Doanh thu bảo hiểm nhân thọ 2021 dự báo ở mức 2 con số. Ảnh: Dũng Minh

Doanh thu bảo hiểm nhân thọ 2021 dự báo ở mức 2 con số. Ảnh: Dũng Minh

Thị trường bảo hiểm 2021 dự báo lạc quan

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chưa có dự báo chính thức từ cơ quan quản lý, nhưng theo giới chuyên gia, doanh thu phí bảo hiểm năm 2021 cả 2 mảng nhân thọ và phi nhân thọ sẽ vẫn ở mức 2 con số.

Duy trì đà tăng trưởng 2 con số…

Trao đổi bên lề lễ kỷ niệm ngày thị trường bảo hiểm Việt Nam cuối tuần qua, một số CEO bảo hiểm cho rằng, thị trường năm 2021 sẽ vẫn duy trì kế hoạch tăng trưởng 2 con số như mọi năm, cho dù dịch bệnh có được khống chế hay không. Những bài học kinh nghiệm trong ứng phó với các đợt bùng phát dịch năm 2020 sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua năm 2021 không quá khó khăn.

Cụ thể hơn, ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) dự báo, năm 2021 mảng bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt doanh thu 70.000 tỷ đồng tăng 15%, còn mảng bảo hiểm nhân thọ ước đạt 160.000 tỷ đồng, tăng 22%.

“Năm 2021, các yếu tố được xem là thuận lợi cho thị trường bảo hiểm là tình hình phòng chống Covid-19 có nhiều tích cực khả quan, hy vọng đến cuối năm 2021 sẽ sản xuất và tiêm chủng đủ vắc-xin trên toàn thế giới. Việt Nam là nước thành công trong khống chế Covid, là một trong số ít quốc gia trên thế giới có tăng trưởng GDP trong năm 2019, tạo đà cho năm 2021 phát triển hơn nữa Việt Nam cũng đã thử nghiệm vắcxin Covid trên người góp phần khống chế đẩy lùi Covid-19’, ông Lộc nói.

Cũng theo ông Lộc, việc đẩy mạnh ứng dụng cộng nghệ số vào kinh doanh bảo hiểm từ sản phẩm, kênh phân phối, bán bảo hiểm, thu phí, chăm sóc khách hàng, giải quyết quyền lợi bảo hiểm đào tạo, hội họp... đến marketing, xây dựng thương hiệu, quản lý... cũng tạo đà tăng trưởng. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển vào Việt Nam tăng cũng làm gia tăng nhu cầu bảo hiểm. Việc bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng sẽ được đẩy mạnh hơn với sự có mặt của các ngân hàng thương mại lớn như: Vietcombank-FWD, Vietinbank-Manulife...

... và vượt lên nhiều ngành kinh tế khác

Theo công bố mới nhất từ Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2020 ước đạt 184.662 tỷ đồng (tăng 15% so với 2019). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 57.102 tỷ đồng (tăng 8% so với 2029), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.560 tỷ đồng (tăng 19,6%).

Số liệu thống kê của IAV cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm bình quân 5 năm (2016-2020) ở mức khoảng 22%/năm, trong đó bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng trung bình 13%, bảo hiểm nhân thọ tăng trung bình 28%.

Đánh giá kết quả trên, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV cho rằng, thị trường bảo hiểm có được tốc độ tăng trưởng tích cực trong năm 2020, vượt lên mức hồi phục trung bình của nhiều ngành kinh tế khác là nhờ nền tảng vững chắc có được những năm trước đó.

Về phía doanh nghiệp, ông Dương Thanh Francois, Chủ tịch Hội đồng thành viên Bảo hiểm PVI cho biết, với kết quả khả quan trong quý III/2020, Bảo hiểm PVI đã vượt kế hoạch năm 2020 về lợi nhuận tính riêng lĩnh vực cốt lõi là kinh doanh bảo hiểm với gần 300 tỷ đồng, hoàn thành 116% kế hoạch cả năm. Năm 2020, Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu vượt 9.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 750 tỷ đồng.

“Kết quả tích cực này sẽ tạo nền tảng để Bảo hiểm PVI tiếp tục bứt phá trong năm 2021”, ông Dương Thanh Francois nhấn mạnh.

Thực tế, thị trường bảo hiểm dù tăng trưởng khá, nhưng quy mô vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới đạt 3,07%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và mức trung bình thế giới (6,3%). Đặc biệt, một số nghiệp vụ như bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm xuất nhập khẩu, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe... vẫn chưa được khai thác hết dư địa.

“Về cơ bản, các công ty bảo hiểm sẽ phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu đã được Chính phủ chỉ đạo tại Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, một CEO bảo hiểm cho hay.

Theo đề án này, tổng doanh thu tăng trưởng ở mức trung bình 15%/năm từ năm 2021 đến năm 2025, còn năm 2020 là 20%. Ngoài ra, phấn đấu các chỉ tiêu khác như giữ vững tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu, tổng doanh thu ở mức tăng bình quân 20%/năm đến năm 2020 và 15%/năm từ năm 2021 đến năm 2025. Đến năm 2020 có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và năm 2025 là 15% dân số. Tính trên GDP, chỉ tiêu trên cũng phấn đấu doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP đến năm 2020 tối đa 3%, đến năm 2025 là 3,5%.

Một số kết quả năm 2020

Chi trả quyền lợi bảo hiểm trong năm 2020 ước đạt 48.223 tỷ đồng (tăng 11,4% so với cùng kỳ 2019), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.108 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 25.115 tỷ đồng (tăng 10%).

Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tích cực tái đầu tư trở lại nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế xã hội. Cụ thể, đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 460.457 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ 2019), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 51.308 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 409.149 tỷ đồng (tăng 23,5%).

Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 552.403 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ 2019), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 95.949 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 456.454 tỷ đồng (tăng 23,3%).

Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm toàn thị trường vẫn duy trì ở mức tăng cao, ước đạt 355.240 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ 2019), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 27.125 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 328.115 tỷ đồng (tăng 22,6%). Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 113.523 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ 2019), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 31.035 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 82.488 tỷ đồng (tăng 25,2%).

Tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới năm 2020 ước đạt 9.679 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ 2019), trong đó phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới ước đạt 7.019 tỷ đồng (tăng 17,6%), phí tái bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 2.660 tỷ đồng (tăng 16,5%).

Nguồn: Bộ Tài chính

Tin bài liên quan