Khối bảo hiểm nhân thọ  trong vòng 3 năm liên tiếp vừa qua có tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 30%

Khối bảo hiểm nhân thọ trong vòng 3 năm liên tiếp vừa qua có tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 30%

Thị trường bảo hiểm 2016, những con số biết nói

(ĐTCK) Nếu so với các ngành kinh tế khác, tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 20% của ngành bảo hiểm trong những năm gần đây luôn là điều đáng mơ ước. Tuy nhiên, nhìn vào tiềm năng phát triển của ngành và nhu cầu cần được bảo vệ của mọi người dân thì thực tế, các doanh nghiệp ngành này vẫn còn rất nhiều việc phải làm để góp phần tạo nên một thị trường bảo hiểm thực sự lớn mạnh và vững chắc.

2 con số và 2%

Phát biểu tại lễ ra mắt trụ sở chính của công ty bảo hiểm FWD Việt Nam, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ tài chính) cho biết, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước tính đến cuối tháng 11/2016 đạt khoảng 77.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái; riêng đối với khối bảo hiểm nhân thọ, doanh thu tính đến hết tháng 11/2016 đạt khoảng 44.000 tỷ đồng, tăng hơn 30%.

“Khối bảo hiểm nhân thọ trong vòng 3 năm liên tiếp vừa qua tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 30%. Nếu tốc độ này được giữ trong 5 năm liên tục thì quy mô của thị trường chắc sẽ tăng gấp đôi như hiện tại”, ông Khánh nhấn mạnh.

Cùng với việc tăng cường năng lực tài chính, đầu tư trở lại nền kinh tế, các doanh nghiệp khối nhân thọ này cũng đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng với số tiền khoảng 25.000 tỷ đồng (tính đến hết tháng 11/2016 ). 

Thực tế, mức tăng trưởng 2 con số liên tục trong gần 1 thập kỷ qua của thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng được các nhà đầu tư nhìn nhận là vô cũng ấn tượng.

Theo ông Back Jong Kook - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Hanwha Life Việt Nam, Việt Nam là một thị trường còn rất nhiều cơ hội với dư địa tăng trưởng GDP hơn 6%/ năm, trong khi kinh tế Hàn Quốc đang có dấu hiệu chững lại.

Ngành bảo hiểm nhân thọ cũng là ngành luôn có mối quan hệ tỷ lệ thuận với sự phát triển của một quốc gia. Các công ty bảo hiểm sẽ tăng trưởng nhanh khi nền kinh tế phát triển mạnh.

Khối bảo hiểm nhân thọ trong vòng 3 năm liên tiếp vừa qua tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 30%. Nếu tốc độ được giữ trong 5 năm liên tục thì quy mô của thị trường chắc sẽ tăng gấp đôi như hiện tại

- Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ tài chính)

Mức tăng trưởng 2 con số của ngành nói chung và khối bảo hiểm nhân thọ nói riêng được đánh giá là mức tăng trưởng ấn tượng nếu so sánh với các lĩnh vực tài chính khác ở Việt Nam.

Theo ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, bình quân mỗi năm có xấp xỉ 1 triệu hợp đồng khai thác mới và có khoảng 800.000 hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực hoặc được chi trả quyền lợi bảo hiểm.

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm là người thành thị chiếm 42%, phi thành thị chiếm 58%, đặc biệt những vùng núi chuyên canh cây công nghiệp hay vùng đồng bằng, vùng biển, các hộ kinh doanh trang trại tham gia bảo hiểm với số tiền bảo hiểm lớn.

Có đến gần 50% người tham gia bảo hiểm mang lại quyền lợi được bảo hiểm cho người thân: vợ, chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em ruột…

Tuy nhiên, “bức tranh đẹp” này vẫn chưa thực sự hoàn thiện bởi tổng doanh thu toàn thị trường vẫn chỉ ở mức 2% GDP. Tỷ lệ dân số được bảo vệ bởi bảo hiểm nhân thọ cũng còn rất thấp, chỉ ở mức 6 - 7% dân số, một tỷ lệ còn rất thấp so với nhiều thị trường trong khu vực.

Cơ hội

Theo Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 193/QĐ-TTg, đến năm 2020, thị trường bảo hiểm dự kiến đạt tổng doanh thu 3% - 4% GDP; quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đến năm 2020 tăng 4,5 lần so với năm 2010.

Các nhà đầu tư cũng kỳ vọng, trong 3-5 năm tới, thị trường bảo hiểm Việt Nam có thể tăng trưởng từ 60-120% so với hiện nay.

Có nhiều yếu tố tạo lên sự kỳ vọng này. Chẳng hạn, sự gia tăng thu nhập và tiêu dùng, phong cách/quan niệm sống ngày càng cải thiện của tầng lớp trung lưu, khái niệm về bảo hiểm ngày càng trở nên phổ biến.

Tất nhiên, tiềm năng tăng trưởng không chỉ với khối bảo hiểm nhân thọ. Bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm du lịch… là những loại hình bảo hiểm đầy hứa hẹn của khối bảo hiểm phi nhân thọ.

... Và quyết tâm của các công ty bảo hiểm

So với nhiều quốc gia trong khu vực, thị trường bảo hiểm Việt Nam được mở cửa từ khá sớm và chính sách phát triển ngành bảo hiểm khá thông thoáng.

Tính đến hết tháng 11/2016, theo Bộ Tài chính, tổng đầu tư trở lại nền kinh tế của thị trường bảo hiểm Việt Nam ước đạt trên 182 ngàn tỷ đồng. Trong tổng số tiền đầu tư này, số tiền đầu tư vào trái phiếu Chính phủ các doanh nghiệp, đặc biệt là khối bảo hiểm nhân thọ đóng góp tỷ trọng rất lớn. Về năng lực tài chính,  tổng dự phòng nghiệp vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm đạt trên 140 ngàn tỷ đồng.
Việt Nam đã cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài từ rất lâu khi các thị trường bảo hiểm khác chưa hoàn toàn mở cửa. Hiện Nhà nước vẫn đang tiếp tục xu hướng mở cửa kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường bảo hiểm, trong khi đó, những bộ hồ sơ xin gia nhập thị trường này từ các tập đoàn tài chính bảo hiểm lớn trên thế giới vẫn tiếp tục được gửi về Bộ Tài chính.

Cả thị trường bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đều đang rất cạnh tranh, các công ty bảo hiểm đều đang nỗ lực thu hút khách hàng và mở rộng thị trường.

Sự cạnh tranh khốc liệt đã khiến dịch vụ chăm sóc khách hàng của các công ty bảo hiểm cả nhân thọ và phi nhân thọ đang thay đổi rõ rệt, không chỉ từ cơ sở hạ tầng đón tiếp khách hàng hay thái độ chuyên nghiệp của đại lý…

Ngoài ra, trong năm qua, rất nhiều kênh bán bảo hiểm được đẩy mạnh như bancassurance, trực tuyến. Khâu chi trả bồi thường cũng được nhiều doanh nghiệp rút ngắn từ 30 ngày xuống còn khoảng 30 phút. Việc mua bảo hiểm nhân thọ với những hợp đồng mệnh giá vừa và đơn giản cũng chỉ bằng vài cú nhấp chuột… 

Nhìn nhận về xu hướng phát triển của bảo hiểm nhân thọ, ông Phương Tiến Minh, Phó tổng giám đốc Marketing, Prudential Việt Nam cho rằng, thị trường bảo hiểm tại các nước châu Á và Việt Nam nhìn chung vẫn đang tập trung vào các dòng sản phẩm bảo hiểm kết hợp tích lũy hoặc bảo vệ.

Đối với các thị trường phát triển như Hồng Kông, Singapore …, nhận thức của khách hàng về vai trò của bảo hiểm nhân thọ và hiểu biết về các sản phẩm bảo hiểm tốt hơn, do đó, các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế đa dạng hơn, phù hợp với từng giai đoạn sống để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

“Tôi nghĩ trong một vài năm tới, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam cũng sẽ phát triển theo hướng này”, ông Minh nói.

Trong khi đó, đại diện FWD, thương hiệu bảo hiểm mới tại thị trường Việt Nam chia sẻ, để chinh phục thị trường Việt Nam, Công ty sẽ có một cách tiếp cận hoàn toàn mới để định vị lại ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ, vẫn là sự bảo vệ nhưng theo hướng tích cực và chủ động hơn.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã kiến nghị Bộ Tài chính một số vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bảo hiểm như:

Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để cho phép triển khai thí điểm bán bảo hiểm nhân thọ cho người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam và nước ngoài bằng ngoại tệ;

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh theo Điều 11 Nghị định 102/2011/NĐ-CP về bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh;

Bộ Tài chính là đầu mối hướng dẫn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm có thể tiếp cận và sử dụng một số thông tin cần thiết từ cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhằm xử lý gian lận bảo hiểm và chi trả quyền lợi bảo hiểm nhanh chóng, chính xác;

Cục Quản lý giám sát bảo hiểm ủng hộ và chỉ đạo hướng dẫn các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ xây dựng cơ sở dữ liệu bảo hiểm nhân thọ nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng: bảo lưu kết quả khám sức khỏe lần đầu tại 1 doanh nghiệp bảo hiểm, chi trả kịp thời đầy đủ quyền lợi bảo hiểm, cảnh báo rủi ro và phòng chống gian lận bảo hiểm;

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tổ chức dịch sang tiếng Anh các văn bản pháp quy như Nghị định 73 và Thông tư hướng dẫn thi hành, Nghị định 119 và Thông tư hướng dẫn thi hành để doanh nghiệp bảo hiểm có bản dịch của cấp có thẩm quyền sử dụng giao dịch với đối tượng người nước ngoài tại Việt Nam…

Tin bài liên quan