáp ứng yêu cầu mới của luật pháp trong dài hạn.

Nhà đầu tư ngoại chờ cơ hội

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có công văn thông báo, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên mức tối đa 100% là hợp lệ theo quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

Được biết, PTI có 3 cổ đông lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sở hữu 22,67% cổ phần), Công ty Chứng khoán VNDIRECT (sở hữu khoảng 18%) và Công ty Bảo hiểm DB (nắm giữ 37% cổ phần).

Sau 6 năm trở thành cổ đông chiến lược của PTI, Tập đoàn DB của Hàn Quốc muốn mở rộng tỷ lệ sở hữu tại hãng bảo hiểm này.

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chuẩn bị thoái hết vốn tại PTI theo quy định (dự kiến bán đấu giá ngày 17/12/2021) sẽ là cơ hội cho DB và các nhà đầu tư khác nâng cao tỷ lệ sở hữu. DB hiện là tập đoàn lớn thứ hai về bảo hiểm xe cơ giới và dẫn đầu về bảo hiểm trực tuyến tại xứ sở Kim chi.

Hiện tại, pháp luật không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp bảo hiểm nội và lĩnh vực này không thuộc 7 lĩnh vực Nhà nước sẽ nắm 65% vốn điều lệ sau cổ phần hóa, thoái vốn.

Việc các cơ quan chức năng đưa ra những hướng dẫn chính thức về tỷ lệ sở hữu tối đa (room) tại các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài được nhìn nhận sẽ “mở cửa” cho vốn ngoại vào Việt Nam, trong đó có ngành bảo hiểm.

Ngoài PTI, một số hãng bảo hiểm khác đã có kế hoạch nới room lên 100% như Bảo Minh, PVI. Trong đó, Bảo Minh là doanh nghiệp trong danh sách Bộ Tài chính yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khẩn trương thoái vốn trước ngày 20/12/2021 để nộp ngân sách nhà nước. Hiện SCIC đang sở hữu xấp xỉ 51% vốn tại Bảo Minh.

Thị phần bảo hiểm phi nhân thọ đang nằm phần lớn trong tay 5 doanh nghiệp nội, nhưng thị trường này vẫn là miếng bánh mục tiêu của các nhà đầu tư ngoại. Hai năm trước, thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, một hãng bảo hiểm đến từ nước Đức đã có những động thái về việc sẽ sớm bước chân vào thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Dịch bệnh khiến kế hoạch “thực địa” bất thành, nhưng tham vọng lấn sân thị trường bảo hiểm đang nổi là Việt Nam không thay đổi.

Mới đây, một hãng bảo hiểm đến từ châu Á với thế mạnh là bảo hiểm tín dụng hiện đã đánh tiếng tìm kiếm cơ hội thành lập công ty tại thị trường Việt Nam và lên kế hoạch tiếp cận các khách hàng mới ngoài tệp khách hàng đang có qua phương thức B2B.

Tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, hai nghiệp vụ bán lẻ là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe đang mang lại mức tăng trưởng cao nhất trên tổng doanh thu của khối phi nhân thọ, nhưng các nghiệp vụ này không phải phân khúc hấp dẫn các hãng bảo hiểm ngoại, mà là bảo hiểm tín dụng rủi ro thương mại, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, bảo hiểm trực tuyến.

Việt Nam đang bị chậm hơn so với các nước như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... về bảo hiểm trực tuyến.

Kênh phân phối tại các nước đó mở rộng dịch vụ bảo hiểm trực tuyến cách đây 5 - 7 năm, không chỉ các thao tác mua bảo hiểm online, bồi thường online, mà giấy chứng nhận điện tử cũng đã được chấp nhận rộng rãi. Đó chính là lý do một số hãng bảo hiểm nước ngoài cũng như các công ty vệ tinh của ngành bảo hiểm muốn thâm nhập sâu hơn.

Dịch Covid-19 ập tới và rủi ro đối với các doanh nghiệp gia tăng, tạo cơ hội cho các loại hình bảo hiểm rủi ro phát triển. Báo cáo Risk Barometer 2021 của một tập đoàn bảo hiểm Ðức là Allianz đánh giá, có một số rủi ro lớn liên quan đến đại dịch Covid-19, phản ánh các kịch bản gián đoạn kinh doanh, sự cố mạng Internet và tổn thất tiềm tàng mà các doanh nghiệp phải đối mặt.

Allianz đang có chiến lược mở rộng sự hiện diện tại châu Á. Từ đầu năm 2019, khi chia sẻ kế hoạch tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam thông qua một liên doanh kỹ thuật số (JV) với sự hợp tác của Tập đoàn FPT, Allianz đã xác định sẽ tập trung phân phối qua các kênh trực tuyến để mang đến nhiều lựa chọn cho khách hàng, đặc biệt tập trung vào sản phẩm bảo vệ sức khỏe để giải quyết nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đang tăng cao của người Việt.

Hãng bảo hiểm này sẽ theo đuổi chiến lược mở rộng để tiến vào thị trường P&C (tài sản và thiệt hại).

Tin bài liên quan