Thị trường bảo hiểm 2013: Chỉ tiêu nào phù hợp?

Thị trường bảo hiểm 2013: Chỉ tiêu nào phù hợp?

(ĐTCK) Năm 2012 sắp qua đi với nhiều khó khăn, thách thức hơn cả những dự liệu ban đầu, khiến ngành bảo hiểm khó về đích kế hoạch tăng trưởng 17%. Chuẩn bị xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm tới, nhiều DN trong ngành không còn đặt ra tốc độ tăng trưởng “năm sau cao hơn năm trước”.

Thị trường bảo hiểm 2013: Chỉ tiêu nào phù hợp? ảnh 1Ngành bảo hiểm năm 2013 được dự báo vẫn khó khăn như năm 2012

 

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) nhận định, thị trường bảo hiểm năm 2013 chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn tương tự như năm 2012. “Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 với tăng trưởng GDP 5,5%, đầu tư công chiếm 30% GDP, CPI tăng 8%, đồng nghĩa với dự báo nền kinh tế chưa thể khởi sắc”, ông Lộc nói.

Cùng quan điểm với ông Lộc, nhiều chuyên gia trong ngành dự báo, nhiều khả năng, tăng trưởng doanh thu của ngành bảo hiểm trong năm 2013 chỉ dao động quanh mức 10%. Như vậy, đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp, thị trường bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng doanh thu thụt lùi.

Năm 2012 còn hơn 1 tháng nữa mới khép lại, nhưng theo ước tính của AVI, tăng trưởng toàn thị trường chỉ cao hơn mức 10% chút đỉnh, so với kế hoạch 17%. Trong đó, khối bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt tốc độ tăng trưởng 13 - 14%, ở khối nhân thọ là 11 - 12%. Mức tăng trưởng 13 - 14% của khối bảo hiểm phi nhân thọ trong năm nay có thể nói là sự nỗ lực của các doanh nghiệp khối này, trong bối cảnh đầu tư công bị cắt giảm, các DN dừng lại nhiều kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh. Thực tế, trước nhiều khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã chuyển hướng sản phẩm sang bảo hiểm tài sản cá nhân, bảo hiểm sức khỏe và y tế, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm tài chính tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, tạo ra tăng trưởng mới cho thị trường bảo hiểm và ít nhiều ghi nhận được kết quả nhất định.

Ở khối bảo hiểm nhân thọ cũng cho thấy nỗ lực không kém, khi thị trường bất động sản, chứng khoán ảm đạm, thu nhập của người lao động ảnh hưởng khi sản xuất - kinh doanh nhiều ngành nghề giảm sút, giá cả dịch vụ hàng hóa tăng nhưng vẫn thu hút được đông đảo khách hàng tham gia bảo hiểm và duy trì hợp đồng bảo hiểm cũ.

Các doanh nghiệp liên tiếp tung sản phẩm mới và chú trọng phát triển kênh phân phối để tiếp cận nhiều nguồn khách hàng tiềm năng. Trong đó, bancassurance là kênh phân phối được nhiều DN bảo hiểm nhân thọ đặc biệt quan tâm. Một số doanh nghiệp tập trung khai thác thế mạnh riêng như phát hành qua kênh bưu điện. Tuy nhiên, do đặc thù của thị trường bảo hiểm Việt Nam , kênh đại lý vẫn là kênh chủ đạo nên các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn chú trọng đầu tư cho kênh này. Một số doanh nghiệp tiếp tục phát triển mô hình tổng đại lý như AIA, Korea Life, Dai-ichi, Manulife... Chiến lược cạnh tranh trên sẽ tiếp tục được các DN phát triển cho năm 2013.

Theo ông Lộc, với những bài học kinh nghiệm của 2 năm qua để vượt qua khó khăn, thách thức của suy thoái kinh tế toàn cầu, chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát sẽ là nhân tố tạo cho các DN xây dựng kế hoạch kinh doanh bảo hiểm năm 2013 sát với thực tế để hoàn thành kế hoạch.

Năm 2013 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển thị trường bảo hiểm 2011 - 2015 đã được Bộ Tài chính đề ra, đồng thời, cũng là năm kỉ niệm 20 năm hình thành phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam. Đây sẽ là động lực quan trọng để các DN trong ngành phấn đấu lập thành tích cao nhất trong kinh doanh.