Bảo hiểm tự do hóa sớm
ASEAN thừa nhận một thực tế là ngành tài chính của các nước thành viên đang ở những trình độ phát triển khác nhau nên chấp nhận tự do hóa theo công thức “ASEAN trừ X”, cho phép các nước thành viên đã sẵn sàng chuẩn bị sẽ hội nhập ngay, trong khi một số nước khác tham gia sau. Điều này giúp các quốc gia thành viên thực hiện từng bước việc tự do hóa trong khi vẫn đảm bảo được sự phát triển của ngành tài chính và duy trì được ổn định kinh tế - xã hội.
Đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính, các quốc gia đã cam kết tự do hóa mạnh mẽ, xóa bỏ các hạn chế trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và thị trường vốn vào năm 2015. Điều này bao hàm tự do hóa 4 phương thức cung cấp thương mại, dịch vụ qua biên giới: 1) cung cấp thương mại, dịch vụ qua biên giới; 2) tiêu dùng (sử dụng dịch vụ) ở nước ngoài; 3) hiện diện thương mại; 4) tự do dịch chuyển cá nhân.
Đối với bảo hiểm, dưới đây là danh mục những lĩnh vực được xác định sẽ tự do hóa vào năm 2015 và các quốc gia thành viên ASEAN đã cam kết thực hiện (xem bảng).
Singapore đã đạt tới giai đoạn tự do hóa nhất trong số các nước ASEAN trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm. Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế ở phương thức 2 và 3 đối với trung gian bảo hiểm (môi giới, đại lý bảo hiểm). Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến dài trong việc tự do hóa đối với phương thức 1, 2 và 3 trong lĩnh vực bảo hiểm và các dịch vụ phụ trợ liên quan. Nhìn chung, quy định của nhiều nước ASEAN hiện đã phù hợp với các tiêu chuẩn trong kế hoạch của AEC đối với sự tự do tham gia vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, sở hữu nước ngoài trong công ty bảo hiểm có thể được phép lên tới 80% ở Indonesia và 70% ở Malaysia…
Cơ hội đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam Thị trường rộng lớn hơn
AEC, với việc tự do hóa dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ sẽ khuyến khích các hoạt động kinh doanh và đầu tư lớn hơn ở khu vực. Đầu tư nước ngoài trực tiếp gia tăng và hoạt động kinh tế ở khu vực đương nhiên sẽ mang lại việc gia tăng nhu cầu bảo hiểm. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đầu tư hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ nhiều hơn ở các nước khác trong khu vực… Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam nắm bắt thời cơ mở rộng thị trường. Mặt khác, AEC tạo lập một khu vực thị trường và sản xuất thống nhất, dẫn đến kinh tế của nhiều nước trở nên phồn vinh hơn, dẫn đến tăng thu nhập và hình thành một lượng mới người tiêu dùng trung lưu với thu nhập cao - là đối tượng khách hàng tiềm năng của các công ty bảo hiểm.
Các đối thủ “ngang cơ”, thậm chí yếu hơn
Phân tích đặc điểm thị trường bảo hiểm của một số nước trong khu vực cho thấy một đặc trưng là có nhiều công ty bảo hiểm nhỏ, vốn ít, năng lực cạnh tranh yếu (ít ra là ở lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ). Vì thế, một số công ty bảo hiểm lớn của Việt Nam có đủ khả năng mở rộng hoạt động, cạnh tranh bình đẳng với các công ty bảo hiểm địa phương ở nhiều nước khác, kể cả ở Indonesia, Philippines, Thái Lan…
Lợi thế cạnh tranh
Ở các nước như Lào, Myanmar, Campuchia, nơi có nền chính trị và văn hóa kinh doanh bảo hiểm (như bảo hiểm phi nhân thọ) tương đối tương đồng với Việt Nam; các nước láng giềng như Lào, Campuchia còn có các mối quan hệ truyền thống với Việt Nam, nên các công ty Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các công ty từ các nước ASEAN khác, ít nhất là trong giai đoạn đầu hoạt động. Thị trường bảo hiểm ở những nước này còn tương đối sơ khai, còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết, là cơ hội mở rộng hoạt động cho các công ty bảo hiểm Việt Nam.
Cách thức mở rộng hoạt động sang các nước ASEAN Thành lập văn phòng đại diện
Thâm nhập một thị trường mới thường có một cách thức truyền thống là đầu tiên xin phép mở văn phòng đại diện, nghiên cứu thị trường, hệ thống pháp luật, xây dựng quan hệ trước, rồi ra quyết định chính xác nên hay không nên đầu tư thành lập công ty, chi nhánh tại nước đó.
Hiện tại, mới chỉ có Indonesia và Philippines cam kết mở cửa tự do hóa cả bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tái bảo hiểm, các nước còn lại chưa cam kết tự do hóa bảo hiểm nhân thọ vào năm 2015. Tuy nhiên, theo lộ trình, tất cả thành viên ASEAN sẽ sớm phải thực hiện cam kết tự do hóa toàn diện lĩnh vực bảo hiểm. Việc lựa chọn một thị trường mục tiêu, xin phép mở văn phòng đại diện để nghiên cứu tìm hiểu thị trường và thực hiện các công việc chuẩn bị là việc cần phải nghĩ đến tại thời điểm này, nếu doanh nghiệp có hướng mở rộng hoạt động sang các nước trong khu vực.
Mua lại cổ phần của các công ty bảo hiểm địa phương
Đây là một hướng đi tắt, cho phép đẩy nhanh quá trình mở rộng hoạt động sang thị trường bạn. Như đã phân tích ở trên, nhiều thị trường khu vực có các công ty bảo hiểm nhỏ, vốn ít. Hiện tại, cơ quan quản lý bảo hiểm ở một số nước đã nâng quy định về vốn để nâng cao năng lực cạnh tranh và phù hợp với các cam kết ASEAN, ví dụ các nước Indonesia, Philippines, với những mốc thời hạn bắt buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải tăng vốn như 31/12/2014, 31/12/2016. Điều này khuyến khích việc sáp nhập các công ty bảo hiểm nhỏ, hoặc tìm kiếm nguồn đầu tư từ các đối tác trong và ngoài nước.
Ở một số nước, thời điểm hiện tại dường như chưa có nguồn vốn trong nước đủ và thích hợp để thực hiện tăng vốn của công ty bảo hiểm, khiến việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cũng là một hướng được các công ty bảo hiểm xem xét. Đây sẽ là cơ hội cho các đối tác nước ngoài tìm kiếm cơ hội hợp tác. Các công ty bảo hiểm Việt Nam nếu muốn đầu tư vào một số thị trường, nên nghiên cứu tìm hiểu những công ty bảo hiểm địa phương đang có nhu cầu tăng vốn. Những công ty đang có thương hiệu tốt, mạng lưới rộng ở nước sở tại có thể là lựa chọn tốt để đầu tư, vì không phải xây dựng từ đầu bộ máy kinh doanh, hệ thống bán hàng vốn thường chiếm nhiều thời gian và công sức.
Nên cân nhắc việc tham gia cổ phần tại công ty bảo hiểm địa phương với định hướng tăng dần được tỷ lệ sở hữu, tiến đến việc chiếm tỷ lệ chi phối, giúp thực hiện việc quản lý, điều hành để thực hiện phương án kinh doanh theo đúng định hướng, chiến lược của mình, chứ không chỉ thuần túy đầu tư vốn với tỷ lệ nhỏ vào một công ty. Công ty tái bảo hiểm cũng có thể nghiên cứu việc đầu tư vào những công ty bảo hiểm địa phương đang mạnh về bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hàng hải… tại một số nước để làm cầu nối thâm nhập vào thị trường nước đó. Tại thời điểm này, một số nước khu vực gần như không khống chế sở hữu nước ngoài tại công ty bảo hiểm như đã trình bày ở trên và đây là một thuận lợi.
Thành lập công ty 100% vốn hoặc liên doanh
Hiện tại, đã có một số công ty bảo hiểm Việt Nam như BIC, PTI thành lập công ty liên doanh hoặc 100% vốn tại Lào và Campuchia. Nếu thành lập công ty liên doanh, về lâu dài cũng nên tăng tỷ lệ sở hữu chi phối hoặc chuyển thành công ty 100% sở hữu để thực hiện được đúng định hướng kinh doanh và điều hành 100% hoạt động, vì mô hình công ty liên doanh bảo hiểm dường như là một mô hình kinh doanh không thành công trong dài hạn ở khu vực Đông Nam Á.
Để chinh phục một thị trường mới, đương nhiên cần có nhiều sự chuẩn bị. Một trong những sự chuẩn bị quan trọng nhất là nhân sự. Vấn đề lớn nhất là ngoại ngữ và hiểu biết về văn hóa nước sở tại. Vì vậy, nếu doanh nghiệp xác định chiến lược mở rộng hoạt động sang các nước trong khu vực, ngay từ thời điểm này, cũng nên nghĩ đến việc chuẩn bị nhân sự vì việc đào tạo ngôn ngữ, văn hóa không phải việc ngày một ngày hai. Ngoài tiếng Anh là ngôn ngữ kinh doanh quốc tế thông dụng, ngôn ngữ và văn hóa bản địa cũng rất quan trọng, việc đào tạo các kiến thức này cho những cán bộ được lựa chọn cho công cuộc chinh phục thị trường mới nếu làm được bài bản và cẩn thận, chắc chắn sẽ thu được thành quả.