Tiềm năng tăng trưởng của thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn rộng mở

Tiềm năng tăng trưởng của thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn rộng mở

Thị trường bảo hiểm chia nửa buồn vui

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Trong khi thị trường bảo hiểm nói chung và lĩnh vực nhân thọ nói riêng còn đối mặt với nhiều khó khăn, lĩnh vực phi nhân thọ trở thành điểm sáng với việc lấy lại đà tăng trưởng.

Nhân thọ vẫn trầm lắng

Do ảnh hưởng của nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan, thị trường bảo hiểm nhân thọ gần hết năm 2024 vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh trầm lắng.

Theo số liệu thống kê từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), ước tính 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn ngành đạt 165.518 tỷ đồng, giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ước đạt 106.977 tỷ đồng, giảm 6,4%.

Dù chưa tăng trưởng trở lại, cũng chưa có các thông tin về việc thành lập công ty mới cũng như các thương vụ M&A bảo hiểm, nhưng điều đó không có nghĩa nhà đầu tư “bỏ qua” thị trường này.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân cuối tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ của Techcombank cho biết, do những thay đổi của Luật Kinh doanh bảo hiểm mới cũng như chiến lược dài hạn của hai bên, từ ngày 14/10/2024, thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm nhân thọ giữa Techcombank và Manulife Việt Nam đã chấm dứt sau 7 năm hợp tác. Liên quan đến thỏa thuận này, Techcombank cho biết sẽ trả Manulife một khoản phí để chấm dứt hợp đồng khoảng 1.800 tỷ đồng. Khoản phí này dự kiến được ghi nhận trong báo cáo tài chính quý IV/2024.

Dù đã ngừng hợp tác độc quyền với Manulife, nhưng theo Techcombank, mảng phí bảo hiểm vẫn đảm bảo tăng trưởng với mức tăng 30% trong 9 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Việc dừng hợp tác này cũng mở ra cơ hội cho Techcombank trong việc định hướng lại hoạt động phân phối các sản phẩm bảo hiểm trong thời gian tới nhằm tối ưu hóa lợi ích cho khách hàng cũng như cổ đông.

Đại diện Techcombank cũng cho hay, thu phí luôn là mảng quan trọng, được Ngân hàng tập trung cao nhất. Trong 9 tháng đầu năm 2024, thu nhập từ phí dịch vụ của Techcombank đạt gần 8.300 tỷ đồng, chủ yếu đến từ phí ngân hàng đầu tư và phí bảo hiểm.

“Thị trường bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Đáng chú ý, 80% khách hàng của Techcombank cho biết đang rất quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ nên đây vẫn là mảng trọng tâm của Ngân hàng. Có nhiều đối tác quan tâm và Techcombank sẽ tập trung xác định mô hình hợp tác với đối tác phù hợp trong thời gian tới”, ông Tuấn chia sẻ thêm.

Thông tin trên phần nào hé lộ về một chiến lược phát triển dịch vụ bảo hiểm mới trong thời gian tới của Techcombank. Cách đây khoảng 10 năm, Techcombank từng lên kế hoạch lập công ty bảo hiểm nhân thọ với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do ngân hàng này nắm 100% vốn, nhưng không thành.

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, trải qua cuộc khủng hoảng truyền thông vừa qua, hiện là lúc tập trung khôi phục niềm tin của khách hàng đối với bảo hiểm nhân thọ, đồng thời xây dựng và hoàn thiện hơn quy trình bán hàng. Mỗi nhà bảo hiểm đang tái cấu trúc, sắp xếp lại các quy định và hệ thống nội bộ, nỗ lực chuyển từ tăng trưởng số lượng sang tăng trưởng chất lượng…

Phi nhân thọ lấy lại đà tăng trưởng

Trong bối cảnh thị trường bảo hiểm nói chung và lĩnh vực nhân thọ nói riêng còn đối mặt với nhiều khó khăn, lĩnh vực phi nhân thọ đã lấy lại đà tăng trưởng. Thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho thấy, 9 tháng đầu năm 2024, lĩnh vực này ước đạt 58.541 tỷ đồng doanh thu phí, tăng 12,79% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thực tế, lĩnh vực phi nhân thọ diễn biến khá sôi động với nhiều hoạt động mở rộng thị trường. Cùng với thương vụ M&A của Tập đoàn DB (Hàn Quốc) hồi đầu năm nay, việc Techcombank công bố thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ mới đây cũng là một sự kiện đáng chú ý.

Với thương vụ M&A hồi đầu năm 2024, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một công ty bảo hiểm nước ngoài (DB) cùng lúc thực hiện thành công 2 thương vụ M&A tại 2 công ty bảo hiểm phi nhân thọ nằm trong Top 10 thị trường, đó là Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) và Bảo hiểm Hàng không (VNI). Điều này cho thấy, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài và hứa hẹn sẽ có thêm sự đầu tư bài bản trong thời gian tới.

DB là một cái tên quen thuộc với thị trường bảo hiểm trong nước, khi “ông lớn” bảo hiểm Hàn Quốc này đã đồng hành và đưa Bảo hiểm Bưu điện (PTI) từ Top 5 vươn lên mạnh mẽ ở vị trí Top 3 về thị phần doanh thu phí và dẫn đầu trong mảng bảo hiểm xe cơ giới chỉ sau một thời gian ngắn. Hiện DB đang nắm giữ khoảng 30% cổ phần của PTI. Việc tiếp tục mở rộng quyền sở hữu sang 2 công ty phi nhân thọ khác cho thấy DB đánh giá cao tiềm năng của thị trường bảo hiểm Việt Nam và có chiến lược đồng hành lâu dài, chứ không đơn thuần mua bán vì mục tiêu lợi nhuận.

Với lợi thế về công nghệ, tiềm lực tài chính mạnh và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, DB được kỳ vọng sẽ đem lại cho VNI và BSH đầy đủ nguồn lực cần thiết để 2 công ty này gia tăng lợi thế cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ. Thực tế, sau một thời gian ngắn tiếp quản, DB đã đầu tư hoàn thiện năng lực quản trị, giúp VNI vươn lên vị trí dẫn đầu về bảo hiểm xe cơ giới - nghiệp vụ có tỷ lệ cạnh tranh cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của các công ty phi nhân thọ. Bên cạnh đó, VNI và BSH sẽ chuyển dịch từ trạng thái cạnh tranh nhau trước đây sang cùng đồng hành và hợp tác để phát triển. Điều này cũng sẽ đem lại “làn gió mới” cho thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Liên quan tới “tân binh” của thị trường, ngày 29/10/2024 vừa qua, Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom (TCGIns) đã chính thức ra mắt tại Hà Nội. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình hoàn thiện hệ sinh thái tài chính toàn diện của Techcombank và đóng góp vào sự phát triển năng động của ngành bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.

Đại diện Techcombank, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thừa hưởng nền tảng công nghệ hiện đại, tệp khách hàng quy mô lớn, chất lượng và phương pháp quản trị tiên tiến từ Techcombank cùng các đối tác chiến lược, TCGIns có lợi thế để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, không chỉ là một phần quan trọng của hệ sinh thái Techcombank mà còn phát triển vững mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

Với sự tham gia góp vốn của Techcombank (với tỷ lệ 11%), TCGIns trở thành công ty phi nhân thọ thứ 31 tại Việt Nam, dự kiến chính thức đi vào hoạt động từ ngày 14/11/2024, trụ sở tại Tòa C5 D’Capitale, số 119 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Công ty này sẽ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ chủ lực như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm tín dụng cùng các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt khác. Công ty cũng đặc biệt chú trọng vào việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm được “may đo” theo nhu cầu của từng đối tượng khách hàng.

Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam dù đã có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tham gia nhưng thị trường này còn nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt đối với phân khúc các sản phẩm bảo hiểm “may đo” theo yêu cầu của khách hàng và các sản phẩm bảo hiểm Insurtech. Chính vì thế, sự hiện diện của TCGIns cũng được kỳ vọng đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành bảo hiểm và tạo ra những sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Tin bài liên quan